- Người dùng iPhone nên cập nhật iOS 17.2 ngay lập tức
Vừa qua, Apple đã chính thức phát hành bản cập nhật bảo mật cho iPhone, iPad, MacBook… để vá hơn 50 lỗ hổng, công ty cũng khuyến cáo người dùng iPhone nên cập nhật iOS 17.2 ngay lập tức.
Theo Apple, bản cập nhật iOS 17.2, iPadOS 17.2 giúp khắc phục 12 lỗ hổng bảo mật, bao gồm AVEVideoEncode, ExtensionKit, Find My, ImageIO, Kernel, Safari Private Browsing và WebKit. Trong khi đó, bản cập nhật macOS 14.2 đã giải quyết 39 lỗ hổng, trong đó có sáu lỗi ảnh hưởng đến thư viện ncurses.
Đáng chú ý, lỗ hổng CVE-2023-45866 cho phép kẻ tấn công thực hiện thao tác nhấn phím bằng cách giả mạo bàn phím. Lỗ hổng này đã được tiết lộ bởi nhà nghiên cứu bảo mật Marc Newlin (SkySafe) vào tuần trước.
Apple cho biết lỗ hổng kể trên hiện đã được khắc phục trong iOS 17.2, iPadOS 17.2 và macOS Sonoma 14.2.
Bên cạnh đó, gã khổng lồ công nghệ cũng đã phát hành trình duyệt Safari 17.2, sửa hai lỗi WebKit - CVE-2023-42890 và CVE-2023-42883, cho phép tin tặc thực thi mã tùy ý và từ chối dịch vụ (DoS). Bản cập nhật hiện đã có sẵn cho người dùng macOS.
Ngoài việc giải quyết các lỗ hổng bảo mật, iOS 17.2 và iPadOS 17.2 còn được tích hợp một tính năng bảo mật mới - Contact Key Verification (xác minh khóa liên hệ), đảm bảo quyền riêng tư của các cuộc trò chuyện iMessage.
Đối với các mẫu iPhone, iPad cũ, Apple cũng phát hành phiên bản iOS 16.7.3 và iPadOS 16.7.3 để giải quyết 8 lỗi bảo mật, hai trong số đó liên quan đến WebKit (CVE-2023-42916 và CVE-2023-42917) và đã bị khai thác tích cực trong tự nhiên.
- “Sale hết kết năm"- FPT Shop mở đợt giảm giá đến 70%
Càng gần cuối năm, không khí mua sắm càng trở nên nhộn nhịp và nhu cầu chọn mua các mặt hàng công nghệ, đồ gia dụng cho dịp Tết có xu hướng tăng cao. Nhân dịp này, FPT Shop triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi với mức giá giảm sâu để bạn có nhiều lựa chọn mua sắm tiết kiệm.
Nổi bật là chương trình “Sale hết kết năm" diễn ra từ ngày 13 - 25/12/2023 với ưu đãi đến 70% cho rất nhiều mặt hàng điện tử, sản phẩm công nghệ; khách hàng chọn mua hàng gia dụng được ưu đãi “mua 1 được 2”; phụ kiện giảm đến 70% và laptop, linh kiện ưu đãi đến 35%.
Dịp này, một số dòng điện thoại thông minh sẽ có mức giá ưu đãi đến 45% tại FPT Shop. Chưa dừng lại, bạn còn được trả góp 0% lãi suất, tặng 2 năm bảo hành khi mua iPhone 15 series, kèm ưu đãi ‘1 đổi 1’ dành cho Honor #1 máy chất.
Đặc biệt, trong dịp siêu sale cuối năm, FPT Shop ‘mạnh tay’ giảm đến 70% cho các mặt hàng phụ kiện như: Pin sạc dự phòng Magsafe QC giảm 901.000 đồng, giá còn 389,000; Miếng dán kính cường lực camera iPhone 15 Pro/15 Pro Max được giảm 50%, giá chỉ 199.000 đồng; các sản phẩm tai nghe của AirPod và Samsung có mức giá giảm đến 1.700.000 đồng.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại hệ thống FPT Shop chia sẻ: “Vào giai đoạn cuối năm, nhu cầu mua sắm của khách hàng thường có xu hướng tăng cao. Đây được xem là thời điểm ‘vàng' để các nhà bán lẻ, trong đó có FPT Shop tập trung kích cầu thị trường. Vì thế, FPT Shop đã làm việc với các đối tác, các hãng công nghệ lớn để cùng làm các chương trình khuyến mãi tặng quà, giảm giá ‘khủng’ cho hàng loạt sản phẩm công nghệ, đồ gia dụng,.. để khách hàng thoải mái mua sắm và nhận được nhiều ưu đãi giá trị”.
- Mỗi tháng có gần 1.200 vụ tấn công mạng vào các hệ thống Việt Nam
Báo cáo tổng kết an ninh mạng Việt Nam năm 2023 vừa được các chuyên gia Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam - NCS công bố ngày 12/12.
Theo tổng hợp của NCS, năm 2023 đã ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, tăng 9,5% so với năm 2022.
Các mục tiêu chịu nhiều cuộc tấn công nhất trong năm nay là các cơ quan chính phủ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, hệ thống công nghiệp và các hệ thống trọng yếu khác.
Đáng chú ý, các chuyên gia NCS chỉ ra 3 điểm yếu bị tấn công nhiều nhất tại Việt Nam năm 2023. Trong đó, tỷ lệ cao nhất là điểm yếu con người, chiếm 32,6% tổng số vụ việc. Theo đó, hacker sử dụng email giả mạo (phishing) có file đính kèm mã độc dưới dạng file văn bản hoặc nội dung có đường link đăng nhập giả mạo để chiếm tài khoản, kiểm soát máy tính người dùng từ xa.
Điểm yếu có tỷ lệ cao thứ hai là lỗ hổng của các nền tảng, dịch vụ phần mềm cài đặt trên máy chủ chiếm 27,4%. Các phần mềm bị khai thác là phần mềm Mail Server, nền tảng quản lý nội dung, nền tảng chia sẻ dữ liệu…
Và điểm yếu thứ 3 là các lỗ hổng của website do tổ chức tự phát triển chiếm 25,3% số vụ việc. Thường bị khai thác là lỗ hổng SQL Injection, mật khẩu quản trị yếu hoặc sử dụng thư viện có lỗ hổng.
Không chỉ thu thập, sửa đổi, đánh cắp dữ liệu, hacker còn công khai chèn các đường dẫn ẩn (backlink) quảng cáo nội dung vi phạm pháp luật như cờ bạc, cá độ lên các website chính thống.
- Sản phẩm số của VNPT “chinh phục” Make in Vietnam 2023
Tại Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Vietnam 2023 vừa được Bộ TT&TT tổ chức tại Quảng Ninh trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lần thứ 5, Tập đoàn VNPT đã có 6 sản phẩm số được vinh danh trong TOP 10 ở 3 hạng mục của Giải thưởng, đặc biệt trong đó có 1 giải Bạc và 1 giải Đồng.
Trong đó, sản phẩm “Dịch vụ Chứng thực kỹ thuật số theo mô hình ký số từ xa - VNPT SmartCA” của VNPT nhận giải Bạc ở hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Xã hội số.
Ở hạng mục “Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho Chính phủ số”, Phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức (VNPT CCVC của VNPT đã giành được giải Đồng.
Cũng ở hạng mục Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho chính phủ số, VNPT còn có 3 sản phẩm lọt vào TOP 10, gồm: Payment Platform; Phần mềm Một cửa liên thông - VNPT iGate và Ứng dụng công dân số - vnCitizens.
Sản phẩm “Phần mềm hộ cá thể kinh doanh - VNPT HKD” của VNPT cũng đã lọt TOP 10 ở hạng mục Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số xuất sắc cho kinh tế số của Make in Vietnam 2023.
- Người dùng đã có thể trò chuyện với AI trên WhatsApp, Messenger và Instagram
Meta đã chính thức ứng dụng công nghệ AI lên các dịch vụ chủ chốt của công ty.
Meta vừa thông báo trợ lý ảo Meta AI của công ty hiện có sẵn cho người dùng ở Mỹ để tương tác trên các ứng dụng nhắn tin chính của công ty. Để tương tác với trợ lý ảo Meta AI, người dùng bắt đầu một tin nhắn mới và chọn Create an AI chat trên WhatsApp, Messenger hoặc Instagram.
Người dùng cũng có thể nhập @MetaAI trong cuộc trò chuyện nhóm, sau đó là lệnh muốn trợ lý trợ giúp. Nếu sử dụng kính thông minh Ray-Ban Meta, người dùng có thể nói to "Hey Meta".
Meta AI trên Messenger và Instagram hiện có một tính năng mới gọi là Reimagine với chức năng chụp hình ảnh do AI tạo ra và cho phép bạn bè trong cuộc trò chuyện nhóm phối lại hình ảnh đó với các lời nhắc bằng văn bản khác. Họ chỉ cần nhấn/giữ hình ảnh đã tạo và thêm văn bản nhắc nhở để tạo bản sửa đổi.
Meta AI cũng có thể được sử dụng để khám phá Reels. Giờ đây, người dùng có thể yêu cầu được hiển thị video trong cuộc trò chuyện Meta AI của mình và họ sẽ được cung cấp các cuộn phim có liên quan phục vụ truy vấn tìm kiếm.
Trên Facebook, Meta AI có thể giúp người dùng tạo lời chúc mừng sinh nhật, chỉnh sửa bài đăng trên Feed và soạn thảo phần giới thiệu cho hồ sơ Dating trên Facebook. Meta cũng đang thử nghiệm các cách để dễ dàng tạo và chia sẻ hình ảnh do AI tạo trên Facebook, như sử dụng AI để chuyển đổi hình ảnh từ hướng ngang sang hướng dọc để chia sẻ trên Stories dễ dàng hơn.
Meta AI đang được sử dụng để cho phép người sáng tạo phản hồi thông điệp cộng đồng của họ một cách hiệu quả hơn. Đối với những người sáng tạo tham gia thử nghiệm, Meta AI sẽ giúp soạn thảo các câu trả lời có liên quan cho tin nhắn họ nhận được.
Meta cũng đang sử dụng Meta AI ngoài các cuộc trò chuyện. Công nghệ LLM được sử dụng để cung cấp cho người dùng các tùy chọn về đề xuất do AI tạo cho bài, chủ đề trò chuyện, cung cấp kết quả tìm kiếm và thậm chí nâng cao mô tả sản phẩm trong Cửa hàng.
- TikTok mua 75% cổ phần sàn thương mại điện tử Indonesia
TikTok thông báo đầu tư hơn 1,5 tỷ USD để nắm 75% cổ phần trong sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tokopedia của siêu ứng dụng GoTo (Indonesia).
Khoản đầu tư nhằm cứu TikTok Shop, vốn đang tạm dừng hoạt động tại Indonesia. Các cuộc đàm phán giữa TikTok và GoTo bắt đầu sau khi Chính phủ Indonesia cấm các nền tảng mạng xã hội cung cấp tính năng thương mại điện tử.
Chính phủ Indonesia cho biết động thái nhằm bảo vệ các thương gia và thị trường ngoại tuyến ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhưng giáng đòn mạnh vào TikTok.
Quy định cho phép phương tiện truyền thông xã hội quảng bá bán hàng và quảng cáo sản phẩm, nhưng yêu cầu các nhà khai thác cung cấp một dịch vụ riêng để mua và bán sản phẩm.
TikTok đã tìm kiếm quan hệ đối tác với các công ty mua sắm trực tuyến của Indonesia để tái gia nhập thị trường Indonesia.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á là một trong những thị trường quan trọng nhất của TikTok. Theo công ty nghiên cứu Statista, Indonesia có 106,5 triệu người dùng TikTok tính đến tháng 10, chỉ sau Mỹ.
Tokopedia đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ TikTok trong cuộc chiến thị phần tại Indonesia. Theo thỏa thuận mới, Tokopedia và TikTok Shop hợp nhất và sử dụng thương hiệu Tokopedia.
Các tính năng mua sắm trong ứng dụng TikTok ở Indonesia sẽ do thực thể mới vận hành và duy trì. TikTok sẽ sở hữu 75,01% doanh nghiệp hợp nhất. Phần còn lại do GoTo nắm giữ và thực thể này sẽ vẫn là một phần của Tập đoàn GoTo.