- Apple sẽ mở bán kính 3.500 USD theo cách đặc biệt
Đây là đợt ra mắt sản phẩm phức tạp nhất trong lịch sử Apple vì đòi hỏi quy trình sản xuất, cung ứng phức tạp.
Apple dự kiến mở bán kính thông minh Vision Pro tại một số cửa hàng ở Mỹ vào đầu năm 2024. Tuy nhiên, các khách hàng sẽ phải đặt lịch trước, kèm theo đó là ưu đãi khi mua trực tiếp tại cửa hàng.
Cụ thể, tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ sắp xếp một khu vực riêng có chỗ ngồi, nơi dùng thử headset và các thiết bị để đeo phụ kiện cho khách hàng tại Apple Store.
Nguồn tin nội bộ cho biết trước khi chính thức ra mắt ở 270 cửa hàng Apple Store trên nước Mỹ, Apple sẽ mở khu vực thử nghiệm Vision Pro ở một vài cửa hàng chính như tại New York và Los Angeles. Năm 2024 cũng là thời điểm mở bán online Vision Pro.
Với thị trường quốc tế, Táo khuyết sẽ mở bán ở các quốc gia khác vào cuối năm 2024. Tập đoàn đang thương lượng với Anh và Canada để trở thành hai thị trường ngoại quốc đầu tiên phân phối Vision Pro. Theo sau là khu vực các nước châu Á và châu Âu.
Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được xác nhận chính thức. Các kỹ sư Apple đang trong quá trình nội địa hóa thiết bị này cho Pháp, Đức, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nguồn tin nội bộ cho biết.
Apple yêu cầu khách hàng phải đặt lịch hẹn trước nếu muốn mua Vision Pro. Cách làm này giống với thời điểm Apple Watch ra mắt năm 2015. Việc đặt lịch trước đảm bảo rằng người dùng sẽ mang về sản phẩm hài lòng nhất. Nếu có thể, nhân viên Apple Store cũng sẽ hỏi thông tin về thị lực của người dùng để đeo kính cho phù hợp với tầm nhìn của họ.
- Mỹ nỗ lực hồi sinh mỏ đất hiếm để 'trả đòn' Trung Quốc, cuộc chiến đất hiếm giữa 2 siêu cường vẫn chưa bao giờ 'hạ nhiệt'
Mỹ đang nỗ lực hồi sinh Mountain Pass - mỏ đất hiếm từng một thời hoàng kim nhằm giảm bớt sự phụ thuộc và rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc trong cuộc đua chất hiếm.
Ở vùng sa mạc phía Nam California, một mỏ đất hiếm lộ thiên rộng lớn đã trở thành "chiến trường" trong cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành ưu thế vượt trội về công nghiệp. Những chiếc xe tải khổng lồ màu vàng trở lại vận chuyển quặng từ mỏ đất hiếm Mountain Pass (MP), mỏ đất hiếm từng có một thời gian đóng cửa. Một tuyên bố trên trang web của MP Materials, chủ sở hữu của mỏ, có nội dung: “Sứ mệnh của chúng tôi là khôi phục toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm cho nước Mỹ”.
Sự hồi sinh của khu mỏ đất hiếm này là sản phẩm của cả tham vọng chính trị và thương mại. Mountain Pass đang đem lại các tài nguyên thiết yếu cho các ngành công nghiệp chiến lược, từ thiết bị quân sự đến các thiết bị cung cấp năng lượng cho cuộc cách mạng công nghệ xanh.
Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ để hồi sinh mỏ Moutain Pass, bao gồm cả tài trợ từ Bộ Quốc phòng. Đây là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm xây dựng lại sự hiện diện của Mỹ trong một thị trường kim loại đã bị Trung Quốc lấy mất ưu thế từ nhiều thập niên trước nhờ chi phí sản xuất thấp.
- ChatGPT giảm sức hút, người dùng muốn AI thông minh hơn
Trong tháng 6, website của ChatGPT đã chứng kiến lượng truy cập giảm gần 10% so với tháng trước, theo công cụ Similarweb. Đây là lần đầu tiên biểu đồ này có xu hướng đi xuống kể từ khi ChatGPT ra mắt cách đây nửa năm.
Từ tháng 5, sự tăng trưởng của ChatGPT đã bắt đầu chậm lại. Thời gian trung bình mỗi phiên người dùng trên website của ChatGPT cũng chỉ ở mức dưới 8 phút trong tháng 5, giảm 8,5% so với tháng 4.
ChatGPT vẫn là công cụ AI được ưa chuộng nhất hiện nay. Tuy nhiên, các đối thủ của nó cũng không có nhiều khả quan hơn. Bing AI của Microsoft, sử dụng công nghệ tương tự ChatGPT, cũng liên tiếp giảm lượng truy cập trong ba tháng qua.
Theo ông David F. Carr, chuyên gia của Similarweb, nguyên nhân chính là sự mới mẻ trong các cuộc trò chuyện với AI đã không còn thu hút người dùng. "Chatbot sẽ phải chứng tỏ được giá trị thực tế của chúng, không phải chỉ dựa vào sự tò mò của người dùng", Carr nhận xét.
Ông Rishi Jaluria, chuyên gia của RBC Capital Markets, cho rằng người dùng ngày càng có kỳ vọng cao hơn với AI. Họ muốn AI có khả năng cập nhật thông tin mới nhất và chính xác nhất. Tuy nhiên, các mô hình ngôn ngữ lớn trong AI hiện tại vẫn sử dụng dữ liệu từ nhiều năm trước và có thể tạo ra thông tin sai lệch.
- Lộ hạn chế đầu tiên của mạng xã hội Threads
Muốn xóa Threads người dùng buộc phải xóa luôn tài khoản Instagram - đây được xem là hạn chế đầu tiên mà mạng xã hội mới nhất của Meta gặp phải.
Meta ra mắt Threads, mạng xã hội hoạt động như Twitter vào ngày 5-7. Tạp chí Fortune (Mỹ) cho biết chỉ sau 2 ngày đã có 70 triệu người đăng ký sử dụng mạng xã hội Threads.
Để đăng ký Threads, người dùng phải có tài khoản Instagram. Tuy nhiên, sau đó họ không thể xóa mà chỉ có thể vô hiệu hóa tài khoản. Để dữ liệu không còn lưu trữ trên máy chủ Meta, người dùng buộc phải gỡ thủ công từng bài viết hoặc xóa luôn tài khoản Instagram.
Chính điều trên được xem là hạn chế đầu tiên mà mạng xã hội mới nhất của Meta gặp phải và dẫn tới phản ứng tiêu cực từ phía người dùng.
"Phải xóa tài khoản Instagram để loại bỏ hồ sơ và dữ liệu trên Threads. Chỉ điều này đã là quá đủ để tôi từ chối sử dụng nền tảng" - một người viết trên Twitter.
Một người khác chỉ trích: "Chúng ta không thể bỏ tài khoản Threads mà không xóa toàn bộ Instagram. Họ biết người dùng sẽ rời bỏ Threads nên đã giăng sẵn chiếc bẫy".
- Cảnh báo các trường hợp mạo danh Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về việc phát hiện các trường hợp mạo danh Bộ lập các kênh thông tin giả mạo.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chức năng gần đây đã phát hiện các trường hợp mạo danh Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để lập các kênh thông tin giả mạo nhằm thực hiện các hành vi gây nhiễu loạn thông tin liên quan đến tuyển sinh, hạ điểm chuẩn...
Trước đó, Bộ đã nhiều lần bị các cá nhân, tổ chức mạo danh và đăng thông tin không chính thống, gây nhiễu loạn thông tin. Sau đó, Bộ đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và kịp thời cảnh báo đến người dân.
Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị người dân nâng cao cảnh giác nếu gặp phải các trường hợp trên.
Thời gian qua, lừa đảo trực tuyến đã tăng đột biến về số lượng. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái.