Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa

22/07/2024 07:13

Trong quần thể kiến trúc nghệ thuật Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), có 5 lăng mộ vua và 1 lăng mộ hoàng thái hậu thời Lê sơ.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 1

Cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Di tích Lam Kinh) có diện tích hơn 200ha, tọa lạc trên địa bàn 2 huyện: Thọ Xuân và Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Đây là quê hương của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh (1418-1427) và là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua, thái hoàng, thái hậu triều Lê sơ.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 2

Theo chị Nguyễn Thị Loan, hướng dẫn viên, có 6 vị vua được an táng tại Di tích Lam Kinh, gồm: Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông. Di tích Lam Kinh cũng là nơi an táng của 2 bà hoàng thái hậu là Ngô Thị Ngọc Dao và Nguyễn Thị Ngọc Huyên.

Trải qua biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến nay lăng mộ của vua Lê Nhân Tông và Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyên vẫn chưa xác định chính xác vị trí. Hiện tại Di tích Lam Kinh có 5 lăng mộ vua Lê và 1 lăng mộ Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Trong ảnh là Vĩnh Lăng - nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 3

Vua Lê Thái Tổ thọ 49 tuổi (1385-1433). Ngày 23/10/1433, thi hài ông được đưa về an táng tại quê nhà ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay.

Bố cục và cách mai táng của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, trang trọng. Phần mộ có kích thước gần vuông (rộng 4,43m, dài 4,46m, cao 1,15m). Mộ đắp đất, xây tường xung quanh bằng gạch vồ, xếp khít mạch, không trát. Qua thời gian, lớp gạch bị sụt lở, năm 1995, mộ được trùng tu, ốp đá đục nhẵn bên ngoài.

Chị Nguyễn Thị Loan cho biết, tất cả lăng mộ của các vị vua triều Lê Sơ an táng tại Di tích Lam Kinh đều được thiết kế đơn giản, xây bằng gạch vồ, có trồng cỏ ở phía trên.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 4

Phía trước mộ vua Lê Thái Tổ là 2 tượng quan văn - võ và 4 đôi tượng đá gồm: nghê, tê giác, ngựa, hổ.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 5

Trong khuôn viên Vĩnh Lăng còn có cây ổi "cười" gần 100 năm tuổi. Cây ổi này do ông Trần Hưng Dẫn (người thôn Hành Thiện, tỉnh Nam Định) cung tiến vào năm 1933.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 6

Cách Vĩnh Lăng 800m là Hựu Lăng - nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tông (con thứ của vua Lê Thái Tổ). Vị vua này hưởng thọ 20 tuổi, ở ngôi được 9 năm (1433-1442).

Bố cục và cách mai táng, sắp đặt tượng quan hầu, tượng đá của Hựu Lăng tương tự như Vĩnh Lăng. Riêng tượng quan hầu hai bên mộ có kích thước bé hơn.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 7

Tiếp đến là Chiêu Lăng - nơi an nghỉ của vua Lê Thánh Tông (con trai thứ 4 của vua Lê Thái Tông). Vị vua này sinh năm 1442, băng hà ngày 30 tháng Giêng năm 1497, an táng tại Lam Kinh ngày 28/3/1497.

Chiêu Lăng được xây dựng theo hướng Nam, có độ dốc thoai thoải. Trước kia, lăng mộ được xây bằng gạch vồ, trên đắp đất. Do thời gian, thiên nhiên hủy hoại chỉ còn lại gò đất. Đến năm 1998, lăng mộ được tôn tạo, xây gạch ốp đá bên ngoài, có kích thước: dài 4,40m; rộng 4,39m; cao 1,19m. Cách bố trí tượng quan hầu và tượng đá giống Vĩnh Lăng.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 8

Lăng Khôn Nguyên Chí Đức - nơi an nghỉ của Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (vợ vua Lê Thái Tông, mẹ của vua Lê Thánh Tông). Lăng được xây theo hướng đông - tây, cách Hựu Lăng 100m.

Khu mộ của Hoàng thái hậu Ngọc Dao có chiều dài 4,45m, rộng 4,43m, cao 0,95m. Mộ ban đầu được xây bằng gạch vồ, đắp đất. Năm 1998, được trùng tu tôn tạo xây gạch vồ, mặt ngoài trát xi măng.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 9

Lăng Hoàng thái hậu khác với lăng vua, hai tượng quan hầu là nữ, có chiều dài 0,90m, đầu đội mũ chụp, hơi cúi xuống, hai bàn tay lồng vào nhau khoanh trước ngực, chân đi hài, trông hiền từ và trang nghiêm.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 10

Ở bên hữu Vĩnh Lăng là Dụ Lăng - nơi an nghỉ của vua Lê Hiến Tông (con trưởng của vua Lê Thánh Tông, mẹ là Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyên).

Dụ Lăng được xây theo hướng Nam, sau lăng có núi Dầu, phía nam có sông Chu uốn cong bao lấy mặt tiền của lăng.

Mộ vua Lê Hiến Tông được xây hình vuông, dài 4,80m, rộng 4,80m, cao 1,15m. Gần lăng mộ là hai tượng quan hầu và tượng linh thú đá giống các lăng khác. Điều đặc biệt là tượng quan hầu và linh thú được chế tác, điêu khắc trau chuốt, mang đậm nét văn hóa cung đình.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 11

Kính Lăng - nơi an nghỉ của vua Lê Túc Tông (con trai thứ 3 của vua Lê Hiến Tông). Kính Lăng được xây cách trung tâm Di tích Lam Kinh 4km về phía đông bắc, thuộc nông trường sông Âm, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.

Lăng mộ này trước đây đã bị hủy hoại, chỉ còn lại một số gạch vồ loại mỏng xếp xung quanh gò đất cao. Năm 1997, qua khảo sát xác định lại vị trí, lăng mộ được tôn tạo, xây bằng gạch và trát xi măng bên ngoài. Mộ có chiều dài 4,50m, rộng 4,50m, cao 1m.

Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa - 12

Hướng dẫn viên Nguyễn Thị Loan cho biết: "Mộ các vị vua thiết kế trồng cỏ ở trên nhằm mục đích âm dương giao hòa, các lăng mộ vua Lê không có mái che và được xây dựng rất đơn giản".

Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân ngày nay là nơi sinh ra vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi, đây cũng là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, kéo dài 10 năm (1418-1427). Trải qua 10 năm kháng chiến trường kỳ, cuối năm 1427, cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi. 

Ngày 15/4/1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế tại Kinh thành Thăng Long (Hà Nội), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước ta là Đại Việt, mở ra một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ và dài nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam - vương triều Hậu Lê kéo dài 360 năm. 

Năm 1430, Lê Lợi xuống chiếu đổi Lam Sơn thành Tây Kinh, để phân biệt với Đông Kinh (Hà Nội). Tên gọi Lam Kinh cũng được bắt nguồn từ hai chữ Lam Sơn và Tây Kinh. 

Tháng 8/1433, vua Lê Thái Tổ băng hà ở Thăng Long (Hà Nội), triều thần và hoàng tộc đã đưa ông về an táng tại quê hương Lam Sơn, xây lăng mộ rồi lập bia. Kể từ đó Lam Kinh trở thành sơn lăng, an táng các vị vua và hoàng thái hậu đầu triều Lê sơ. 

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/diem-chung-ve-lang-mo-cac-vua-le-va-hoang-thai-hau-o-thanh-hoa-20240720184811855.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/diem-chung-ve-lang-mo-cac-vua-le-va-hoang-thai-hau-o-thanh-hoa-20240720184811855.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm chung về lăng mộ các vua Lê và hoàng thái hậu ở Thanh Hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO