Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bến Tre ngày 15.9 cho biết, chỉ trong vòng 3 ngày từ ngày 11 - 13.9, toàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận 258 ca mắc bệnh đau mắt đỏ tại 23 cơ sở giáo dục thuộc 7 huyện, thành phố trên địa bàn.
Các ca mắc bệnh đau mắt đỏ xảy ra tại nhiều địa phương gồm: TP Bến Tre và các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Chợ Lách, Thạnh Phú.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre La Thị Thúy cho biết, đã yêu cầu các đơn vị trong ngành Giáo dục tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ, trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm.
Bên cạnh đó, hướng dẫn học sinh, giáo viên tuân thủ khuyến cáo “Khẩu trang - Khử khuẩn” nhằm phòng tránh lây nhiễm tại lớp học có ca bệnh. Đồng thời, khuyến cáo không sử dụng chung các vật dụng cá nhân, không tiếp xúc hoặc hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ.
"Riêng các trường hợp có triệu chứng của đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp thì phải đeo khẩu trang, không tiếp xúc với các học sinh trong lớp. Đồng thời, kiểm tra tình trạng sức khỏe học sinh trước mỗi buổi học để phát hiện sớm ca bệnh. Khi lớp học phát hiện ca bệnh nghi ngờ, cần di chuyển các em sang khu vực riêng nhằm tránh lây nhiễm chéo, đồng thời thông báo cho Trạm Y tế để phối hợp xử lý dịch" - bà Thúy cho hay.
Liên quan đến vấn đề trên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Oanh cho biết, Sở Y tế đã yêu cầu các Trung tâm Y tế trên địa bàn dự trù đầy đủ thuốc, vật tư, sinh phẩm, hóa chất phục vụ cho chống dịch, đặc biệt là Cloramin B nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động phòng, chống dịch đau mắt đỏ. Ngoài ra, theo dõi sát tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn và xử lý một cách triệt để các ổ dịch, đặc biệt chú trọng tại các cơ sở giáo dục và các công ty, xí nghiệp để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Trong thời gian ổ dịch đang hoạt động, trung tâm hỗ trợ về chuyên môn và phối hợp với Trạm Y tế giám sát chặt các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để tiến hành xác minh, xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra về công tác xử lý ổ dịch đau mắt đỏ tại các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn.
“Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với các trường hợp bệnh nhẹ, điều trị ngoại trú. Phân luồng cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm hoặc chẩn đoán xác định nhiễm virus Adeno. Khu điều trị người nhiễm virus Adeno cần được bố trí riêng với các nhóm bệnh khác và đảm bảo thông khí tự nhiên. Không di chuyển người bệnh nhiễm virus Adeno sang các phòng khác và ngược lại.
Bên cạnh đó, giữ khoảng cách giữa các giường bệnh ít nhất 1 m và hướng dẫn người bệnh, người thân tuân thủ nguyên tắc dự phòng lây truyền qua đường “giọt bắn”, “tiếp xúc”. Đồng thời, phải tuân thủ việc quản lý, cách ly người bệnh nhiễm virus Adeno tại khu điều trị và chỉ được ra khỏi phòng cách ly khi hết hẳn triệu chứng lâm sàng ít nhất 2 ngày…” - ông Oanh nói.Ông Oanh cũng cho biết thêm, ngày 19.9 tới đây, Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn việc giám sát bệnh tay chân miệng và bệnh đau mắt đỏ cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Mục đích, tập huấn để hướng dẫn giám sát phòng chống bệnh tay chân miệng và đau mắt đỏ. Đồng thời, hướng dẫn xử lý dịch bệnh khi xảy ra tại các cơ sở giáo dục.