Đi tìm lời giải sự sống của đàn chó hoang ở vùng đất 'chết' Chernobyl

09/04/2023 15:55

Hơn 35 năm kể từ khi thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất xảy ra tại Chernobyl, những chú chó hoang sống quanh các nhà máy nơi đây vẫn có thể tồn tại khỏe mạnh.

Theo Fox News, các nhà khoa học đang quan sát 302 chú chó hoang sống gần khu thảm họa hạt nhân Chernobyl. Họ hi vọng rằng việc nghiên cứu gene của những chú chó này có thể giúp con người biết thêm “bí quyết” để sống trong môi trường khắc nghiệt nhất. Theo các nhà khoa học, mỗi cá thể chó ở nơi này lại có mức độ phơi nhiễm phóng xạ khác với những chú chó xung quanh và cả những chú chó khác trên thế giới.

“Đây chính là cơ hội vàng” để đặt nền tảng cho câu hỏi đầy thách thức: “Tại sao một sinh vật có thể tồn tại ở môi trường khắc nghiệt như vậy qua 15 thế hệ?”, Elaine Ostrander, nhà Di truyền học của Viện nghiên cứu bộ gene người quốc gia thuộc Viện y tế quốc gia Mỹ đặt câu hỏi. Ostrander là một trong những tác giả của bài nghiên cứu.

Cộng sự của Elaine Ostrander, Tim Mousseau, Giáo sư Khoa học Sinh học tại Đại học South Carolina nói rằng những chú chó này “cung cấp một công cụ tuyệt vời trong việc nhìn nhận sự ảnh hưởng của môi trường” lên động vật có vú nói chung.

Các nhà nghiên cứu nói rằng hầu hết những chú chó họ đang nghiên cứu là hậu duệ cũng những chú chó nuôi bị chủ nhân bỏ lại để sơ tán khỏi khu vực nhiễm phóng xạ Chernobyl, Ukraine. Ảnh: AP

Mousseau đã và đang làm việc ở khu vực Chernobyl từ cuối thập niên 90. Năm 2007, ông bắt đầu thu thập mẫu máu của những chú chó sống trong nhà máy hạt nhân cũng như sống trong bán kính từ khoảng 14 đến 45km gần đó.

Phát hiện quan trọng

Ostrander cho biết ban đầu họ nghĩ những chú chó sống cùng nhau nên chúng có vẻ sẽ giống nhau. Nhưng thông qua DNA, những chú chó này có mức độ phơi nhiễm phóng xạ khác nhau từ cao, trung bình tới thấp.

“Và điều đáng ngạc nhiên là chúng tôi thậm chí có thể nghiên cứu trên các cá thể của cùng 1 gia đình”, Ostrander nói. Họ đã nghiên cứu được trên 15 gia đình chó khác nhau, so sánh các mẫu DNA để chỉ ra đâu là sự khác biệt, đâu đã bị thay đổi, đâu đã được tiến hóa...

Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này cho ra có nhiều ứng dụng, cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách con người và động vật có thể tồn tại ở những khu vực mà “môi trường liên tục bị hủy hoại” và trong môi trường phóng xạ cao.

Vụ nổ xảy ra ngày 26/4/1986 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraine đã khiến môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. 30 công nhân đã thiệt mạng ngay sau đó và số người chết dần vì nhiễm phóng xạ lên tới hàng nghìn người.

Hoài Thanh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm lời giải sự sống của đàn chó hoang ở vùng đất 'chết' Chernobyl
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO