Di tích khảo cổ học thành nơi chăn bò: Địa phương lực bất tòng tâm?

Dương Nguyên| 25/02/2024 12:27

"Di tích khảo cổ học nếu lập quy hoạch bảo vệ cần kinh phí rất lớn. Nguồn trên chưa có, trong khi huyện không đủ khả năng nên đành lực bất tòng tâm", lãnh đạo huyện Nghi Xuân lý giải.

(ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) công nhận Di tích cấp Quốc gia vào năm 2014.

Song suốt 10 năm qua, di tích này không được khoanh vùng bảo vệ theo quy định. Điều đó khiến nơi đây hàng giờ đối mặt với sự xâm hại đến từ nạn săn tìm cổ vật và khai thác cát trái phép.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cho biết địa phương luôn ý thức, sốt sắng về việc bảo vệ, phát huy giá trị lớn của Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi.

Di tích khảo cổ học thành nơi chăn bò: Địa phương lực bất tòng tâm? - 1

Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi rộng khoảng 3ha (Ảnh: Dương Nguyên).

Tuy nhiên, đây là một di tích có diện tích rất lớn (cồn cát rộng hơn 3ha) nên việc lập quy hoạch và thực hiện công trình bảo vệ sẽ cần có một nguồn kinh phí lớn, nằm ngoài khả năng của huyện.

Thời gian qua, huyện Nghi Xuân có nhiều văn bản gửi Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này. Đồng thời tham mưu cho tỉnh có văn bản gửi Bộ VH-TT&DL nhằm nhờ hỗ trợ kinh phí, phương án cho địa phương.

"Song kinh phí của Bộ VH-TT&DL về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cũng cắt giảm rất nhiều. Nguồn trên chưa có nên huyện dù muốn làm cũng đành lực bất tòng tâm", ông Hùng lý giải.

Di tích khảo cổ học thành nơi chăn bò: Địa phương lực bất tòng tâm? - 2

Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi thành nơi chăn thả trâu bò (Ảnh: Dương Nguyên).

Theo Phó Chủ tịch Nghi Xuân, thời gian tới huyện cố gắng chi ra một nguồn kinh phí để dựng hàng rào thép gai bảo vệ khuôn viên khu di tích trong khi chờ phương án tiếp theo.

Theo ông Hùng, nếu làm được, sau khi lập quy hoạch khoanh vùng bảo vệ sẽ xây công trình và đưa hiện vật về di tích trưng bày. Điều đó sẽ phục vụ rất tốt trong việc giáo dục, phát triển du lịch và nghiên cứu khoa học tiếp theo.

Vì thế, địa phương này mong được Bộ VH-TT&DL cũng như cơ quan, ban, ngành liên quan khác sớm xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Ông Trần Phi Công, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho hay theo Luật Di sản văn hóa, di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia phải khoanh vùng thành 2 khu vực để bảo vệ.

Khu vực 1 chứa đựng các yếu tố gốc của di tích nên phải khoanh vùng bảo vệ theo phương án bất khả xâm phạm.

Khu vực 2 bao quanh khu vực 1, có thể điều chỉnh, tu bổ hoặc xây dựng các công trình mới hỗ trợ nhưng cần hài hòa với di tích gốc.

"Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp bảo vệ kịp thời như xây dựng hàng rào. Nếu không, di tích sẽ đối mặt với sự xâm phạm của động vật hoặc con người, điều đó sẽ làm sai lệch di tích", ông Công nói.

Di tích khảo cổ học thành nơi chăn bò: Địa phương lực bất tòng tâm? - 3

Bãi Cọi là một điểm hẹn, nơi gặp gỡ của các nền văn hóa lớn thời Sơ sử ở Việt Nam (Ảnh: Bảo tàng Hà Tĩnh).

Như Dân trí đã đưa tin, Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là một cồn cát lớn ở xã Xuân Viên (huyện Nghi Xuân), nằm giữa hai sườn núi của dãy Hồng Lĩnh.

Từ năm 2008 đến 2013, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cùng các đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước tổ chức 3 đợt thám sát, khai quật. Cơ quan chuyên môn phát hiện kho hiện vật bằng gốm, đồng, sắt, cụm mộ táng, mộ chum, đồ tùy táng... có niên đại khoảng 2.000 năm.

Kết quả khai quật cho thấy nơi này không chỉ có yếu tố của văn hóa Sa Huỳnh mà các yếu tố của văn hóa Đông Sơn cũng có mặt rất đậm. Một số yếu tố văn hóa đồ sắt của Trung Quốc cũng được ghi nhận. Điều đó cho thấy với vị thế đặc biệt của mình, Bãi Cọi là một điểm hẹn, nơi gặp gỡ của các nền văn hóa lớn thời Sơ sử ở Việt Nam.

Năm 2014, Bộ VH-TT&DL đã công nhận Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp Quốc gia.

Sau 10 năm được công nhận Di tích cấp Quốc gia, Phôi Phối - Bãi Cọi vẫn chỉ là một cồn đất cát bị bỏ hoang. Khu di tích không được xây dựng hàng rào ngăn cách và không có người trông coi. Người dân địa phương tận dụng khu vực này để lùa gia súc, gia cầm vào chăn thả.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Di tích khảo cổ học thành nơi chăn bò: Địa phương lực bất tòng tâm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO