3 công trình nằm trong danh sách 11 dự án được Sở Giao thông Vận tải TPHCM gửi UBND TP xem xét trình HĐND TP, để xin quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 7 tới.
Dự án lớn nhất là kè bờ phải sông Cần Giuộc (đoạn từ cầu Ông Thìn về thượng lưu) thuộc địa phận huyện Bình Chánh, với tổng vốn 274 tỷ đồng. Phạm vi có nguy cơ sạt lở dài khoảng 160m, rộng 7m.
Cùng địa bàn huyện còn có dự án nạo vét luồng sông và xây dựng kè bảo vệ bờ sông Chợ Đệm - Bến Lức, tổng vốn hơn 233 tỷ đồng. Đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở dài khoảng 200m, rộng 4m.
Còn lại dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Sài Gòn (phường 25, quận Bình Thạnh, thuộc khu vực kho vũ khí cũ của Quân khu 7 quản lý), được đầu tư gần 106 tỷ đồng. Đoạn có khả năng sạt lở dài khoảng 100m, rộng 7m.
Các dự án trên nằm trong danh mục 32 vị trí nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch của TPHCM. Theo thống kê, TP Thủ Đức có 8 điểm, quận Bình Thạnh có 4 điểm, các huyện Nhà Bè có 7, Bình Chánh có 4, Cần Giờ có 7, Hóc Môn và Củ Chi mỗi địa phương có một vị trí.
Trong đó, 8 điểm đặc biệt nguy hiểm gồm 3 điểm huyện Nhà Bè, 2 điểm huyện Bình Chánh, 2 điểm TP Thủ Đức và một điểm ở huyện Cần Giờ.
Các vị trí sạt lở hầu hết nằm ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Phước Kiểng, sông Cần Giuộc, sông Chợ Đệm - Bến Lức... gây ảnh hưởng hơn 1.300 hộ dân.
UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép, không phép trên tuyến sông Sài Gòn (khu vực huyện Củ Chi), sông Đồng Nai (khu vực TP Thủ Đức), sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và vùng ven biển huyện Cần Giờ.