Nhiều tháng gần đây, tình hình bệnh truyền nhiễm tại TP Cần Thơ tăng đột biến, điển hình như việc quá tải bệnh nhi điều trị, bệnh viện thiếu thuốc hay thành phố ghi nhận trường hợp đậu mùa khỉ.
Trao đổi với Lao Động, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Phú Trường Giang - Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - thông tin: trên thực tế, diễn biến dịch bệnh trong cộng đồng luôn biến động và không ổn định. Cụ thể hằng năm, Cần Thơ luôn tiếp nhận những bệnh truyền truyền thống như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản, đậu mùa, những loại bệnh nhiễm trùng về đường tiêu hóa,…với tổng số khoảng hơn 40 bệnh luôn theo dõi theo quy định của Bộ Y tế.
Do đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch chủ động và có điểm nhấn từng năm. Ví dụ năm nay, CDC TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch chung cho bệnh truyền nhiễm thường xuyên, chú ý bệnh mới nổi, chẳng hạn như COVID-19, đậu mùa khỉ mới hoặc sắp tới đây có những bệnh khác.
"Bệnh dịch thường đi theo mùa, ví dụ như mùa đông là bệnh đường hô hấp, mùa mưa là điều kiện sốt xuất huyết; thời tiết cực đoan cũng làm bệnh có dấu hiệu chuyển động. Với từng trường hợp, thành phố chủ động xây dựng, ứng phó, tăng cường truyền thông và sẽ có kịch bản để ứng phó chi tiết.
Công tác phòng, chống dịch chủ yếu nằm ở truyền thông, do đó, khi mọi người hiểu biết được bệnh dịch thì sẽ biết cách phòng ngừa và an tâm. Khuyến cáo đối với người dân là không hoang mang, không lo lắng, không sợ sệt mà phải học cách phòng ngừa", ông Giang cho hay.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, sở dĩ hiện nay người dân lo lắng đối với bệnh đậu mùa khỉ là do chưa tiếp cận nhiều thông tin, bệnh ít, mặt khác, bệnh này chịu sự kì thị rất lớn, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Đậu mùa khỉ là bệnh cảnh trung bình, chỉ nặng lên khi bị bội nhiễm, do đó, người bệnh này cần có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, đặc biệt chú trọng vệ sinh để tránh lây lan cho người khác.
Riêng về công tác truy vết nhiễm HIV/AIDS, ngành y tế Cần Thơ luôn chủ động, có biện pháp kịp thời đồng thời tiếp tục nghiên cứu tăng nguồn thu cho người các đối tượng cộng tác viên thực hiện truy vết.
Đối với bệnh tay chân miệng tăng cao, ghi nhận nhiều bệnh nặng là do biến đổi tăng cấp độ nhanh. Tay chân miệng lây qua môi trường nhiễm trùng, đa phần ở người lớn đi nhiều nơi và mang về cho trẻ nhỏ. Do đó, đối với khâu khử khuẩn, người dân phải chú ý.
"Vì đây là bệnh theo mùa, bệnh viện không thể cơ cấu số lượng lớn, do đó trường hợp các bệnh tăng cao, bệnh viện phải linh động, chuyển từ các khoa phòng khác để mở rộng điều trị, đến khi bệnh dịch lui thì bệnh viện trả về hiện trạng ban đầu duy trì. Ngoài ra, nếu cơ chế điều tiết thuốc từ các bệnh viện linh hoạt, tức bệnh viện thừa thuốc chuyển sang cho bệnh viện thiếu thuốc thì sẽ phần nào giảm áp lực”, ông Giang đề xuất.