Đề xuất cho trường đại học mở hệ THPT để thêm chỗ học cho học sinh Hà Nội

Hoàng Hồng| 07/07/2023 12:02

Hà Nội có ít nhất 12 trường đại học nội đô. Nếu những trường này mở hệ THPT, thành phố sẽ giải quyết được ít nhất 10.000 chỗ học cho học sinh...

Câu chuyện xếp hàng xuyên đêm giữ chỗ giành suất cho con vào lớp 10 của phụ huynh Hà Nội vẫn chưa kết thúc trong bối cảnh đại đa số các trường THPT tư thục khu vực nội đô đã đóng cửa tuyển sinh và nhiều gia đình vẫn chưa tìm được chỗ học cho con.

Như dự báo của ông Trần Mạnh Tùng, nguyên giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong các năm tới.

Phụ huynh học sinh không thể chờ thành phố xây thêm trường mới cho con đi học. Điều họ cần là một giải pháp "nóng", có tính khả thi cao, ít nhất áp dụng được trong 9 tháng tới, trước mùa tuyển sinh năm học 2024-2025.

Đề xuất cho trường đại học mở hệ THPT để thêm chỗ học cho học sinh Hà Nội - 1

Hình ảnh phụ huynh vạ vật trên vỉa hè suốt đêm 5/7 để nộp hồ sơ cho con vào Trường THPT Tạ Quang Bửu (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Ông Lê Dũng, một kỹ sư xây dựng tại Hà Nội, đưa ra để xuất về phiên chế cấp 3 trong các trường đại học nội đô.

"Sau khi có phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 24/3/2008, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã công bố thành lập công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội.

Đây là mô hình doanh nghiệp lần đầu tiên được phép thành lập tại một trường Đại học ở Việt Nam. Và đó là tiền đề cho sự ra đời của Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu mà phụ huynh thức đêm xếp hàng vừa rồi.

Tôi nghĩ, trước mắt để giải quyết ngay lập tức nhu cầu nội đô trong sang năm, thành phố Hà Nội hãy làm việc với Bộ GD&ĐT để tiến tới cấp phép cho các trường đại học đóng trong nội đô được mở hệ THPT  do họ quản lý, như đã mở cấp 3 chuyên ngữ, chuyên sư phạm, chuyên khoa học tự nhiên, hay như THPT Tạ Quang Bửu, hoặc loại hình khác do trường đại học chủ động đề xuất.

Đặc biệt về chính sách, không nên hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh một cách cứng nhắc và phi lí, nếu như mọi điều kiện đều đạt chuẩn. Ví dụ, THPT Tạ Quang Bửu được phụ huynh đánh giá cao, tại sao lại "buộc chân" trường bằng chỉ tiêu đóng, mà không mở linh hoạt cho họ?

Nếu hình thành chính sách tốt, bao gồm hỗ trợ bước đầu về ngân sách, điều chuyển cơ hữu giáo viên trên địa bàn, thông tin rộng rãi, thì ngay sang năm sẽ có: cấp 3 Bách khoa 2, cấp 3 Xây dựng, cấp 3 Kinh tế quốc dân, cấp 3 Thủy lợi, Thương mại, Giao thông, Ngoại thương, Ngoại giao, Học viện thanh thiếu niên, Học viện ngân hàng, Công đoàn, Y khoa...

Có ít nhất 12 trường đại học trong nội đô, thì có thể nhanh chóng có thêm 12 trường cấp 3. Nâng sức chịu tải nội đô lên khoảng 12.000 chỗ học, nếu mỗi trường đảm nhận 1.000 học sinh", ông Lê Dũng viết.

Đề xuất cho trường đại học mở hệ THPT để thêm chỗ học cho học sinh Hà Nội - 2

Bộ phận tuyển sinh của Trường THPT Tạ Quang Bửu tư vấn cho phụ huynh đến nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con (Ảnh: Thành Đông).

Đánh giá cao đề xuất này, một Hiệu trưởng cho rằng các trường đại học có lợi thế rất lớn về quỹ đất, cơ sở vật chất sẵn có, đội ngũ nhân lực, hệ thống quản lý... Do đó, chỉ cần được thông qua về chính sách, các trường đại học có thể mở trường cấp 3 do họ quản lý trong thời gian ngắn, kịp tuyển sinh cho năm học 2024-2025.

Vị hiệu trưởng cũng cho biết, một trong những nguyên nhân thiếu trường học mà Hà Nội thường nhắc đến là thiếu quỹ đất xây trường ở nội đô. Tuy nhiên, điều này có nhiều hướng giải quyết cấp tốc.

"Trên diễn đàn mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới, nhiều giáo viên rất nỗ lực tìm kiếm các giải pháp tức thời nhưng hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của học sinh. Như đi thuê lại cơ sở vật chất còn dư công năng sử dụng trong các công sở nhà nước.

Tôi khẳng định có nhiều công sở trong nội đô có thể chuyển đổi công năng thành lớp học.

Điều quan trọng là cần các chính sách đồng bộ để cho phép các trường được sử dụng cơ sở vật chất đi thuê, đồng thời tăng chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng với khả năng phục vụ của nhà trường", vị hiệu trưởng nêu quan điểm.

Bên cạnh việc bổ sung trường, lớp, ông Lê Dũng cũng cho rằng thành phố cần thay đổi cách thức tuyển sinh: "Để công bằng cho các con, thành phố cần làm như các cụ thi tú tài, hoặc thi đại học năm xưa, bình đẳng trên toàn thành phố, thực hiện qua một kì thi chung.

Chỉ tiêu phê duyệt là trường công lấy 72.000 học sinh, vậy hãy lấy theo điểm số từ cao xuống thấp, đủ 72.000 thì dừng.

Sau đó các trường sẽ xây dựng điểm sàn vào trường theo chỉ tiêu giao, và các con cứ thế vào học. Như thế sẽ không còn tình trạng phi lí như đang có, đó là 44 điểm (trung bình gần 9 điểm/môn) vẫn trượt cấp 3, mà 17, 18 điểm lại nghiễm nhiên vào".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cho trường đại học mở hệ THPT để thêm chỗ học cho học sinh Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO