Đề Văn thi tốt nghiệp độ phân hoá cao, khó đạt điểm 9 - 10

28/06/2023 11:46

Nhiều giáo viên đánh giá đề Văn thi tốt nghiệp THPT 2023 khá hay, mức độ phân hoá tốt hơn năm trước, do vậy dự đoán sẽ ít điểm 9 - 10.

Đề Văn thi tốt nghiệp THPT 2023: Xem tại đây
Gợi ý đáp án đề Văn thi tốt nghiệp THPT 2023: Xem tại đây

Cô Phạm Thị Thanh Nga, giáo viên dạy Văn trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đánh giá cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 môn Văn có phần quen thuộc, đảm bảo tính phân hóa tốt và có đất cho học sinh khá giỏi thể hiện.

Về phần Đọc hiểu, cô Nga đánh giá ngữ liệu giàu hình ảnh, gợi cảm xúc, gần gũi với thí sinh. Các câu hỏi được sắp xếp theo các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Riêng câu 4, thí sinh cần suy ngẫm, tổng hợp.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2023. (Ảnh minh hoạ)

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2023. (Ảnh minh hoạ)

Ở câu nghị văn học, cô Nga đánh giá dạng bài quen thuộc, không làm khó thí sinh với 2 lệnh đề. Ở lệnh đề thứ nhất, thí sinh nắm chắc kiến thức, có kỹ năng phân tích đoạn trích, hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích đặt trong chỉnh thể tác phẩm.

Ở lệnh đề thứ 2, đây là lệnh đề mang tính phân hóa, học sinh khá, giỏi sẽ có đất để thể hiện, có cơ hội để bật điểm lên từ lệnh đề này. “Nhìn chung, đề thi năm nay vừa sức, không đánh đố hay làm khó thí sinh”, cô Thanh Nga đánh giá.

Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên ở Hà Nội cũng đánh giá đề Văn năm nay có cấu trúc giống đề minh hoạ, học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt được điểm 5- 6 đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp. Học sinh khá có thể đạt được trên dưới điểm 7. Còn các em học sinh giỏi có thể đạt được điểm 8 trở lên.

Đặc biệt, ở phần câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội, đưa ra vấn đề “sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống” liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần 1 trước đó.

Theo cô, để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, trước hết học sinh cần nêu vấn đề một cách ngắn gọn, rồi đi vào giải thích khái niệm “cân bằng cảm xúc”, phân tích các biểu hiện và ý nghĩa của việc biết cân bằng cảm xúc, nêu dẫn chứng minh họa, bàn luận mở rộng phản biện, và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực.

Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu. Đây là tư tưởng đạo lý gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em.

TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên hệ thống giáo dục HOCMAI đề chia theo bốn mức độ nhận thức: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng – Vận dụng cao.

Nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, trước hết bởi hệ thống câu hỏi vẫn theo hướng giảm tải như nhiều năm nay khi đưa ra tới 2 câu hỏi ở mức độ nhận biết.

Câu hỏi vận dụng về cơ bản lặp lại yêu cầu như câu hỏi số 3 trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022; câu hỏi vận dụng cao một mặt có thể giúp những thí sinh có sự trải nghiệm và suy tư sâu sắc thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống, nhưng mặt khác cũng có thể tạo điều kiện cho một số thí sinh đưa ra những suy nghĩ hời hợt, khuôn mẫu và sáo rỗng.

Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại chủ yếu được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.

Hà Cường

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề Văn thi tốt nghiệp độ phân hoá cao, khó đạt điểm 9 - 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO