Như chúng ta đã biết, mũ bảo hiểm là vật dụng cực kỳ quan trọng đối với các tài xế, đặc biệt là những người chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tuy nhiên, khi sử dụng mũ bảo hiểm lâu ngày, đặc biệt là vào mùa hè, sẽ có mùi hôi cực kỳ khó chịu.
Làm thế nào để khử mùi hôi hiệu quả để đảm bảo sức khỏe, phòng tránh các bệnh liên quan đến da đầu, giúp người đội luôn duy trì được sự thoải mái và tập trung tối đa khi điều khiển xe? Trong bài viết dưới đây sẽ bật mí cho bạn một số mẹo nhỏ giữ cho chiếc mũ của bạn luôn thơm tho và sạch sẽ.
Không sấy khô mũ bảo hiểm khi bị ướt là nguyên nhân phổ biến khiến mũ bảo hiểm bị hôi.
Nguyên nhân
Không thường xuyên vệ sinh mũ bảo hiểm
Chúng ta không có thói quen vệ sinh mũ bảo hiểm định kỳ mà mặc định sử dụng từ ngày này sang ngày khác, năm này sang tháng nọ. Bụi bẩn, khói, vi khuẩn từ môi trường xung quanh sẽ tích tụ dần theo năm tháng. Đây là nguyên nhân chính khiến chiếc mũ của bạn bốc mùi khó chịu.
Sử dụng mũ trong thời gian dài vào mùa hè
Vào mùa hè, da đầu thường sẽ tiết ra nhiều mồ hôi, bã nhờn nên khi sử dụng mũ bảo hiểm quá lâu, lớp lót của mũ sẽ hút vào tạo ra một môi trường ẩm thấp – điều kiện lý tưởng để các vi khuẩn, nấm… gây mùi sinh sôi.
Sử dụng bột tẩy rửa hoặc dung dịch rửa sạch để lau bên trong mũ, sau đó lau khô bằng khăn sạch.
Không sấy khô mũ khi bị ướt
Mũ khi ướt mưa thường sẽ được mọi người treo lên, để hơi khô tự nhiên rồi lấy ra sử dụng tiếp. Nước mưa cô đọng rất nhiều vi khuẩn và bụi bẩn bên trong, nếu không được sấy khô thì sẽ có mùi hôi khó chịu.
Ngoài ra, một số nguyên nhân đơn giản như tóc ẩm, tóc vuốt gel tạo kiểu, mũ dính bẩn… cũng sẽ khiến nấm mốc, vi khuẩn phát triển.
Cách khử mùi hôi cho mũ bảo hiểm
Vệ sinh mũ bảo hiểm
Vệ sinh mũ bảo hiểm là phương pháp hiệu quả nhất để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và bụi bẩn gây ra mùi hôi khó chịu ảnh hưởng đến da dầu, sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, bạn nên vệ sinh mũ bằng tay, không bỏ vào máy giặt để tránh làm hư hỏng mũ và máy giặt.
Vệ sinh mũ bảo hiểm thường xuyên để mũ luôn sạch sẽ và thơm tho.
Trước hết, bạn tháo lần lượt các bộ phận của mũ theo thứ tự vỏ mũ, phần xốp bảo vệ, lớp vải lót và kính chắn. Sau đó, sử dụng bàn chải đánh răng hoặc khăn mềm để làm sạch các vết bẩn cứng đầu trên phần vỏ mũ. Bạn có thể dùng nước tẩy nhẹ để làm sạch và không nên sử dụng chất tẩy quá mạnh vì sẽ khiến vỏ mũ bị ăn mòn.
Tiếp đến, bạn sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng hoặc nước giặt để vệ sinh phần kính chắn mũ. Sử dụng dầu gội đầu để vệ sinh phần lõi xốp và lớp lót. Điều này không chỉ giúp làm sạch mũ mà còn hạn chế tình trạng mẩn ngứa cho da đầu. Sau đó, bạn sấy khô hoặc phơi nắng để mũ khô hoàn toàn là có thể sử dụng.
Dùng xịt khử mùi cho mũ bảo hiểm
Dùng bình xịt khử mùi có tác dụng diệt khuẩn tạm thời và tạo mùi hương dễ chịu cho mũ. Các loại bình xịt khử mùi chuyên dụng hiện nay có thành phần nhẹ dịu cho da, thân thiện với môi trường nên bạn không cần lo về việc da đầu có dễ kích ứng hay không.
Dùng bình xịt khử mùi có tác dụng diệt khuẩn tạm thời và tạo mùi hương dễ chịu cho mũ.
Cách sử dụng vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần xịt trực tiếp vào phần lớp lót của mũ là đã có hiệu quả ngay lập tức. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp làm sạch tạm thời vì không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây mùi cho mũ.
Sử dụng thêm miếng lót mũ bảo hiểm
Miếng lót là tấm đệm mỏng có tác dụng ngăn cách da đầu với mũ bảo hiểm, giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian trong việc vệ sinh mũ.
Tuy nhiên, vì có thêm một miếng lót khá dày ở giữa sẽ khiến bạn cảm thấy sẽ hơi bí, đặc biệt là khi đi dưới trời nắng gắt. Bên cạnh đó, miếng lót cũng có thể làm sai lệch size của mũ bảo hiểm và làm mũ trở nên chật hơn so với số đo vòng đầu của người đội.
Phơi nón dưới nắng để diệt khuẩn giúp khử mùi mũ bảo hiểm
Tia UV trong ánh nắng mặt trời có khả năng làm giảm sự sinh sôi, phát triển của vi khuẩn và các mùi hôi khó chịu trên mũ. Tuy nhiên, những vi khuẩn này có thể sản sinh ra sau khi mũ được phơi. Do đó, nếu chỉ phơi mũ thì bạn không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn có hại.
Phơi khô mũ bảo hiểm dưới ánh nắng sau khi vệ sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ mùi hôi khó chịu.
Vì thế, bạn nên phơi mũ trực tiếp dưới ánh nắng sau khi thực hiện các bước vệ sinh để đảm bảo mũ sạch sẽ và không còn mùi hôi khó chịu.
Bảo quản mũ bảo hiểm đúng cách
Để tăng độ bền của mũ, bạn cần tuân thủ các hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất sau khi vệ sinh. Bạn không nên đặt mũ tiếp xúc với nhiệt độ cao ở mùa hè vì đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển, tạo ra mùi hôi cũng như khiến mũ trở nên giòn và dễ vỡ hơn.
Khi thực hiện vệ sinh, không nên ngâm mũ trong nước quá lâu vì có thể làm cho lớp keo và lớp nhựa mũ bị bong tróc và mất khả năng bảo vệ đầu người đội. Ngoài ra, mũ sẽ mất độ chịu lực và độ bền khi bạn làm rơi nó hoặc để va chạm mạnh với các vật khác.
Theo GĐXH