Bầu trợ lực phanh là gì?
Hệ thống trợ lực phanh ô tô hoạt động theo nguyên lý tận dụng sự chênh lệch giữa chân không động cơ và áp suất khí quyển, vì vậy bầu trợ lực phanh ô tô còn được gọi là bầu trợ lực chân không hay bầu hơi trợ lực. Đây là bộ phận đóng vai trò khuếch đại lực đạp của chân phanh. Nhờ có bầu trợ lực phanh, người lái sẽ không cần tốn nhiều sức khi nhấn bàn đạp phanh.
Bầu trợ lực phanh được lắp đặt ở vị trí giữa bàn đạp phanh và xi lanh tổng với nhiệm vụ giảm bớt đi phản lực của bàn đạp phanh, và từ đó khuếch đại lực ép từ bàn đạp phanh, giúp thao tác đạp phanh của người lái trở nên nhẹ hơn.
Dấu hiệu nhận biết bầu trợ lực phanh có vấn đề. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Các dấu hiệu nhận biết bầu trợ lực phanh đang gặp vấn đề
Bàn đạp phanh trở nên cứng và nặng hơn
Khi bầu trợ lực phanh gặp vấn đề thường sẽ ảnh hưởng đến áp suất, khiến áp suất không đạt chuẩn, lúc này bầu trợ lực sẽ không tạo được sự chênh lệch áp suất giữa buồng áp suất ổn định và buồng áp suất thay đổi lúc kích hoạt phanh.
Khi đạp chân phanh, van điều khiển sẽ tiến về bên trái, đẩy không khí và đĩa phản lực, lúc này piston xylanh chính tác động trực tiếp lên phanh, vì vậy hệ thống phanh vẫn hoạt động bình thường, nhưng do người lái đạp phanh sẽ thấy phanh xe nặng hơn bình thường.
Bàn đạp phanh cao hơn bình thường
Bầu trợ lực khi bị hỏng ngoài việc khiến bàn đạp phanh nặng hơn thì nó còn khiến bàn đạp phanh cao hơn bình thường, khiến người lái phải nâng chân cao hơn để sử dụng. Đặc biệt trong một số trường hợp gặp sự cố bất ngờ cần phải phanh gấp thì sẽ rất nguy hiểm nếu không được phanh kịp thời.
Quãng đường phanh dài hơn
Bầu trời lực phanh bị hỏng khiến lực tác động lên phanh giảm, không đủ lực để dừng xe nhanh chóng, sẽ làm quãng đường dừng phanh của xe dài và lâu hơn.
Tốc độ động cơ không đều
Nguyên nhân chính thường do màng cao su của bầu trợ lực bị hở khiến động cơ chết máy, nên khi đạp phanh sẽ bị khựng lại. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến động cơ bị hư hại và gây nguy hiểm trong quá trình xe vận hành.
Theo VTCnews