Do đó, việc nhận diện dấu hiệu cảm biến áp suất lốp bị lỗi và cách khắc phục là điều mà mỗi tài xế cần nắm được.
Hệ thống cảm biến áp suất lốp (TPMS) ngày nay đã trở thành trang bị phổ biến của hầu hết các dòng xe. Hệ thống này có các cảm biến theo dõi áp suất bên trong của lốp xe và cung cấp thông tin về áp suất lốp theo thời gian thực đến hệ thống cảnh báo, giúp tài xế nắm rõ.
Tuy nhiên có nhiều lý do khiến hệ thống TPMS đưa ra kết quả không chính xác về áp suất lốp.
Theo các chuyên gia, cảm biến áp suất lốp là một thiết bị điện tử nên nó có thể bị hư hỏng vì nhiều lý do. Cụ thể như tuổi thọ của cảm biến, nhiệt độ, bụi bẩn, sự va chạm ngoài mong muốn và nguồn điện không đều…Vì thế, trong quá trình sử dụng, xe có thể gặp một số triệu chứng lỗi cảm biến áp suất lốp.
Dấu hiệu cảm biến áp suất lốp bị lỗi
Một trong những dấu hiệu của cảm biến áp suất lốp bị lỗi là thiết bị đọc chỉ số áp suất không chính xác. Theo đó, cảm biến áp suất lốp có thể cung cấp chỉ số cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với áp suất lốp thực tế. Tài xế có thể quan sát chỉ số thông qua màn hình hiển thị của hệ thống cảm biến áp suất lốp trên bảng đồng hồ hoặc bằng màn hình đo áp suất lốp riêng biệt nếu là phụ kiện lắp thêm.
Cảm biến áp suất bị trục trặc có thể kích hoạt đèn cảnh báo áp suất lốp trên bảng điều khiển. Đèn cảnh báo có thể xuất hiện dưới dạng biểu tượng giống như lốp xe có dấu chấm than hoặc chữ cái "TPMS". Đèn này thường biểu thị lỗi trong hệ thống giám sát áp suất lốp.
Bảng đồng hồ hiển thị của ô tô liên tục hiển thị cảnh báo áp suất lốp thấp nhưng lốp vẫn ở trạng thái bình thường. Ngoài ra, khi áp suất lốp và nhiệt độ lốp thay đổi thì các thông số hiển thị trên màn hình vẫn không thay đổi.
Cách khắc phục
Các nhà sản xuất ô tô đều dán một nhãn ghi thông số lốp tiêu chuẩn phù hợp cho từng mẫu xe. Thông thường, bảng hướng dẫn được đặt ở bên hông cửa trước hoặc nắp bình xăng. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tìm thấy thông tin về áp suất lốp trong sách hướng dẫn.
- Người dùng có thể sử dụng thiết bị đo áp suất lốp cầm tay để kiểm tra lốp xe xem có đúng với mức áp suất theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trường hợp lốp quá căng, tài xế cần xả bớt hơi ở mức chính xác, bơm thêm hơi nếu lốp xe bị non.
Tiếp theo, tài xế cần thiết lập lại hệ thống áp suất lốp trên ô tô. Một số xe đã cài đặt sẵn nút Reset nhưng một số xe cần vào hệ thống điều khiển để cài đặt, vì vậy trước khi sử dụng, tài xế nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết cách xử lý.
Chú ý, sau khi đã thiết lập lại hệ thống áp suất lốp, cần lái xe ít nhất 15 phút để đèn cảnh báo tắt hoặc các thông số áp suất lốp hiển thị trở lại bình thường.
- Tài xế cũng cần kiểm tra trực quan các cảm biến áp suất lốp để phát hiện những lỗi hoặc hư hỏng do bị tác động vật lý, bị ăn mòn hoặc lỏng kết nối.
- Thay pin cảm biến: Theo thiết kế của nhà sản xuất, tuổi thọ trung bình của pin cảm biến sẽ kéo dài từ 2 đến 6 năm. Sau khoảng thời gian này, nếu van cảm biến không truyền dữ liệu về bảng đồng hồ ô tô hoặc bộ hiển thị cảm biến áp suất lốp riêng biệt, rất có thể van cảm biến đã hết pin.
Khi van cảm biến hết pin, màn hình hiển thị sẽ xuất hiện chữ “L0” tại vị trí hiển thị thông số tương ứng với vị trí của van đó. Trong trường hợp này, người dùng sẽ phải tháo van để thay pin mới.