'Đau đầu' trước vụ cà phê mới

28/09/2024 09:23

Cà phê tăng giá, nông dân vui mừng nhưng giới kinh doanh lại gặp áp lực lớn trước vụ mùa tới bởi chi phí tăng cao

Những năm trước, giá cà phê thường lập đỉnh vào tháng 4 rồi hạ nhiệt dần khi các nước sản xuất cà phê lớn lần lượt bước vào vụ thu hoạch. Năm nay, đã đến cuối tháng 9 mà giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới vẫn đang ở mức cao nhất trong lịch sử, vượt 5.500 USD/tấn; còn cà phê trong nước có giá 120.000 - 125.000 đồng/kg. So với 2 năm trước, giá cà phê nguyên liệu tăng gần 3 lần.

Ly cà phê tăng giá

Anh Trần Minh, tài xế xe công nghệ ngụ quận 12 (TP HCM), cho biết thường ghé mua cà phê ở các quán nước vỉa hè, giá chỉ 12.000 - 15.000 đồng/ly. Gần đây, thấy giá mỗi ly cà phê lề đường phổ biến khoảng 15.000 - 22.000 đồng/ly, anh Minh thắc mắc thì nhiều chủ quán giải thích do cà phê tăng giá.

Chị Nguyễn Ngọc Khương, ngụ quận Bình Thạnh (TP HCM), phản ánh các loại cà phê hòa tan, cà phê rang xay, phin túi giấy ở siêu thị cũng tăng giá mạnh. Đơn cử, giá cà phê hòa tan nguyên chất gần như tăng gấp đôi so với 1 - 2 năm trước khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tăng theo.

Từ cuối tháng 9-2024, quán cà phê Lucky trên đường Vũ Tông Phan, TP Thủ Đức (TP HCM) có bảng thông báo điều chỉnh giá một số sản phẩm, mong muốn khách hàng thông cảm và chia sẻ "trong tình hình bão giá".

Theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Cà phê Napoli, giá cà phê tăng giúp nông dân có lãi lớn nhưng gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bản thân công ty của ông cũng mất khá nhiều khách hàng vì giá cà phê tăng quá "nóng" thời gian qua. 

"Trước đây, chúng tôi có thể nhượng quyền 30 - 40 quán cà phê/tháng, nay chỉ còn 3 - 4 quán/tháng. Đơn hàng xuất khẩu giảm khi khách chuyển qua dùng cà phê Indonesia, Lào, Myanmar với giá rẻ hơn. Một số chuỗi bán lẻ trong nước cũng ngưng lấy hàng vì không chấp nhận giá mới" - ông Hưng kể.

Ông Nguyễn Đức Hưng tính toán so với 2 năm trước, giá cà phê nguyên liệu đã tăng 316%, kéo giá thành sản phẩm tăng theo, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê nguyên chất. "Có hiện tượng độn hoặc tăng tỉ lệ độn bắp và đậu nành vào cà phê để hạ giá bán. Do đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát cà phê bẩn để thị trường cạnh tranh lành mạnh" - ông Hưng kiến nghị.

Giá cà phê tăng ngay từ đầu vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các quán cà phê

Cân nhắc khi tăng giá

Ông Nguyễn Đức Thành, người sáng lập chuỗi AM Café, cho biết do sức mua giảm, hệ thống đã phải đóng cửa 4 chi nhánh, hiện chỉ còn 2 chi nhánh đang hoạt động. AM Café cũng đã có đợt tăng giá bán lẻ 3.000 - 5.000 đồng/ly, lên mức 25.000 - 30.000 đồng/ly. 

Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch mở thêm điểm bán mới, ông Thành cho hay phải chọn vị trí kỹ hơn để thu hút được khách, bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Chuỗi này cũng sẽ giữ giá ly cà phê từ nay đến cuối năm nhờ chốt giá với nhà cung cấp theo từng quý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thế, sáng lập chuỗi cà phê Guta, nói vui rằng lúc này bán cà phê là "vì đam mê" bởi sức tiêu thụ đang chậm, không tăng giá được. Chuỗi cà phê này đang triển khai gói cà phê tháng với giá 339.000 đồng cho 22 ly sử dụng trong 30 ngày để kích cầu, giảm mạnh so với giá gốc 638.000 đồng/tháng.

Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty FnB Director - Horeca Business School, dự báo giá nguyên liệu cà phê tiếp tục dao động ở mức cao khi vụ mùa không thuận lợi. Điều này không chỉ tác động đến sản lượng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm cũng như ảnh hưởng đến chi phí đầu vào các quán cà phê. 

"Tuy nhiên, việc tăng giá phải hết sức cân nhắc sao cho phù hợp với đặc thù khách hàng của từng mô hình kinh doanh, bảo đảm không ảnh hưởng đến doanh thu lâu dài và trải nghiệm của khách hàng" - ông Thanh khuyến cáo.

Gợi ý thêm, ông Thanh cho rằng với mô hình cà phê ki-ốt hoặc cửa hàng hè phố, có thể tăng giá 1.000 - 2.000 đồng/ly cà phê để bù giá nguyên liệu nhưng cần lưu ý khách hàng phân khúc này rất nhạy cảm về giá. Với phân khúc cà phê văn phòng, có thể tăng giá 3.000 - 5.000 đồng/ly bởi khách hàng ít nhạy cảm hơn về giá và quan tâm chất lượng dịch vụ hơn. Tuy nhiên, giá cà phê văn phòng thường đã ở mức cao nên việc tăng giá không phải là lựa chọn phổ biến. 

Giá còn tăng tiếp?

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), dự báo giá cà phê có thể đạt đỉnh vào năm sau, ở mức khoảng 6.000 USD/tấn, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung leo thang, đặc biệt là cà phê Robusta.

Tại Việt Nam, nước sản xuất cà phê số 1 thế giới, những năm trước đây, sản lượng thường xuyên đạt 30 - 31 triệu bao (mỗi bao 60 kg) thì vụ vừa qua chỉ còn 27,5 triệu bao. Dự báo sản lượng sẽ còn giảm tiếp khi nông dân có xu hướng chuyển sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, điển hình như sầu riêng. "Việc thiếu hụt cà phê là có thật và sự tham gia của các nhà đầu cơ đã đẩy giá lên cao. Giá cà phê diễn biến nhiều khi không theo quy luật cung - cầu thông thường" - ông Minh nhận định.

Ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty CP Học viện café Việt Nam VCA - doanh nghiệp tham gia cả khâu trồng, thương mại và chế biến cà phê, tiết lộ nhờ mô hình trên mà công ty có thể chủ động, giảm rủi ro lớn do giá cả biến động mạnh. "Bán hàng thường phải đoán giá, nếu đoán sai xu hướng thì thua lỗ nặng. Vụ cà phê vừa qua, rất nhiều người buôn cà phê đã phải phá sản, bán nhà vì mua cà phê giá cao giao cho đơn hàng ký trước với giá thấp" - ông Long dẫn chứng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Đau đầu' trước vụ cà phê mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO