Đất nước cần những người giỏi 'xách vali trở về'

27/03/2025 09:02

Đã có những người trẻ nhờ tôi đưa ra lời khuyên và tôi trả lời: "Hãy chọn nơi mà bản thân tạo ra được sự khác biệt"! Đồng thời, tôi cũng nói: "Hãy đến nơi cần bạn nhất".

Chúng ta đang sống giữa những ngày tháng 3 - tháng thanh niên. Kể từ khi nghỉ hưu và tham gia công tác cộng đồng, xã hội, tôi có 2 đối tượng quan tâm chính yếu là phụ nữ và thanh niên. Có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý với nhau rằng, nếu không quan tâm đến tuổi trẻ, đến thế hệ thanh thiếu niên thì không xây dựng được tương lai đất nước. Dứt khoát là vậy!

Đầu tiên xét về góc độ dân số học, những quốc gia có dân số trẻ chiếm ưu thế sẽ có lợi thế, chẳng hạn như Mỹ - một quốc gia có tỷ lệ nhập cư cao - tốc độ già hóa chậm hơn so với các quốc gia khác. Nhật Bản, Hàn Quốc, và gần đây là Trung Quốc, rồi Việt Nam chúng ta đều đang lo ngại về tình trạng già hóa dân số. Vậy nên, các nhà hoạch định chính sách đều phải quan tâm đến thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, tuổi trẻ với bản lĩnh, khát vọng, trình độ và hiểu biết đang nắm trong tay tương lai đất nước. Hướng tới tuổi trẻ là góp phần vào xây dựng, đảm bảo tương lai xã hội. 

Một lý do nho nhỏ có phần tính chất cá nhân, tôi từng là cô giáo, giao lưu nhiều với các bạn sinh viên. Tôi quan tâm trên góc độ vĩ mô nhưng tôi cũng rất thích thú muốn tìm hiểu xem tuổi trẻ ngày nay tư duy ra sao, tôi muốn giải mã bước đi của xã hội thông qua tư duy tiếp cận và thái độ của tuổi trẻ.

Đất nước cần những người giỏi xách vali trở về - 1

Người dân chào năm mới 2025 tại khu vực Bến Bạch Đằng và phố đi bộ Nguyễn Huệ (Ảnh: Nam Anh).

Tuổi trẻ và sự trở về

Nhiều năm về trước, tôi từng thử làm dự án về trường đại học tư thục không vì lợi nhuận, nhưng rất đáng tiếc là đã không thành. Không vì thế mà tôi bớt đi cơ hội để tiếp xúc, trò chuyện với tuổi trẻ, sinh viên các trường đại học, các công ty, doanh nghiệp.

Sau này tôi làm diễn đàn "Thời Khắc Việt" với ý tưởng thời khắc Việt Nam là bây giờ, chủ ý của tôi là làm sao có sự tham gia của cả những người trẻ tuổi chứ không chỉ có các vị cao niên. Chúng tôi từng tổ chức một buổi trao đổi chia sẻ của những người trẻ học ở nước ngoài và trở về khởi nghiệp (startup) ở Việt Nam. Mỗi người đều sẽ có một lựa chọn của riêng mình, nhưng với những người giỏi chịu khó xách vali về nước, tôi luôn dành một tình cảm đặc biệt!

Đã có những người trẻ nhờ tôi đưa ra lời khuyên và tôi trả lời: "Hãy chọn nơi mà bản thân tạo ra được sự khác biệt"! Năm xưa tôi cũng đã từ Pháp trở về, tất nhiên bối cảnh trước đây khác với bây giờ, song về tư duy cống hiến và tạo ra giá trị, tôi nghĩ thanh niên thời nào cũng vậy. 

Nếu bạn ở lại nước ngoài, làm việc với đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất hàng đầu thế giới tại những trường đại học danh tiếng…, thì đó là một lựa chọn tốt. Nhưng có lựa chọn nào khác ngoài một mức lương tốt và một cuộc sống êm ả không? Cá nhân tôi chọn đi đến nơi thực sự cần mình. Dù có nhiều thách thức nhưng nếu bản thân có quyết tâm, có sự dũng cảm thì sẽ tạo ra sự khác biệt và đem lại giá trị, phụng sự, cống hiến cho quê hương và xã hội.

Đồng thời, tôi cũng nói: "Hãy đến nơi cần bạn nhất". Thung lũng Silicon (Mỹ) nếu có thêm một kỹ sư gốc Việt thì cũng rất tốt, nhưng cá nhân đó là "một trong hàng vạn", còn nếu về nước, dù có khó khăn, vất vả, có chật vật nhưng ít nhất cũng không phải là "một trong hàng vạn" mà vẫn nằm trong số "không nhiều". Quan trọng hơn là đất nước rất cần, bạn sẽ có cơ hội phụng sự cho cộng đồng, xã hội và để lại dấu ấn. 

Tôi nghĩ rằng tuổi trẻ nên dũng cảm đặt vấn đề như thế và tôi hi vọng sẽ có ngày càng nhiều thanh niên dũng cảm!

Với "Thời Khắc Việt", tôi cũng có những cuộc trò chuyện với một vài Việt kiều trẻ, lắng nghe họ chia sẻ hành trình trở về nguồn cội. Có người sinh ra ở California (Mỹ), về Hà Nội hơn chục năm nay và lập một công ty kinh doanh hướng đến cộng đồng dân tộc thiểu số. Từ chỗ không biết tiếng Việt, nay bạn ấy đã nói tiếng Việt như một người Hà Nội thứ thiệt. Lại cũng có người chỉ nuôi ý định "về xem thử" ít tháng, nhưng tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, đến nay chưa có ý định ra đi. Trở lại tuổi trẻ muôn màu muôn vẻ là vậy, và những câu chuyện của họ khiến tôi ấm áp.

Thu hút người tài về nước

Khi chúng ta thống nhất cao về việc không thể phát triển khoa học công nghệ mà không thu hút nhân tài, thì tôi cho rằng, điều quan trọng là cần tạo được một môi trường làm việc hấp dẫn hơn ở trong nước để các chuyên gia, những người Việt yêu nước trở về.

Các yếu tố về điều kiện vật chất như thu nhập, nơi ăn chốn ở chỉ là một vế, quan trọng hơn chính là sự thuận lợi trong cuộc sống. Tôi cho rằng, dù thu nhập có thể chỉ bằng 2/3 hay 3/4 mức lương ở nước ngoài, nhưng với giá cả ở Việt Nam thì mức sống vẫn đảm bảo; điều khiến người ta băn khoăn là môi trường làm việc, môi trường sống có nhiêu khê, nhiều thủ tục hành chính… phức tạp hay không? 

Tôi lấy ví dụ vấn đề visa. Việt kiều về nước chưa có hộ chiếu Việt Nam mà chỉ có hộ chiếu nước ngoài, thì cứ một thời gian ngắn lại phải ra nước ngoài và nhập cảnh trở lại. Một người mà tôi quen biết đã về sống ở Việt Nam hơn chục năm rồi nhưng cứ mỗi 6 tháng lại phải bay qua Campuchia rồi ngay hôm sau bay về chỉ để làm thủ tục… đóng dấu. Đó là sự nhiêu khê về hành chính. 

Thu hút nhân tài, muốn họ đóng góp vào sự nghiệp của quốc gia thì cần tạo điều kiện cho họ? Tôi cho rằng, cần phải có chế độ visa tương ứng với hợp đồng làm việc. Chẳng hạn người lao động, chuyên gia sang Việt Nam làm việc theo hợp đồng 2 năm thì hãy cấp visa cho họ trong thời hạn 2 năm. 

Sự thông thoáng về thủ tục hành chính, về môi trường sống sẽ mang lại sự thoải mái, để đầu óc họ không phải bận rộn với những thứ không đáng tốn thời gian và gia đình họ cũng dễ dàng thích nghi. 

Đồng thời, Nhà nước phải chuẩn bị nguồn lực và có đội ngũ chuyên gia có chuyên môn, đủ am hiểu và trình độ để đánh giá đúng đủ về giá trị của những người tài và các dự án của những người đó.

Bên cạnh đó, cần phát huy những khoản đầu tư cho nghiên cứu. Nếu dự án "đáng" thì phải nhanh chóng quyết định tài trợ một cách sòng phẳng, đàm phán về thời hạn, về điều kiện và có cam kết từ hai phía. Nhà nước có trách nhiệm giải ngân, tạo điều kiện cho dự án thành công, còn nhà khoa học cũng phải chịu trách nhiệm, có lộ trình thực hiện, có cam kết, đảm bảo về thời hạn.

Như vậy, thu hút nhân tài là một bài toán tổng thể, trong đó có nhiều khía cạnh. Người tài ở nước ngoài khi về nước, tôi nghĩ rằng họ không chỉ nhằm mục đích hưởng lương mà để đóng góp, để cống hiến và ghi lại dấu ấn. Tôi tin rằng, nếu được ủng hộ và tạo điều kiện, không ít người sẽ trở về!

Tác giả: Bà Tôn Nữ Thị Ninh là hậu duệ của hoàng tộc nhà Nguyễn. Bà từng du học ở Đại học Paris (Pháp) và Đại học Cambridge (Anh). Bà đã tham gia hoạt động với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam với vai trò là người trợ giúp vòng ngoài cho Phái đoàn đàm phán của Việt Nam tại Paris trong những năm 1968 - 1972 và một số lần là phiên dịch tiếng Anh trong các cuộc tiếp xúc không chính thức cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình. Bà còn dạy Anh văn và văn học Anh ở Đại học Paris 3.

Bà từng là Đại sứ của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ. Bà cũng từng là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam. Hiện tại, bà là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM (HPDF).

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/tam-diem/dat-nuoc-can-nhung-nguoi-gioi-xach-vali-tro-ve-20250326114318556.htm?
Copy Link
https://dantri.com.vn/tam-diem/dat-nuoc-can-nhung-nguoi-gioi-xach-vali-tro-ve-20250326114318556.htm?
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đất nước cần những người giỏi 'xách vali trở về'
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO