Đánh thuế 100% với nước từ bỏ USD: Thế khó của Mỹ và tính toán của Donald Trump

09/09/2024 16:32

USD đang rơi vào xu hướng yếu đi khó có thể tránh được, khiến lợi thế cũng như quyền lực mềm của Mỹ suy giảm. Trung Quốc đối mặt với suy giảm tăng trưởng nhưng vẫn đang mạnh lên.

Trong bài phát biểu hôm 7/9 tại một cuộc vận động tranh cử ở bang chiến địa Wisconsin, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ áp thuế 100% lên hàng hóa của các quốc gia từ bỏ USD nếu đắc cử tổng thống Mỹ.

Ông Trump cam kết sẽ khiến các đồng minh hoặc đối thủ của nước Mỹ phải trả giá đắt nếu những nước này không sử dụng USD trong các giao dịch quốc tế. Đây là giải pháp trụ cột mới được bổ sung vào chương trình thuế quan của ông Trump.

Tuyên bố trên là kết quả sau nhiều tháng thảo luận giữa ông Trump và các cố vấn kinh tế, về biện pháp trừng phạt đối với các đồng minh hoặc đối thủ cố tình tham gia vào các hoạt động thương mại song phương bằng những loại tiền tệ khác ngoài USD.

Nó cũng diễn ra trong bối cảnh USD đang suy yếu và có thể giảm mạnh hơn nữa vào cuối năm nay, trong năm 2025 và cả năm 2026 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp bước vào chu kỳ giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.

TrumpLiveMint RT.gif
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: LM

Ông Donald Trump tính tới biện pháp chưa từng có này khi vai trò của USD trên thị trường quốc tế có dấu hiệu ngày càng suy giảm. Nhiều đồng minh và đối thủ đang tăng cường dùng các đồng tiền khác trong giao dịch song phương, thậm chí đa phương.

Trung Quốc đẩy mạnh sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) trong hoạt động thanh toán song phương, như với Nga và một số nước. Bắc Kinh cũng giảm tài sản dự trữ bằng USD, thay vào đó là vàng và euro.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tăng cường kết nạp thêm nhiều thành viên, từ 5 thành viên ban đầu (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lên thành 10 vào đầu năm 2024. 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). BRICS có thể tiếp tục mở rộng nhanh chóng.

Hiện có khoảng 40 quốc gia khác quan tâm đến việc gia nhập BRICS, gồm Bahrain, Belarus, Cuba, Kazakhstan, Pakistan, Sénégal, Venezuela, Thái Lan…

Về mặt kinh tế, quy mô của nhóm này rất lớn với sản lượng dầu hiện chiếm 80% của thế giới, GDP chiếm hơn 32%. Nhiều khả năng BRICS sẽ có đồng tiền riêng. Năm 2023, BRICS tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thảo luận về vấn đề “phi USD hóa”.

DXY50namtoi2024Sep9.gif
Biến động đồng USD trong 50 năm qua. Nguồn: TDE

Với Nga, từ nhiều năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết hạ sức mạnh Mỹ với việc loại đồng USD ra khỏi Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF) cũng như trong các thanh toán thương mại. Nga tăng tỷ trọng tài sản dự trữ bằng đồng euro, NDT, vàng, yen Nhật và đồng bảng Anh.

Nga đẩy mạnh đa dạng hóa dự trữ quốc gia kể từ khi Washington bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng tay vào năm 2014, nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào USD. Năm 2019, lần đầu tiên tỷ lệ dự trữ vàng thỏi của Nga vượt qua tỷ lệ USD.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được biết đến là người luôn ủng hộ các chính sách bảo hộ thương mại. Ông cho rằng, USD đã gặp khó khăn nghiêm trọng, bị "tấn công mạnh mẽ" trong 8 năm qua.

“Quyền lực mềm” bị thách thức, Mỹ có hành động mạnh tay?

Trong tuyên bố của mình tại Wisconsin, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết muốn USD tiếp tục là đồng tiền dự trữ của thế giới. Đây là điều mà Mỹ đã làm được trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, USD biến động thất thường. Triển vọng đồng bạc xanh bị nghi ngờ không còn tươi sáng khi thế giới có nhiều thay đổi.

Trong nhiều năm gần đây, NDT của Trung Quốc được lựa chọn nhiều trong thanh toán quốc tế và đang thách thức đồng tiền của nước Mỹ.

Gần đây, giới tài chính thế giới rộ lên tin đồn, một thành viên khối BRICS, Saudi Arabia, sẽ chấm dứt thỏa thuận petrodollar kéo dài hàng thập kỷ với Mỹ. Việc định giá xuất khẩu dầu bằng USD và đầu tư doanh thu thặng dư từ dầu vào trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu giúp củng cố vị thế USD như một đồng dự trữ của thế giới.

dutrungoaihoibangUSDcacnuoctu1999 2024.gif
Dự trữ ngoại hối của các nước bằng đồng USD trong 25 năm qua. Nguồn: Statista

Trong suốt những năm qua, rất nhiều nước OPEC định giá dầu bằng USD và đầu tư vào nợ chính phủ Mỹ.

Hệ thống petrodollar được đánh giá mang lại thịnh vượng cho nước Mỹ trong nhiều thập kỷ. Dòng vốn dồn dập đổ vào Mỹ trong một thời gian dài. USD cũng thống trị trong thương mại quốc tế.

Dù vậy, tình thế đang có sự thay đổi. Trong quý III/2019, gần 58% tổng dự trữ ngoại hối giữ bằng USD. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống còn 54,75% vào cuối quý I/2024. Trong khi đó, tỷ lệ dự trữ ngoại hối giữ bằng NDT tăng từ 1,8% lên 2%.

Trong thời gian tới, khi USD bước vào chu kỳ giảm giá, dự trữ ngoại hối của thế giới bằng đồng bạc xanh của Mỹ có thể còn giảm tiếp. Nó có thể tác động mạnh tới hoạt động thanh toán trên thế giới, làm giảm giá trị USD và theo lý thuyết sẽ gây lạm phát phi mã tại Mỹ.

Trong những năm gần đây, đặc biệt giai đoạn đại dịch Covid, rất nhiều nước, trong đó có Mỹ, bơm tiền mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế. Lạm phát tăng mạnh và lên đỉnh cao trong nửa đầu năm 2022, với tỷ lệ lên tới 10% tại EU và hơn 9% tại Mỹ.

Áp lực từ hoạt động bơm tiền cũng như sự gia tăng của giá cả hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào do căng thẳng địa chính trị gia tăng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, với vai trò là đồng tiền dự trữ số 1 thế giới, USD nhanh chóng vượt qua áp lực và thậm chí tăng mạnh sau đại dịch, đạt đỉnh trong hơn 2 thập kỷ trong quý IV/2022. Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) lên gần 113 điểm, trước khi giảm xuống mức 101,4 điểm như hiện tại.

USD đang suy giảm nhanh theo những tín hiệu hạ lãi suất của Fed và nỗ lực giảm tài sản dự trữ quốc gia bằng USD của nhiều nước, trong đó có Trung Quốc và Nga.

Sự nổi lên mạnh mẽ của nhóm BRICS và kế hoạch có hệ thống thanh toán của riêng mình khiến quyền lực mềm của Mỹ có thể suy giảm mạnh.

Tuyên bố của ông Trump được xem là tính toán đã được cân nhắc kỹ và sẽ được thực thi nếu ông Trump trúng cử vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Nó cũng phù hợp với định hướng chính sách bảo thủ của cựu tổng thống Mỹ.

Trước đó, ông Trump là người đã khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc năm 2018 và mở rộng ra thành cuộc chiến công nghệ, tiền tệ, kinh tế đối với Bắc Kinh khi được xác định là đối thủ lớn nhất của Mỹ (tiếp theo là Nga và Iran).

Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có cơ hội trúng cử cao không và nếu không thì bà Kamala Harris có mạnh tay với các nước để bảo vệ USD hay không. Và quyền lực mềm của Mỹ có được duy trì ở mức cao như xưa nay hay không?

Trên thực tế, sau khi ông Joe Biden trúng cử tổng thống, chính sách mạnh tay với kinh tế Trung Quốc vẫn được thực thi. Chính quyền đảng Dân chủ cũng có chính sách hỗ trợ USD, chỉ số DXY tăng mạnh từ cuối năm 2021 và trong cả năm 2022.

Về dài hạn, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phát triển theo hướng đa cực với sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn là một thế lực lớn nhất nhì. USD được cho là vẫn sẽ có vị trí số 1 trong thời gian dài nữa. Những bất ổn địa chính trị gần đây được đánh giá là yếu tố giúp đồng USD có thêm vị thế.

Hiện Mỹ vẫn là nền kinh tế số 1 thế giới với sức cầu tiêu dùng rất lớn. Các nước vẫn đang nỗ lực xuất khẩu vào Mỹ. Thuế nhập khẩu vẫn là một biện pháp mạnh mẽ giúp Mỹ gây áp lực lên nhiều đối tác thương mại trên thế giới.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đánh thuế 100% với nước từ bỏ USD: Thế khó của Mỹ và tính toán của Donald Trump
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO