Tuy vậy, trong một thời gian dài, bản sắc độc đáo này đã không được nhận diện đúng đắn, khiến cho nguồn lực bị phân tán, du lịch chỉ dừng lại chủ yếu ở việc khai thác lễ hội mang tính mùa vụ. Đó là nhận định của các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực trạng tài nguyên du lịch
Tây Ninh hiện có quần thể Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen với diện tích bán kính rộng 24 km2, gồm 3 ngọn núi là núi Bà, núi Phụng và núi Heo tạo thành, trong đó núi Bà có độ cao 986m, là ngọn núi cao nhất Nam Bộ; hồ Dầu Tiếng với tổng diện tích mặt hồ rộng 270 km2, sức chứa 1,58 tỷ m3 nước, với đặc trưng có đảo nhím giữa lòng hồ Dầu Tiếng rộng trên 1.000 ha; Tòa Thánh Cao Đài, là nơi thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài; Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và nhiều di tích cấp tỉnh ghi đậm văn hóa từ thời kỳ văn hóa Óc Eo với hơn 1.000 năm tuổi đến nay.
Nói về nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa ở Tây Ninh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Tây Ninh là một vùng đất địa linh, có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tiềm năng về du lịch. Tiềm năng đầu tiên phải nói đến là tài nguyên từ di sản lịch sử - văn hóa; từ vị thế địa - văn hóa và quá trình lịch sử của Tây Ninh, có thể nhận thấy Tây Ninh có 3 đặc trưng mà các nhà khoa học gọi là các “ADN” để làm nên bản sắc văn hóa và cũng là một lợi thế lớn để phát triển du lịch.
Còn theo Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thì gần đây ngành Du lịch Tây Ninh tuy đã khởi sắc, song du lịch Tây Ninh vẫn rơi vào hai nghịch lý thể hiện mâu thuẫn giữa bản sắc và thực trạng khai thác tiềm năng. Cụ thể, ngành Du lịch Tây Ninh chỉ khai thác có hiệu quả và mang tính đột phá tại Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, khi Tập đoàn SunGroup đầu tư các hạ tầng cáp treo chinh phục đỉnh núi Bà Đen, với nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới, tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á và thảm hoa rợp sắc bao phủ trên đỉnh núi Bà Đen. Khi núi Bà Đen được lột xác hoàn toàn từ chân núi lên đến đỉnh núi, núi Bà Đen đã trở thành điểm đến với hàng vạn khách du lịch vào ngày nghỉ, Lễ, Tết và đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng Đông Nam bộ.
Tiềm năng khai thác và giải pháp đột phá
Theo ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Tây Ninh, trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh phối hợp với Liên đoàn Dù lượn thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức bay dù lượn thể thao biểu diễn tại khu vực bãi bồi, Ngã 3 bờ hồ Dầu Tiếng, thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đã thu hút hàng ngàn người dân đến xem. Đây là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm mới, độc đáo mà ngành Du lịch tỉnh Tây Ninh đang triển khai xây dựng như là bước thử nghiệm cho hoạt động thành lập Trung tâm thể thao hàng không tại tỉnh Tây Ninh và phát triển du lịch giải trí mới.
Ông Lương Hoàng Hà, Chủ tịch Liên đoàn Dù lượn thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hồ Dầu Tiếng có địa hình xung quanh không chướng ngại vật, không gian thoáng mát, rộng lớn, giúp người bay thoải mái trải nghiệm ngắm toàn cảnh hồ Dầu Tiếng và núi Bà Đen. Đây là lợi thế rất lớn để bộ môn thể thao này có thể phát triển sớm ở vùng đất Tây Ninh trong tương lai, tạo thêm một sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mặt Trời Tây Ninh - Tập đoàn SunGroup phấn khởi cho biết, từ khi nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới đi vào hoạt động và công trình tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao 72m, được đúc bằng 170 tấn đồng đỏ, được công nhận là tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi Bà Đen đưa vào khai thác đã thu hút khách du lịch khắp nơi đổ về núi Bà Đen.
“Trong dịp Tết chúng tôi cũng đầu tư các thảm hoa rất đặc sắc, với hàng ngàn loại hoa, trong đó có hoa tulip. Gần đây nhất, chúng tôi đã cải tạo đầu tư thêm nhiều thảm hoa, với 16.000 cây hoa hồng, thuộc 9 loại khác nhau, cùng với đó là những hoa rất mới lạ như: Phong lữ thảo, hoa lồng đèn, hoa cẩm tú cầu để mang lại diện mạo mới cho du lịch. Với những nỗ lực kể trên và kết quả thu hút khách du lịch đến với núi Bà Đen từ đầu năm đến nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ duy trì được lượng khách du lịch quanh năm, thay vì theo mùa vụ như trước đây”, ông Nguyễn Huy Cường nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, kinh tế - xã hội quý 1-2022 ở Tây Ninh đạt khá toàn diện, có những điểm nhấn rất ấn tượng, kinh tế tiếp tục phục hồi tốt và có bước phát triển tích cực hơn sau đại dịch COVID-19, trong đó ngành Du lịch tăng rất cao, cho thấy sự quan tâm đầu tư của tỉnh là đúng hướng nhằm tạo đà cho phục hồi và phát triển kinh tế. Tỉnh đã có những hạng mục du lịch đặc sắc, thu hút khách đến tham quan tại Tây Ninh, bình quân hàng ngày từ 10.000 - 15.000 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch trong quý I/2022 của Tây Ninh đạt 573,4 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kỳ, đạt 44,1% so kế hoạch.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh phải có một chiến lược tăng tốc phát triển du lịch bền vững, được xây dựng trên cơ sở triết lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Tây Ninh. Cụ thể, chương trình tăng tốc phát triển du lịch Tây Ninh cần thực hiện 4 giải pháp như: Xây dựng Khu du lịch Thủ đô Cách mạng miền Nam; xây dựng phức hệ du lịch Tòa thánh Cao Đài - Bảo tàng Tôn giáo Nam Bộ; hoàn thiện Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và xây dựng Khu ẩm thực - Khu du lịch về đêm tại Tây Ninh.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm cho rằng, các chương trình trên cần hoàn tất trước năm 2030 nhằm giúp du lịch Tây Ninh tăng tốc phát triển mạnh mẽ, bảo đảm thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, núi Bà Đen đã thu hút gần 2,5 triệu lượt du khách đến du lịch, hành hương tại Tây Ninh. Trước đó, nhằm kích cầu du lịch, tỉnh Tây Ninh đã miễn vé tham quan vào cổng tại Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen trong năm 2022 cho tất cả khách du lịch. Riêng trong dịp lễ 30/4, 1/5, núi Bà Đen, Tây Ninh đã thu hút trên 130.000 lượt khách đến tham quan, trong đó sử dụng các dịch vụ cáp treo đạt trên 100.000 lượt khách.
Phạm Thanh Tân