Dân ‘thắt lưng buộc bụng’, giỏ hàng Tết teo tóp nhiều

08/02/2024 14:29

Tại các siêu thị, người dân vẫn chen chân mua sắm nhưng giỏ hàng Tết teo tóp chỉ còn thịt, rau quả, mứt kẹo… Bởi, nhiều gia đình đang “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu Tết.

Chiều 28 Tết, sau vài tiếng đồng hồ trong siêu thị cân nhắc và chọn lựa, trong giỏ hàng của chị Nguyễn Thị Như (ở Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội) chỉ có 1kg kẹo, vài khay thịt, một ít rau quả, trái cây, chai dầu ăn và 2 chiếc bánh chưng. Các loại rượu bia, nước ngọt, hoa và đồ trang trí Tết đều bị cắt giảm. Nhẩm tính giỏ hàng này hết khoảng trên dưới 500.000 đồng. Chị Như chia sẻ, đây là số thực phẩm để gia đình dùng trong mấy ngày Tết ở Hà Nội.

Trước khi vào siêu thị mua sắm Tết, chị đã tính toán các mặt hàng và số lượng cần mua. Những mặt hàng không cần thiết đều loại bỏ triệt để.

“Lương năm nay bị cắt giảm 30%, thưởng Tết cũng chỉ bằng phân nửa so với năm ngoái nên thắt chặt hầu bao sắm Tết là bắt buộc”, chị nói.

sam tet.jpg
Người dân chen nhân mua sắm Tết trong siêu thị (Ảnh: Thạch Thảo)

Thực tế, những ngày cận kề Tết Nguyên đán, lượng người đổ ra chợ, các cửa hàng mua sắm Tết tăng mạnh. Tại siêu thị hay trung tâm thương mại, người tiêu dùng cũng chen chân sắm Tết, chờ hàng giờ đồng hồ mới tới lượt thanh toán. Song, giá trị giỏ hàng Tết teo tóp do dân có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu.

Chia sẻ với PV.VietNamNet, đại diện WinCommerce (đơn vị chủ quản chuỗi siêu thị WinMart và cửa hàng tiện lợi WinMart+/WIN), cho biết, những ngày cận tết, sức mua tăng khoảng 15-20% so với tháng thường trong năm. Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động bán hàng online tăng khoảng 21% so với Tết 2023. Số lượng đơn đặt hàng tăng 30% so với tháng thường và tăng 25% so với cùng kỳ.

Song, giá trị trung bình mỗi đơn hàng chỉ dao động 250.000-260.000 đồng. Từ 30/1-5/2, giá trị giỏ hàng trung bình khoảng 450.000-460.000 đồng. Trong đó, thịt, trái cây, thực phẩm khô, đồ gia dụng, bánh kẹo tết, mứt tết, đồ uống là nhóm hàng được mua nhiều nhất.

Tại các hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, AEON, BigC… đều ước lượng sức mua đang tăng 10% nhưng giá trị mỗi đơn hàng lại giảm mạnh. Theo đó, khách chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu cho Tết, mặt hàng có khuyến mãi lớn.

Dịp Tết những năm trước, giỏ quà, set tự chọn phổ biến ở mức giá 700.000-800.000 đồng, thì giờ chỉ còn 400.000-600.000 đồng, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail chia sẻ.

Tương tự, Giám đốc một hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội cũng thừa nhận, năm nay dân mua sắm tiết kiệm, đơn hàng giá trị lớn giảm mạnh.

“Những năm trước, giá trị giỏ hàng Tết từ 2-5 triệu đồng rất nhiều, thậm chí có cả đơn hàng trên chục triệu đồng. Nhân viên thu ngân in hoá đơn thanh toán của khách dài tới 1-2 mét. Còn những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đơn hàng trên 1 triệu đồng khá ít, chủ yếu trên dưới 500.000 đồng”, vị này cho hay.

sam tet.jpg
Nhiều gia đình thặt chặt chi tiêu, chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu cho Tết (Ảnh: Thạch Thảo)

Tại chợ hay các cửa hàng thực phẩm, giới buôn bán cũng cho biết, dân thắt chặt hầu bao sắm Tết nên lượng hàng bán ra giảm khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Anh Phùng Văn Tiến – chủ một cửa hàng hải sản ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, tầm này Tết năm ngoái, nhiều loại hải sản cao cấp “cháy hàng”, shipper giao không xuể. Một số đơn anh Tiến phải trực tiếp đi giao để kịp giờ nhận hàng của khách.

Vụ Tết này, loại hải sản nào cũng ế ẩm. Chỉ 1/4 lượng khách hàng thân thiết quay lại cửa hàng mua hải sản để làm quà biếu tặng Tết. Đáng nói, giá trị những đơn hàng này cũng giảm đáng kể.

Thậm chí, có khách VIP 5 năm liền mua lượng lớn hải sản dịp Tết để gia đình ăn Tết và làm quà cho người thân và bạn bè, dịp này mời mua hàng cũng lắc đầu từ chối vì kinh tế khó khăn, anh Tiến chia sẻ.

Thực tế, người dân có xu hướng “thắt chặt hầu bao” cũng được dự báo từ trước đó do năm nay kinh tế khó hơn. Khi lên kế hoạch chuẩn bị hàng hoá Tết, doanh nghiệp khá dè dặt trữ hàng. Lượng hàng Tết năm nay dự trữ đều giảm so với những Tết trước đó.

Một số hệ thống siêu thị còn đẩy mạnh khuyến mãi để kích cầu mua sắm Tết. Thời gian mở cửa phục vụ mua sắm cũng được kéo dài, thậm chí mở cửa phục vụ xuyên Tết.

Đơn cử, hệ thống siêu thị WinCommerce (gồm WinMart và WinMart+/WIN) sẽ mở cửa đến 12h ngày 30 Tết và mở lại vào mùng 4 Tết. Từ nay đến ngày 29 Tết, hệ thống này kéo dài thời gian phục vụ đến 23h. Trong dịp này, WinCommerce cũng tăng cường kênh bán hàng online và hỗ trợ nhiều chính sách giao hàng.

Tại siêu thị AEON, từ 27-29 Tết âm lịch cũng kéo dài thời gian hoạt động đến 23h hàng ngày. Ngày mùng 1 Tết, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON mở cửa hoạt động từ 11-12h. Từ mùng 2 Tết, siêu thị mở cửa theo thời gian bình thường.

Còn tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op Food mở cửa đến 12h ngày 29 Tết. Siêu thị chỉ nghỉ Tết ngày 10/1 (tức ngày mùng 1 Tết) và mở cửa trở lại từ ngày mùng 2 Tết. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, siêu thị mở cửa từ 8-12h. Ngày mùng 6 Tết, siêu thị trở lại hoạt động bình thường.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dân ‘thắt lưng buộc bụng’, giỏ hàng Tết teo tóp nhiều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO