Chiều 26/12, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm cho biết, trưa cùng ngày, cán bộ của khu bảo tồn đã phát hiện 7 cá thể sếu đầu đỏ bay ngang qua vườn.
Đàn sếu bay từ hướng Campuchia về, lượn qua bãi ăn quen thuộc của chúng ở lõi vườn quốc gia Tràm Chim, cất tiếng kêu đặc trưng vang vọng cả vùng trời trước khi bay về hướng biên giới.
Theo kinh nghiệm của cán bộ khu bảo tồn, hàng năm trước khi có đàn lớn chim sếu về vườn, sẽ có một số con bay "tiền trạm" để khảo sát môi trường sống. Nếu môi trường sống phù hợp, khoảng một tuần sau đàn sếu mới chính thức đáp xuống vườn để kiếm ăn.
Lãnh đạo vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, sau thời gian cải tạo, vùng lõi của khu bảo tồn, nơi trước đây sếu thường kiếm ăn, đã được phục hồi sinh cảnh. Cây năn kim, loại thức ăn ưa thích của sếu đang phát triển tốt trong khu bảo tồn.
Vườn quốc gia Tràm Chim đã cử cán bộ theo dõi 24/24h ở khu vực trước đây sếu hay trú ngụ để có giải pháp bảo vệ tốt nhất đối với loài chim quý, đồng thời ngăn cản người dân xâm nhập vườn.
Sếu đầu đỏ là động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế, có nguy cơ tuyệt chủng, phân bố ở khu vực Đông Nam Á lục địa. Sếu đặc trưng bởi đầu màu đỏ, là loài chim cao nhất thế giới có khả năng bay, con trống trưởng thành cao đến 1,8m.
Giai đoạn trước năm 2000, mỗi năm có hàng nghìn con sếu đầu đỏ về Tràm Chim kiếm ăn trong các tháng cận Tết. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do sinh cảnh thay đổi, sếu về ít dần. Từ năm 2017 đến nay, có nhiều năm không có cá thể sếu nào quay lại Tràm Chim.
Tràm Chim là khu bảo tồn sinh cảnh đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, rộng hơn 7.300ha. Vườn là nơi trú ngụ của hàng trăm loài sinh vật, cũng là một trong vài nơi ở nước ta có sếu đầu đỏ thường về kiếm ăn theo mùa.