Đám mây có chủ quyền trở thành xu hướng chính tại châu Âu

26/10/2023 06:33

Ngày 25/10, Amazon cho biết sẽ ra mắt dịch vụ điện toán đám mây độc lập dành cho châu Âu, trong bối cảnh EU siết chặt quản lý dữ liệu ngành và khu vực công.

Theo đó, AWSESC (Amazon Web Services European Sovereign Cloud) - dịch vụ đám mây có chủ quyền của EU sẽ được đặt tại châu Âu, tách biệt hoàn toàn với các hoạt động trên mây khác của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Khách hàng của hệ thống mới sẽ có thể lưu giữ một số loại dữ liệu nhất định ở Liên minh châu Âu. Chỉ nhân viên AWS thường trú tại EU, những người sinh sống tại một trong 27 quốc gia thuộc khối, mới có quyền kiểm soát hoạt động và hỗ trợ cho đám mây có chủ quyền này.

107305900 1695650832268 gettyimages 1247992405 cros notitle230310 npyjs.jpeg
Các công ty đám mây như Amazon, Microsoft và Google đang chạy đua cung cấp dịch vụ "có chủ quyền" cho khách hàng tại EU.

“Khách hàng có quyền kiểm soát và đảm bảo rằng AWS sẽ không truy cập hoặc sử dụng dữ liệu khách hàng cho bất kỳ mục đích nào mà không có sự đồng ý của họ, cũng như quyền truy cập vào các biện pháp kiểm soát chủ quyền mạnh nhất giữa các nhà cung cấp đám mây hàng đầu”, Amazon cho biết trong một tuyên bố.

Hệ thống đám mây mới ra đời trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc bảo mật dữ liệu ngày càng nghiêm ngặt khi EU thúc đẩy cái gọi là “chủ quyền kỹ thuật số” để đảm bảo quyền kiểm soát dữ liệu và công nghệ của cả khối.

Ý tưởng về chủ quyền kỹ thuật số xoay quanh khả năng tự chủ công nghệ quan trọng, quản lý lưu trữ và truyền dữ liệu trong và ngoài khối. EU lo ngại rằng, khi cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu chuyển phần lớn hoạt động lên đám mây, dữ liệu của họ có thể bị truy cập bởi các thực thể bên thứ ba.

Do đó, đám mây có chủ quyền của Amazon có thể xoa dịu một số lo ngại của các nhà quản lý tại đây. “AWSESC củng cố cam kết của chúng tôi về việc cung cấp cho khách hàng bộ kiểm soát chủ quyền, giải pháp bảo vệ quyền riêng tư và những tính năng bảo mật tiên tiến nhất”, Max Peterson, Phó Chủ tịch của Sovereign Cloud tại AWS, cho hay.

Những năm gần đây, EU ngày càng quan ngại về sự phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là các công ty Mỹ đối với dịch vụ đám mây trong khối. Vào năm 2020, các nhà lập pháp cũng đưa ra sáng kiến Gaia X nhằm ngăn chặn sự bành trướng thị phần đám mây quá mức của những gã khổng lồ công nghệ nước ngoài, mang đến cho doanh nghiệp trong khối thêm sự lựa chọn sử dụng dịch vụ.

Đáp lại, các nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ đang tìm cách đáp ứng nhu cầu “chủ quyền” của các khách hàng EU. Năm ngoái, Google Cloud và Microsoft đã giới thiệu các tính năng, bao gồm hạn chế quyền truy cập vào dữ liệu châu Âu của cư dân EU trong khối.

(Theo CNBC)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đám mây có chủ quyền trở thành xu hướng chính tại châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO