Theo đó dự báo khi bão đổ bộ vào các tỉnh miền trung vào sáng 28/9, bão Noru sẽ đe dọa nghiêm trọng hệ thống truyền tải cung cấp điện ở khu vực miền trung-Tây Nguyên, Tổng công ty Điện lực miền trung (EVNCPC) đã huy động toàn lực lượng, khẩn trương ứng phó bão. Theo đó, công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru tại toàn EVNCPC hết sức sẵn sàng. Các đơn vị đã thành lập 28 đội xung kích cấp đơn vị với 764 người; 98 phương tiện; 668 trang bị an toàn, dụng cụ thi công; 159 cột sắt lắp ghép tạm để sẵn sàng huy động khắc phục hậu quả sau mưa bão. Lực lượng này có thể để hỗ trợ cho các đơn vị bạn có có sự huy động từ EVNCPC.
Theo ông Lê Hoàng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc EVNCPC, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn EVNCPC, các Công ty Điện lực thành viên, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung (CPCCPSC) rà soát lại phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) theo phương châm “bốn tại chỗ”; cập nhật bổ sung, điều chỉnh sát với thực tế vận hành, diễn biến của từng đơn vị để có phương án PCTT & TKCN hiệu quả nhất, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mưa bão xảy ra.
Trong đó cần lưu ý: kiểm tra hạ tầng hệ thống viễn thông dùng riêng và công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ sản xuất kinh doanh khi có ảnh hưởng của thiên tai; thống kê vật tư thiết bị dự phòng, các cột sắt lắp ghép tạm đang có để khi cần điều động khẩn cấp; phương án đảm bảo an toàn các công trình đầu tư xây dựng đang triển khai thi công; nhân lực, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, hậu cần của đội xung kích phòng chống thiên tai các Điện lực/ Đội/ Xí nghiệp đảm bảo phù hợp.
Các công ty Điện lực tập trung khắc phục khu vực trung tâm hành chính tỉnh, nhà máy nước, bệnh viện, quân đội, công an,... trong thời gian sớm nhất để phục vụ công tác điều hành; ưu tiên khắc phục cấp điện khu vực trung tâm tỉnh, thị xã và các trung tâm huyện lỵ. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các đội xung kích ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả sau mưa bão để kịp thời khắc phục sự cố và hỗ trợ các đơn vị bạn theo sự huy động của EVNCPC. Ngoài ra, khi xảy ra thiên tai, các Công ty Điện lực chủ động huy động các lực lượng xung kích trong nội bộ Công ty và các đơn vị xây lắp trên địa bàn quản lý khẩn trương khắc phục sự cố lưới điện. CPCCPSC chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng phối hợp xử lý, khắc phục các bất thường và sự cố lưới điện do thiên tai khi có đề nghị từ các Công ty Điện lực trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các Ban chức năng EVNCPC chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ phục vụ công tác xử lý sự cố, máy tính kỹ thuật và phụ kiện phục vụ công tác cấu hình thiết lập lại thiết bị viễn thông; phối hợp thông tin đầy đủ về đầu mối liên lạc xử lý sự cố hạ tầng với các đơn vị trong và ngoài ngành; theo dõi, đôn đốc chuẩn bị phương án tái lập ca trực tại các TBA 110kV không người trực; đôn đốc các đơn vị chuẩn bị phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN; tham mưu điều chuyển phân phối vật tư, thiết bị khắc phục nhanh chóng sự cố do thiên tai gây ra.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc các Ban Quản lý dự án yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện phương án PCTT&TKCN tại các dự án, công trình đầu tư xây dựng EVNCPC quản lý. Đồng thời tập trung truyền thông an toàn điện trong mùa mưa bão đến khách hàng. Các nhà máy thủy điện thuộc CPCCPSC, Công ty Cổ phần đầu từ Điện lực 3 vận hành hai nhà máy theo các quy trình vận hành liên hồ/đơn hồ, tuyệt đối tuân thủ lệnh điều tiết của các cấp chính quyền. Chủ động, thường xuyên liên lạc với Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương để kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin. Thực hiện tuyên truyền, thông báo cho địa phương, nhân dân nhằm đảm bảo vận hành an toàn công trình đập và vùng hạ du. CPCCPSC kiểm tra chèn néo tất cả các vị trí Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung để tránh thiệt hại khi có bão.
Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Bộ Thông tin và Truyền thông (Ban Chỉ huy) đã ban hành Công điện ứng phó khẩn cấp với cơn bão bão Noru yêu cầu các đơn vị căn cứ vào tình hình cụ thể tại đơn vị để vận dụng phương trâm "bốn tại chỗ", sẵn sàng các phương án ứng phó với bão và ưu tiên tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau.
Triển khai và thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và trực ứng cứu thông tin 24/24; theo dõi sát tình hình diễn biến của bão tại các khu vực ven biển và mưa, lũ tại các tỉnh vùng núi phía bắc; báo cáo kịp thời tình hình hoạt động của mạng lưới và thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống bão, mưa, lũ và công tác tìm kiếm cứu nạn về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Bộ TTTT (BCH PCTT, TKCN&PTDS Bộ TTTT).
Cục Thông tin cơ sở: chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh không dây đưa tin cảnh báo, dự báo về bão, mưa lũ và chỉ đạo ứng phó của chính quyền để người dân biết và chủ động phòng, tránh.
Cục Bưu điện Trung ương: đáp ứng thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai ứng phó với bão, mưa lũ khi có yêu cầu.
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố: chỉ đạo các Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh, thành phố các Đài truyền thanh cơ sở cập nhật bản tin dự báo bão từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, tăng thời lượng và tần suất phát bản tin dự báo bão, mưa lũ để thông báo kịp thời cho người dân chủ động phòng chống, đặc biệt là công tác ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra và công tác di dời dân ở các vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn...
Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông: tập trung triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão, mưa lũ, lên phương án ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra; Tập trung gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, cột ăng ten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi có khả năng bị ảnh hưởng của bão, bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như thiết bị nguồn điện, máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ.
Cục Viễn thông: tham gia đầy đủ công tác họp báo về ứng phó với bão do Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT tổ chức. Là đầu mối tiếp nhận thông tin, tổng hợp tình hình diễn biến của bão. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ các phương án chỉ đạo ứng phó với bão; Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động nhắn tin đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão khi có yêu cầu từ Chính phủ, BCĐQG về PCTT, UBQG TKCN.