Vì đã hẹn trước nên vừa đến nơi, các CCB được anh Võ Điện Biên-con trai trưởng của Đại tướng ra tận cổng đón. “Do mấy đêm liền khó ngủ, mẹ cháu hơi mệt nên thức dậy muộn hơn bình thường. Bà chuyển lời các chú thông cảm chờ mẹ cháu một chút...”, anh Biên nói. Từ ngày Đại tướng về với thế giới người hiền, đặc biệt là hai năm trở lại đây, sức khỏe của phu nhân Đặng Bích Hà cũng ngày một suy giảm, việc tiếp khách cũng hạn chế nhiều.
Trong lúc chờ đợi, các CCB vào thắp hương viếng Đại tướng trước. Khi trở lại phòng khách của gia đình, bà Bích Hà đã ngồi đó. Vẫn khuôn mặt đôn hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, bà bắt tay và gọi chính xác tên từng người trong đoàn. Câu chuyện rổn rảng giữa những người lính già cùng bao kỷ niệm với anh Văn lại hiện về trong căn phòng nhỏ ấm cúng. Bà ngồi mỉm cười lắng nghe, thỉnh thoảng gợi nhắc lại những câu Đại tướng từng nói với đồng đội. Chứng kiến cuộc gặp, chúng tôi thấy mọi người đều tình cảm, gần gũi như những người thân trong gia đình. Do sức khỏe của bà Bích Hà không cho phép nên đoàn đành chào tạm biệt sớm. Trên đường trở về, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thú vị về Đại tướng và phu nhân từ các CCB.
Khoảnh khắc bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân. Ảnh: TRẦN HỒNG |
Cuối năm 1946, đám cưới của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà được tổ chức rất giản dị. Suốt hai phần ba thế kỷ làm bạn đời, bên cạnh người Anh Cả của Quân đội ta, bà Đặng Bích Hà lặng thầm làm hậu phương vững chắc cùng ông đi suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ cho đến khi ông về với thế giới người hiền.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn, kể: "Sinh ra trong gia đình danh giá, bản thân cũng là Phó giáo sư Sử học, lại là vợ của một vị tướng lừng danh nhưng chị Hà cả đời không màng lợi danh. Chị là người phụ nữ trí thức vô cùng chân thành và giản dị”. Ông Tài nhớ, hồi ở chiến khu, có một lần được lệnh đến gặp Tổng tư lệnh báo cáo gấp tình huống mới phát sinh. Khi đến nơi, ông thấy bên bếp lửa nhà sàn, bà Bích Hà đang đọc sách “Bàn về chiến tranh” (Di cảo của Clausewitz-nhà lý luận quân sự người Đức, bản dịch tiếng Pháp) cho Đại tướng nghe. Đại tướng nói với vợ: “Chị Hà hôm nay đọc hơi nhanh rồi!”.
Theo các CCB, bà Đặng Bích Hà là một người phụ nữ cư xử rất khéo léo và đúng mực. Với người con riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái là Võ Hồng Anh, bà cũng chăm sóc rất chu đáo. Những người cận vệ của Đại tướng từ hồi ở Chiến khu Việt Bắc đến bây giờ vẫn truyền tai nhau câu chuyện ngày Đại tướng cùng mẹ đẻ và con gái Võ Hồng Anh đoàn tụ sau nhiều năm xa cách. Năm ấy, ông và phu nhân Bích Hà mới cưới được một thời gian. “Được gặp lại ba sau thời gian dài xa cách, vậy mà Hồng Anh nhất định không nói một lời nào kể cả khi Đại tướng kéo cô ra chỗ vắng và liên tục hỏi: "Có nhớ ba không?”, cô vẫn im lặng. Sau đó bà Bích Hà đã đến bên, nhẹ nhàng nói: “Chị Hà cũng nhớ Hồng Anh” rồi im lặng ngồi hàng giờ bên cô. Đêm đầu tiên ấy, Hồng Anh đã ngủ yên bình trong vòng tay của bà Bích Hà”-Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên bí thư quân sự của Đại tướng (1948-1951) kể.
Tình cảm yêu quý Hồng Anh của bà Hà cũng rất tự nhiên chứ không gượng ép. Là người cá tính nên từ bé Hồng Anh thường cư xử theo cảm tính, nhưng cả Đại tướng và phu nhân không bao giờ nóng nảy với cô. Sau này, bà Hà đối xử với Hồng Anh công bằng như với 4 người con do chính bà sinh ra. Gác lại mọi công danh, sự nghiệp, bà Hà thay chồng chăm sóc các con và luôn sánh bước cùng Đại tướng trong những chuyến công tác và cả cuộc sống thường nhật. Ngược lại, dù công việc vô cùng bận rộn, Đại tướng vẫn là người luôn định hướng, nhắc nhở các con khi cần thiết. Ông Nguyễn Tiến Đỗ, một trong số những người lính cận vệ từng phục vụ Đại tướng (hiện trú tại Quế Võ, Bắc Ninh), cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy Đại tướng lớn tiếng với vợ con. Mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, ông thường rất nhỏ nhẹ nhắc nhở. Bữa cơm của ông bà chẳng mấy khi có sơn hào hải vị mà thường là những món ăn đạm bạc tự tay phu nhân chế biến. Tôi nhớ mãi một hôm đi công tác về muộn, Đại tướng cho phép tôi ở lại dùng bữa tối. Trong bữa cơm, hai người không nói quá nhiều nhưng tôi lại thấy một sự ăn ý đến kỳ lạ”.
Tiếp lời đồng đội, Đại tá Nguyễn Bội Giong cười, nhớ lại: “Anh Văn và chị Hà có cách quan tâm đến cấp dưới rất riêng. Biết cánh thư ký đều còn trẻ, chưa lập gia đình nên hầu như năm nào chúng tôi cũng được mời sang ăn Tết cùng gia đình Đại tướng. Thường khoảng chiều 28 Tết, chị Hà trực tiếp cùng vài người trong nhà tổ chức gói bánh chưng. Sáng Mồng Một Tết, anh em cơ quan và bạn bè thân cận đến nhà chúc Tết, trên tay người thì hộp bánh, hộp mứt, gói ô mai... Giữa phòng khách nhà Đại tướng đã đặt sẵn chiếc bàn to, ai mang gì tới thì để lên đó và mọi người cùng thưởng thức. Chúng tôi hồi ấy vẫn nói vui với nhau là “góp Tết!”.
Đại tướng và phu nhân cứ bình dị bên nhau như thế, không kiểu cách, phô trương. Những việc có thể làm được, họ đều chủ động không phiền đến cấp dưới. Căn nhà số 30 Hoàng Diệu luôn giữ một không khí đầm ấm, thân thiện. Cho đến năm 2009, khi sức khỏe ngày càng yếu, Đại tướng phải ở trong bệnh viện. Tuần nào bà Bích Hà cũng vào thăm chồng, cùng ông chuyện trò. Khi nào mệt, bà không vào được, ông lại hỏi các con và dặn: "Bảo chị Hà giữ gìn sức khỏe!”.
BÍCH TRANG