Vấn đề này được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đặt ra trong cuộc giao ban báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024, diễn ra sáng 20/2, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức.
Qua báo cáo về báo Xuân 2024, Phó Thủ tướng cho biết báo chí đã dùng nhiều từ mạnh mẽ để nói về thành tựu đất nước. Việc này, theo ông, có tác động tích cực, giúp động viên mọi người thêm năng lượng để vượt qua khó khăn.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, Phó Thủ tướng cho rằng không quá khi nói Việt Nam là "công xưởng của thế giới. Ông phân tích, với kết quả kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP, Việt Nam là nguồn sản xuất hàng tiêu dùng cho thế giới. Vì vậy, khi nhu cầu thế giới suy giảm, sản xuất trong nước chắc chắn bị suy giảm theo.
Trong khi đó, Ngân sách Nhà nước can thiệp, hỗ trợ cho khó khăn của người dân, doanh nghiệp còn rất hạn chế. Từ những khó khăn này, Phó Thủ tướng cho rằng sẽ có ảnh hưởng đến báo chí. "Về lý thuyết khi khó khăn sẽ sinh ra bất ổn nên trách nhiệm, nhiệm vụ của báo chí càng nặng nề hơn", theo lời Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Ông nhận định kinh phí của Nhà nước cấp cho báo chí "chưa bao giờ đủ", quảng cáo lại sụt giảm chưa từng có, trong khi đây là khoản tiền rất quan trọng.
Không chỉ có vậy, Phó Thủ tướng chỉ ra yêu cầu đặt ra với báo chí ngày càng cao, sự cạnh tranh giữa báo chí với các nền tảng mạng xã hội rất lớn, thậm chí có sự cạnh tranh giữa chính các cơ quan báo chí.
Chia sẻ với những khó khăn này của báo chí, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí đối mặt trực tiếp vì không thể né tránh. Thay vào đó, ông yêu cầu báo chí có cách làm mới, suy nghĩ mới để có sản phẩm mới hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn.
Dẫn thực tế Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long dù là đài cấp tỉnh nhưng có doanh thu năm 2023 hơn 1.400 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đã thu từ YouTube 4 triệu USD, tương đương 100 tỷ đồng.
Từ thực tế này, ông Quang nhấn mạnh muốn thu được tiền từ Youtube phải dựa trên số lượng người xem và độ hấp dẫn của chương trình. Vì thế, đây là điều mà các cơ quan báo chí cần suy nghĩ để học hỏi.
Tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng ghi nhận trong thành tựu chung của đất nước năm qua, có sự đóng góp tích cực của những người làm báo.
Ông nêu thống kê trong dịp Tết, các báo, tạp chí điện tử đã có 11.768 tin, bài thông tin phản ánh về tình hình Tết Nguyên đán (tăng 45,2% so với năm 2023) và không có thông tin xấu độc gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên mạng xã hội.
Nhấn mạnh năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí cần tập trung tuyên truyền thật tốt việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai tích cực, sáng tạo việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết sách... của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Theo ông Nghĩa, báo chí cần bám sát hơi thở cuộc sống, từ thực tiễn cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân ái trong xã hội.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần nhiều hơn những nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh để mỗi cơ quan báo chí đều là "cơ quan báo chí tử tế".