Người dẫn chương trình ảo được tạo ra bởi phần mềm máy tính, có tên gọi J-na, sở hữu gương mặt xinh xắn và giọng nói truyền cảm.
J-na sẽ đảm nhận dẫn các chương trình của đài truyền hình Jeju được phát sóng trên kênh Youtube và trang web chính thức của chính quyền tỉnh này.
J-na, tên của người dẫn chương trình AI, được ghép từ chữ đầu của "Jeju" (tên tỉnh), "News" (tin tức) và "AI" (trí tuệ nhân tạo).
Giọng đọc của J-na được phát triển bởi AI, giúp chất giọng trở nên tự nhiên và giống người nhất có thể.
J-na dẫn chương trình tin tức của đài truyền hình Jeju (Ảnh chụp màn hình).
Các kịch bản của chương trình do J-na dẫn cũng sẽ được soạn thảo và biên tập bởi AI, bao gồm các chương trình về thời sự, chính sách và tin tức địa phương. Các biên tập viên của đài truyền hình Jeju sẽ chỉnh sửa và biên tập lại kịch bản trước khi phát sóng.
Chính quyền Jeju cho biết J-na được phát triển và quản lý bởi một công ty tư nhân Hàn Quốc. Chính quyền tỉnh sẽ chi ra số tiền 600.000 won (khoảng 11,2 triệu đồng) để trả cho công ty phát triển J-na, như một khoản tiền lương để thuê cô gái ảo này làm dẫn chương trình.
Đại diện chính quyền tỉnh Jeju cho biết họ đã tìm kiếm những người dẫn chương trình thật, nhưng không tìm ra ứng viên phù hợp và đặc biệt tiền lương quá cao, khiến chính quyền quyết định chuyển hướng sang thuê người dẫn chương trình ảo AI.
"Việc thuê người dẫn chương trình thật khá tốn kém vì tiền lương cao, do vậy chúng tôi tìm kiếm giải pháp thay thế và quyết định lựa chọn J-na", một quan chức tỉnh Jeju chia sẻ.
J-na đã chính thức lên sóng đầu tiên trong chương trình "Weekly Jeju" (Điểm tin hàng tuần Jeju) vào ngày 8/3 vừa qua được phát trên kênh Youtube và trang web chính thức của tỉnh Jeju.
Trong lần đầu lên sóng, J-na "diện" một chiếc váy màu xanh, đọc tin tức với giọng tự nhiên và thỉnh thoảng chuyển động người để tạo cảm giác giống người thật.
Biểu cảm và giọng nói của J-na khi dẫn chương trình (Video: Instagram).
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc sử dụng người dẫn chương trình AI được tạo ra bởi phần mềm.
Vào tháng 11/2020, đài truyền hình MBN đã giới thiệu một người dẫn chương trình AI, được thiết kế mô phỏng theo nữ MC nổi tiếng Kim Joo-ha. Người dẫn chương trình AI này đã tham gia dẫn các chương trình thời sự phát sóng hàng ngày trên MBN.
Vào tháng 9/2023, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, kênh truyền hình tin tức YTN của Hàn Quốc cũng đã giới thiệu 2 người dẫn chương trình AI có tên Y-Go và Y-On, đại diện cho nam và nữ.
Được biết, 2 người dẫn chương trình AI này có gương mặt được tạo ra nhờ sự kết hợp khuôn mặt các nhân viên của YTN.
Việc sử dụng người dẫn chương trình AI đã trở thành một trào lưu tại châu Á trong những năm gần đây.
Đài truyền hình tại nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Kuwait… cũng đã giới thiệu những người dẫn chương trình AI của riêng mình để thay thế cho người thật.
Việc sử dụng người dẫn chương trình ảo đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận lẫn các chuyên gia về truyền thông.
Ưu điểm không thể chối cãi của người dẫn chương trình ảo đó là có thể làm việc liên tục mà không cần nghỉ ngơi, giúp nâng cao hiệu quả làm việc và giảm chi phí sản xuất chương trình truyền hình.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng người dẫn chương trình ảo với giọng đọc bằng máy sẽ làm mất đi sự hấp dẫn và lôi cuốn của các chương trình truyền hình, người xem sẽ cảm thấy nhàm chán khi không còn nhìn thấy được những biểu cảm thực sự của con người trước những tin tức chấn động hoặc gây sốc.
Theo Dân Trí