Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trao đổi với Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew tại họp báo quốc tế về Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 ngày 1/4. (Ảnh: Anh Sơn) |
Đại sứ đánh giá như thế nào về việc cần có một diễn đàn như Diễn đàn tương lai ASEAN để các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia thảo luận tương lai của Hiệp hội?
Tôi rất vui mừng vì Diễn đàn Tương lai ASEAN sắp được tổ chức và chúng tôi - Vương quốc Anh có thể hỗ trợ Diễn đàn này. ASEAN đang hướng tới tương lai của mình sau năm 2025 và trong nội bộ ASEAN có nhiều cuộc thảo luận đang diễn ra về phương hướng cho Hiệp hội và các quốc gia thành viên, làm sao để đặt ra định hướng tương lai tốt hơn cho những thập kỷ tới.
Diễn đàn Tương lai ASEAN sẽ đóng góp quan trọng vào các cuộc thảo luận xung quanh hướng đi mà ASEAN nên triển khai cũng như cách thức vận hành trong tương lai.
Tôi rất vui khi nhận thấy Học viện Ngoại giao Việt Nam cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam tích cực tham gia vào các vấn đề này và Vương quốc Anh thực sự vui mừng được hỗ trợ, tham gia vào các cuộc thảo luận đó.
Năm nay là thời điểm rất quan trọng trong cột mốc tầm nhìn 2025 của ASEAN, đặc biệt hướng tới vai trò Chủ tịch ASEAN của Malaysia vào năm tới, thời điểm mà các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thống nhất định hướng tương lai của Hiệp hội.
Hiện nay, Vương quốc Anh là Đối tác đối thoại trẻ nhất của ASEAN, Đại sứ kỳ vọng thế nào về tương lai cũng như vai trò trung tâm của ASEAN?
Một trong những lý do Vương quốc Anh và ASEAN là Đối tác đối thoại của nhau là vì Vương quốc Anh quyết định ưu tiên mối quan hệ với ASEAN trong những năm gần đây, khi chúng tôi ngày càng tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Vì vậy, mối quan hệ với ASEAN là một lựa chọn chiến lược của Vương quốc Anh.
Là Đối tác đối thoại trẻ nhất của Hiệp hội, chúng tôi tham gia rất tích cực vì tư cách đối tác không chỉ đơn thuần là trở thành đối tác mà còn là tầm nhìn mà chúng ta chia sẻ.
Kỳ vọng của chúng tôi là ASEAN tiếp tục giữ vai trò trung tâm ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, góp phần xác định phương hướng của khu vực, đóng góp vào hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Vương quốc Anh không chỉ hỗ trợ Diễn đàn này mà chúng tôi còn có kế hoạch hành động trong 5 năm tới. Trên thực tế, chúng tôi đã hoàn thành 80%-82% các hành động được thống nhất với ASEAN trong khuôn khổ quan hệ Đối tác đối thoại.
Một phần thực sự quan trọng trong hợp tác với ASEAN là 5 chương trình mà Vương quốc Anh đã nhất trí để hỗ trợ các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế, chuyển đổi xanh, y tế, giáo dục, phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Đại sứ Anh Vương quốc Anh Iain Frew trả lời phỏng vấn TG&VN. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Trong môi trường toàn cầu nhiều thách thức như hiện nay, theo Đại sứ, mô hình phát triển của ASEAN có ý nghĩa như thế nào đối với nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới?
Các trụ cột phát triển là những đóng góp của ASEAN cho khu vực và tôi cho rằng mô hình đó đã góp phần mang lại hòa bình, ổn định.
Các khuôn khổ trong ASEAN, bao gồm Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) cũng là những diễn đàn quan trọng để các đối tác, trong đó có Vương quốc Anh được đóng góp trong tương lai.
Tại Việt Nam, chúng ta có thể thấy được những lợi ích mà các trụ cột cộng đồng trong ASEAN và mô hình phát triển của khu vực mang lại. ASEAN đã hỗ trợ và góp phần tạo ra dấu ấn tăng trưởng và phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam, đồng thời góp phần vào sự ổn định và an ninh trong khu vực, là nền tảng cho sự tăng trưởng đó.
Đại sứ đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong ASEAN và vai trò của ASEAN trong thúc đẩy quan hệ của ASEAN với đối tác?
Chúng tôi thấy rằng Việt Nam đang đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề then chốt mà ASEAN đang phải đối mặt, cả về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề rộng hơn xung quanh hòa bình và an ninh khu vực.
Với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam thể hiện trách nhiệm trong việc tìm lời giải cho những câu hỏi đó, cho dù xoay quanh các vấn đề như an ninh hàng hải, Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hay giải quyết vấn đề Myanmar.
Đó là những lĩnh vực mà Việt Nam đang đóng vai trò tích cực. Chúng tôi đánh giá cao điều đó cũng như mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong tương lai, theo cách mà Việt Nam cùng với các đối tác ASEAN giải quyết những thách thức này.
Về vấn đề Biển Đông, Đại sứ đánh giá như thế nào về những nỗ lực của ASEAN cũng như triển vọng về COC thời gian tới?
Nhiệm vụ của các nước ASEAN là xác định tốc độ và đích đến của các cuộc đàm phán COC. Điều quan trọng là bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào được thống nhất đều phải tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Đây cũng là quan điểm rõ ràng của Việt Nam, góp phần vào hòa bình, ổn định và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.
Các nguyên tắc tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở đàm phán là rất quan trọng đối với chúng ta, đồng thời là cơ sở để cùng nhau tiến về phía trước.
Đại sứ nhận định thế nào về những nỗ lực cân bằng chiến lược của ASEAN trong khu vực?
Tôi cho rằng, ASEAN có thông điệp và chiến lược rõ ràng. Vai trò trung tâm của ASEAN có nghĩa là trước mỗi vấn đề của khu vực, ASEAN đưa ra lập trường và tiếng nói trước tiên. Nguyên tắc này rất quan trọng và Vương quốc Anh rất ủng hộ. Nguyên tắc này giúp ASEAN tiếp cận chính sách với các đối tác bên ngoài theo cách riêng của mình.
Cách tiếp cận chính sách của ASEAN cũng cho phép Hiệp hội có không gian để đưa ra quyết định trong việc giải quyết các vấn đề phát triển, hòa bình và an ninh, giúp ASEAN giải quyết mọi căng thẳng địa chính trị một cách hiệu quả.
ASEAN ủng hộ các lập trường chính sách đó của ASEAN. Vương quốc Anh cam kết hợp tác với ASEAN về an ninh hàng hải, nỗ lực phục hồi kinh tế, bảo đảm chuỗi cung ứng... Điều quan trọng là tất cả chúng ta đều nỗ lực giải quyết vấn đề trên tinh thần hợp tác và không bị gián đoạn bởi những bất ổn địa chính trị.
Là một tổ chức khu vực, ASEAN có dân số gần 700 triệu người với nền kinh tế phát triển thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Điều đó tạo ra một "sức nặng" địa chính trị và địa kinh tế, có nghĩa là tiếng nói của ASEAN rất quan trọng, trong các diễn đàn quốc tế về các thỏa thuận an ninh hay kinh tế trong tương lai.
ASEAN có quan điểm riêng về tương lai của mình, nhưng đó cũng là một phần quan trọng của thế giới, quan trọng với tất cả chúng ta. Chúng tôi muốn tăng cường sự gắn kết với ASEAN để có thể cùng nhau giải quyết tất cả những vấn đề đặt ra.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!