Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ở Labuan Bajo, Indonesia, tháng 5/2023. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trung tâm của những thay đổi chiến lược
Diễn đàn Tương lai ASEAN được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố trong Hội nghị cấp cao ASEAN tại Jakarta, tháng 9/2023. Diễn đàn nhằm trao đổi thêm các ý tưởng và sáng kiến hợp tác để góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững và lấy con người làm trung tâm của ASEAN.
Tôi cho rằng, sáng kiến này rất kịp thời vì thế giới ngày càng phức tạp hơn và những thách thức ngày nay khá khác so với 10 năm trước.
Sự cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn cùng với đó là những dự báo tăng trưởng kinh tế không chắc chắn. Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine, tình hình Trung Đông gây ra những mối lo ngại lớn về nhân đạo và vấn đề di cư. Biến đổi khí hậu, tác động của đại dịch Covid-19 cũng tạo ra sự gián đoạn đối với an ninh lương thực toàn cầu và các hậu quả kinh tế xã hội khác.
Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi. (Ảnh: PA) |
Mặt khác, chúng ta đang trải qua sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cao, kỹ thuật số, AI, đòi hỏi sự hợp tác đa chiều nhiều hơn nữa.
Ở Đông Nam Á, chúng ta đang giải quyết vấn đề Myanmar, Biển Đông, nhận diện các động lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các thành viên ASEAN sống ở trung tâm của những đổi thay này. Đó là lý do tại sao khả năng quản lý xung đột và căng thẳng của ASEAN là quan trọng và cần thiết, cả trong khu vực cũng như góp phần vào hòa bình và phát triển toàn cầu.
Tùy từng hoàn cảnh, ASEAN phải điều chỉnh chiến lược để phát triển khả năng phục hồi và thích ứng với những thách thức đang gia tăng. Đây chính là ý nghĩa của Diễn đàn Tương lai ASEAN.
Đối với Indonesia, sự kiện này rất phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia: "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng".
Chúng tôi mong muốn ASEAN luôn là một tổ chức phù hợp, giữ được sự thống nhất và vai trò trung tâm của mình trong bối cảnh nhiều đổi thay của khu vực và toàn cầu, cả ở hiện tại và tương lai. Vì vậy, Indonesia ủng hộ sáng kiến của Việt Nam và trông đợi việc tham gia Diễn đàn.
Tăng cường sức mạnh tổng hợp trước thách thức
Kể từ khi thành lập năm 1967, ASEAN vẫn luôn nỗ lực để thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực cũng như thúc đẩy phát triển bền vững và thịnh vượng.
Về an ninh, năm 1976, ASEAN đã ký kết Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC), nhấn mạnh vào việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình giữa các nước thành viên. Năm 1995 tại Hội nghị cấp cao Bangkok, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí về Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), góp phần vào hòa bình và ổn định toàn cầu.
Sau đó vào năm 2003, ASEAN thông qua Tuyên bố hòa hợp Bali II nhất trí xây dựng ba trụ cột cộng đồng: chính trị và an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Năm 2011, ASEAN thông qua Tuyên bố Bali III, nhấn mạnh các cam kết của ASEAN trong việc tích cực tham gia và đóng góp vào nhiều vấn đề toàn cầu.
Năm 2020, Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 đã góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của ASEAN trong cấu trúc đối thoại và hợp tác khu vực.
Về kinh tế, bất chấp những thách thức toàn cầu, dự báo tăng trưởng cho ASEAN 2024 vẫn tích cực ở mức 4,7%. Các thành viên ASEAN vẫn đẩy mạnh phát triển thương mại, sản xuất, du lịch và công nghiệp. Vào năm 2030, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN thậm chí còn được ước tính trị giá 1 nghìn tỷ USD. ASEAN được coi là thành công trong việc đạt được tiến bộ về con người và phát triển, giúp hàng triệu người thoát nghèo và cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và y tế.
Nhưng rõ ràng ASEAN vẫn có những thách thức cần giải quyết, bao gồm tình hình và sự ổn định địa chính trị ở Myanmar. ASEAN vẫn nhất quán quan tâm và tích cực trong vấn đề Myanmar, tìm kiếm giải pháp hòa bình, lâu dài.
ASEAN vẫn là một Cộng đồng đoàn kết và vững mạnh. Những thách thức mới nổi khác bao gồm: Dân số già, khả năng kết nối, phát triển chất lượng con người, khủng hoảng liên quan đến khí hậu và các tình huống khẩn cấp về sức khỏe.
Nhìn nhận những tiềm năng, thách thức và xu hướng sắp tới, tầm nhìn sau năm 2025 của ASEAN sẽ rất quan trọng để định hướng con đường phía trước của Hiệp hội. Hiện nay, ASEAN đang xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng đến năm 2045 để định hướng quỹ đạo tương lai của mình.
Kế hoạch chiến lược Tầm nhìn ASEAN đến năm 2045 lấy ý kiến đóng góp của tất cả các quốc gia thành viên và tất cả các trụ cột trong cộng đồng, để có được những cái nhìn sâu sắc liên ngành, đồng bộ với lợi ích của các quốc gia thành viên.
ASEAN đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác đối thoại, bao gồm các quốc gia, tổ chức và thể chế quốc tế. ASEAN cũng tích cực tham gia với các bên liên quan, bao gồm các học giả, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và thanh niên. ASEAN luôn chủ động đổi mới và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề. Trong năm ASEAN 2024 do Lào làm Chủ tịch, mọi nỗ lực đang được thúc đẩy nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp và hợp tác xuyên trụ cột của ASEAN.
Cần có cách tiếp cận toàn diện
Chúng ta đang sống trong một thế giới đan xen lợi ích, với sự kết nối ngày càng tăng về kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội. Hiện tại, khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức đa chiều, bao gồm căng thẳng địa chính trị và địa kinh tế, khủng hoảng khí hậu và thay đổi nhân khẩu học. Chúng ta cũng vẫn đang phục hồi sau những tác động tàn khốc của đại dịch đối với xã hội và nền kinh tế.
Nhìn ở một góc độ khác, những thách thức đó đã mang lại những bài học quý giá và mang đến cho chúng ta cơ hội trong các lĩnh vực như phát triển bền vững, sống xanh, ngành y tế, công nghiệp kỹ thuật số và công nghệ cao.
Một ví dụ có thể kể đến là cơ hội để phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), lực lượng rất quan trọng để vực dậy tăng trưởng kinh tế-xã hội cho người dân ASEAN. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một phần quan trọng của nền kinh tế ASEAN, đóng góp 85% việc làm, 44,8% GDP và 18% xuất khẩu quốc gia.
Cộng đồng ASEAN ra đời với mục tiêu để ASEAN lớn mạnh, phát triển hơn nữa, để cuộc sống mỗi người dân ASEAN ngày một tốt đẹp hơn. (Nguồn: Getty) |
Ở Indonesia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch. Khả năng phục hồi và nhanh nhạy thích ứng với hệ sinh thái kỹ thuật số của các doanh nghiệp này đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế đất nước, lên tới 61% GDP quốc gia. Cách tiếp cận tương tự cũng được triển khai ở Việt Nam. Khảo sát của Meta năm 2022 cho thấy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vượt qua khó khăn và cải thiện doanh thu thông qua việc sử dụng nền tảng trực tuyến.
Để phát triển trong tương lai, ASEAN đang có cách tiếp cận toàn diện, phối hợp cả ba trụ cột cộng đồng để cùng thảo luận, xây dựng năng lực chống chịu và tìm ra giải pháp chung. Thêm nữa, ASEAN cũng đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác phát triển để hỗ trợ phát triển bền vững và thông minh trong tương lai. Diễn đàn Tương lai ASEAN do Việt Nam tổ chức sẽ góp phần vào quá trình này, với kênh ngoại giao 1.5, quy tụ tất cả các bên liên quan một cách toàn diện.
Giá trị và bản sắc không thể đánh mất
Các nước ASEAN sống trong khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào với các nền văn hóa đa dạng, có nhiều người trẻ song một số nước thành viên lại có dân số già. Với những thách thức địa chính trị và địa kinh tế, chúng ta phải lường trước những đổi thay thông qua phản ứng nhanh nhẹn, đồng thời duy trì các giá trị của mình.
Thứ nhất là yếu tố nhất quán và tin cậy, nghĩa là thực hiện Hiến chương ASEAN, tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như ứng phó với các thách thức trong tương lai. ASEAN phải tiếp tục phát huy các giá trị và bản sắc của mình.
Thứ hai là yếu tố toàn diện, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Đây là chìa khóa để nuôi dưỡng niềm tin và đảm bảo việc thực hiện các quyết định của ASEAN.
Thứ ba là quan hệ đối tác và hợp tác, thông qua đối thoại và phối hợp.
ASEAN phải gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng ASEAN sẽ không bao giờ trở thành nhân tố trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc trên toàn cầu, mà thay vào đó, vẫn giữ vai trò dẫn dắt các động lực khu vực.
Thông qua việc thực hiện các nguyên tắc này, chúng ta có thể duy trì sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, giữ cho ASEAN đi đúng hướng như một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Các đại biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 77 Ngày Độc lập của Indonesia do Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội tổ chức ngày 19/8/2022. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã rất tích cực, tham gia nhiều cuộc thảo luận và đăng cai tổ chức các sự kiện. Sự tăng trưởng về kinh tế và dân số của Việt Nam đã khẳng định tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đã có những bước tiến dài phù hợp với tầm nhìn của ASEAN. Sự tăng trưởng ấn tượng về kinh tế và thương mại của Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự phát triển của Đông Nam Á. Nền tảng mạnh mẽ cũng giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam đang hội nhập đa phương mạnh mẽ hơn, thông qua việc tham gia tích cực vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, trao quyền cho phụ nữ, hòa bình và an ninh, thương mại và công nghệ cao.
Điều đáng chú ý là Việt Nam đã triển khai các sĩ quan tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Abyei cùng nhiều nơi khác. Việt Nam cũng là đối tác của Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và xanh. Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác công nghệ cao và bán dẫn.
Tôi muốn nhấn mạnh hai yếu tố. Một là, chính sách đối ngoại “độc lập và tự chủ” là nền tảng trong hội nhập toàn cầu sâu rộng của Việt Nam. Chính sách này cũng không hài hòa với các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN, bao gồm: tôn trọng độc lập, chủ quyền; phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc tăng cường hòa bình, an ninh và thịnh vượng; tôn trọng các nền văn hóa khác nhau trên tinh thần thống nhất trong đa dạng.
Hai là, sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ thành công trong việc phục hồi kinh tế, hiện đại hóa ngành công nghiệp và xây dựng quan hệ đối tác. Với cách tiếp cận này, Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy để phát triển và là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu và thích ứng với các xu thế.