Trong 3 ngày từ 11-13/8 (nhằm ngày 8-10 tháng 7 Âm lịch), lễ hội Điện Huệ Nam năm 2024 tháng 7 Âm lịch được diễn ra tại 352 đường Chi Lăng, Điện Huệ Nam và Đình làng Hải Cát (xã Hương Thọ, TP Huế).
Vào ngày 11/8, Ban Bảo trợ Điện Huệ Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức Đoàn cung nghinh bằng đường sông từ 352 đường Chi Lăng đến Điện Huệ Nam.
Đặc sắc lễ hội Điện Huệ Nam (Điện Hòn Chén).
Đoàn cung nghinh bằng thuyền trên sông Hương với sự tham gia của hàng chục chiếc thuyền Rồng được đóng thành Bằng (thuyền đôi) và Châu án (thuyền đơn) bên trong đặt long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các vật thờ cúng như tán, cờ, quạt...
Nhiều người dân, khách hành hương tham dự lễ hội.
Lễ Chánh tế, cầu nguyện Quốc thái dân an và các hoạt động lễ hội tại Đình làng Hải Cát được tổ chức trong ngày 12/8. Lễ Hoàn tạ, bế mạc được tổ chức trong ngày 13/8.
Đoàn cung nghinh bằng thuyền di chuyển trên sông Hương.
Đoàn đi qua cầu vượt sông Hương đang được xây dựng.
Đoàn cung nghinh đi qua chùa Thiên Mụ nổi tiếng.
Những sắc màu rực rỡ của lễ phục, nghi ngút của trầm hương, rộn ràng của âm nhạc và những hân hoan của tín đồ Thiên Tiên Thánh Giáo tại Lễ hội Điện Huệ Nam đã mang lại trải nghiệm khó quên cho du khách khi đến Huế vào tháng 8 này.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, lễ hội Điện Huệ Nam là sinh hoạt truyền thống mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y A Na được cử hành vào tháng Ba và tháng Bảy hàng năm.
Lễ hội luôn mang đầy màu sắc và tính sôi động, thu hút hàng vạn tín đồ trong nước của tín ngưỡng Thờ Mẫu về tham dự. Đây cũng được xem là một Festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô Huế.
Lễ hội này còn tái hiện, xây dựng lễ hội dân gian độc đáo, quy mô lớn, phô diễn nét độc đáo của những trang phục cổ xưa đầy màu sắc, kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của Tín ngưỡng Thờ Mẫu - tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tôn thờ các nữ thần và đề cao vai trò của người phụ nữ.
Theo Ban tổ chức, lễ hội còn nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản gắn với di tích; đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ - di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận.