Dạ Thảo Phương: 'Tôi không chấp nhận sự thật nửa vời'

18/04/2022 17:30

Bà Phương khẳng định mục đích của bà không phải là tấn công đời sống cá nhân, cũng không gây phiền phức, khó xử mà là để sự thật được trả đúng tên.

Liên quan đến vụ nhà thơ Dạ Thảo Phương gửi đơn Hội Nhà văn Việt Nam tố cáo Phó Tổng Biên tập (PTBT) báo Văn Nghệ cưỡng hiếp, mới đây, chia sẻ với Infonet, bà Phương cho biết bà vẫn còn quốc tịch Việt Nam và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc này một cách công khai, công bằng trong phạm vi pháp luật cho phép.

Bà Phương khẳng định mục đích của bà nhất quyết không phải là tấn công một chức vụ hay một đời sống cá nhân, cũng không phải là gây phiền phức, khó xử cho bất cứ một tập thể, tổ chức nào mà là để sự thật được trả lại đúng tên.

1234.png

Nhà thơ Dạ Thảo Phương (trái) và ông Lương Ngọc An (phải) 

"Kẻ phạm lỗi phải công khai nhận chính xác trách nhiệm của mình. Đó là biểu hiện đầu tiên và tối thiểu cho thấy sự chuyển hoá trong nhận thức, hiểu được việc mình đã làm là sai ác, là không thể được chấp nhận, từ đó sẽ tự kiểm soát bản thân, không tiếp tục săn lùng các nạn nhân khác khi có cơ hội.

Chẳng gì có thể lấy lại được những mất mát, tổn thương, oan khuất mà tôi và người thân đã phải âm thầm chịu đựng hơn 20 năm nay. Tôi không đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối, nhưng tôi không đồng ý với sự thật nửa vời, và tôi tin tất cả những người tôn trọng sự thật cũng sẽ nhận thức như tôi.

Muốn ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình dục, trước hết ta phải gọi đúng tên của nó chứ không như nhiều vụ việc lâu nay, bị tráo đổi thành 'xô xát', 'gây mất trật tự, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan', 'sinh hoạt cá nhân không lành mạnh'… hay 'nựng'.

Mọi tội lỗi đều có thể tha thứ. Tôi cũng rất muốn được buông bỏ quá khứ thống khổ, kết thúc hành trình tìm công lý cho mình ở đây. Nhưng chừng nào kẻ phạm lỗi chưa nhận chính xác tội lỗi của mình, sự tha thứ sẽ đồng nghĩa với dung túng cho cái ác, để nó lẩn lủi, tiếp tục gây hại cho xã hội", bà Phương chia sẻ.

Về quyết định điều chuyển cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam, bà Phương nói: "Nếu cách xử lý của lãnh đạo Báo Văn nghệ cách đây 22 năm có sự tôn trọng thân phận con người, có sự thấu đáo, công tâm, minh bạch thì đã không tồn tại sự oan khuất dẫn đến câu chuyện ngày hôm nay".

Cũng theo lời bà Phương được biết, cách đây mấy ngày, nhà văn Bùi Mai Hạnh đã can đảm kể lại việc chị từng bị Lương Ngọc An cưỡng hiếp không thành ở nhà riêng.

Qua đây, bà Phương hi vọng các nạn nhân bị xâm hại tình dục hãy dũng cảm cất lên tiếng nói, hãy tìm đến các chuyên gia để nhận được sự trợ giúp, hãy tin tưởng vào sự ủng hộ của công luận tiến bộ và sự bảo vệ của pháp luật.

Đồng thời, bà cũng mong muốn công luận có thái độ văn minh và kiên quyết với tệ nạn xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, ghi nhận của Vietnamnet, mới đây, ông Lương Ngọc An cũng lên tiếng cho biết ông làm đơn tố cáo lên công an vì thấy mình bị bà Dạ Thảo Phương vu khống.

1aqwe.png

Bản tường trình sự việc xảy ra cách đây 22 năm được chị Thanh Thuý (Dạ Thảo Phương) cung cấp

Trước đó, đêm 6/4, bà Dạ Thảo Phương đã gửi bức thư ngỏ đến Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập báo Văn nghệ tố cáo hành vi cưỡng hiếp bà của Lương Ngọc An cách đây 23 năm tại Báo Văn Nghệ.

Trong bức thư ngỏ, nhà thơ Dạ Thảo Phương viết: “Trưa ngày 14/4/2000, khi tôi ở một mình trong phòng biên tập Văn nghệ Trẻ, Lương Ngọc An đã xông vào cưỡng hiếp tôi.

Trong lúc chống cự hoảng loạn, tôi kêu cứu, nhiều đồng nghiệp đã chạy tới và bắt quả tang Lương Ngọc An đang nằm đè lên tôi, bóp cổ tôi, trong khi tôi đang giãy giụa chống cự, váy áo bị xô vò, ngón tay bị bật máu. Nhờ sự can thiệp của các đồng nghiệp, hành vi cưỡng hiếp của hắn chưa kịp thành công”.

Theo bà Thảo Phương, đây chỉ là lần bà may mắn thoát nạn bởi trước đó, ông Lương Ngọc An đã nhiều lần cưỡng hiếp bà như một nô lệ tình dục.

Chia sẻ trên Dân Việt, nhà thơ Dạ Thảo Phương cho biết: "Trước mắt, tôi đã gửi qua đường email đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay sau đó, anh Nguyễn Quang Thiều cũng đã gọi điện cho tôi chia sẻ với tư cách cá nhân".

Sự việc ngày 14/4/2000 có sự chứng kiến của một số cán bộ làm việc tại Báo Văn Nghệ thời điểm đó. Báo Dân Việt cũng cho biết ông Nguyễn Lê Tâm là người chứng kiến sự việc và có viết một bản tường trình gửi Ban chấp hành Hội Nhà văn.

Theo đơn tường trình đó thì nhà thơ Bế Kiến Quốc, họa sĩ Thành Chương, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, phóng viên Phong Điệp, phóng viên Nhật Hà cũng chứng kiến vụ việc.

Hiện tại, mọi thông tin liên quan đến vụ việc đang là tâm điểm chú ý của dư luận.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dạ Thảo Phương: 'Tôi không chấp nhận sự thật nửa vời'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO