Bệnh nhân là bà C.T.K (75 tuổi, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 lâu năm, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bướu giáp, cường giáp.
Trước khi chuyển đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị, bệnh nhân nhập cấp cứu cơ sở y tế địa phương trong tình trạng mệt, khó thở, ho khan.
Qua thăm khám, các bác sĩ của Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long chỉ định bệnh nhân chụp động mạch vành qua hệ thống máy chụp số hóa xóa nền DSA. Kết quả phát hiện 3 nhánh động mạch đều bị hẹp nặng nhiều nơi, mạch máu bị xơ vữa, chức năng co bóp kém, kèm theo nhiều bệnh nền mạn tính.
Đánh giá tình trạng bệnh nhân có nhiều nguy cơ, sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ, động mạch vành và không dùng máy tim phổi nhân tạo (tim bệnh nhân vẫn đập trong lúc mổ).
Sau khoảng 3 giờ, ca mổ bắc cầu đã thành công. Bệnh nhân được nằm hậu phẫu theo dõi 2 ngày trước khi chuyển về khoa Tim mạch để điều trị tiếp tục trong 5 ngày.
Hiện tình trạng bệnh nhân ổn định, không còn đau ngực, ăn uống, đi lại bình thường, được xuất viện và theo dõi tái khám ngoại trú.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Phước Hòa - Phó Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (trưởng ê kíp mổ) - cho biết, trường hợp của bệnh nhân là cả 3 nhánh động mạch vành bị tắc hẹp, khiến cơ tim bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Tim không được cung cấp đủ máu trong thời gian dài dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời bằng can thiệp thông tim hay phẫu thuật bắc cầu.
“Bệnh nhân lớn tuổi và bị hẹp mạch vành nặng, có nhiều nguy cơ bị biến chứng trong lúc mổ. Chính vì thế, việc quyết định không sử dụng máy tim phổi nhân tạo cho ca mổ bắc cầu mạch vành nhằm rút ngắn thời gian mổ, thời gian nằm hồi sức, giảm đáng kể các nguy cơ biến chứng như: thần kinh, viêm phổi, suy thận, suy tim, rối loạn đông máu sau mổ… giúp người bệnh hồi phục tốt hơn, giảm thiểu chi phí điều trị” - bác sĩ Hòa nói.