Sáng 13/7, tại phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”, HĐXX dành thời gian thẩm vấn bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Theo cáo buộc, từ năm 2016 đến tháng 7/2021, bà Nguyễn Thị Hương Lan là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự. Đến tháng 7/2021, bà Lan được bổ nhiệm làm Cục trưởng.
Bà Lan được giao quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay; trực tiếp báo cáo ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng duyệt, ký công văn gửi Tổ 4 Bộ/5 Bộ về việc đề xuất cho các doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.
Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, có 8 cá nhân đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được bà Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay.
Quá trình từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 32 lần của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp, tổng số hơn 25 tỷ đồng.
Trong số các doanh nghiệp đưa tiền hối lộ cho bà Hương Lan có bà Hoàng Diệu Mơ, Giám đốc Công ty An Bình. Khoảng tháng 5/2020, bà Mơ được ông Tô Anh Dũng giới thiệu đến gặp, đặt vấn đề và được bà Lan đồng ý giúp đỡ nhóm Công ty An Bình được cấp phép các chuyến bay.
Theo lời khai của bà Mơ, trong quá trình giải quyết cấp phép 66 chuyến bay, bà Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận 11 lần, tổng số hơn 13 tỷ đồng của bà Mơ. Giai đoạn điều tra, bà Lan khai chỉ nhận 1 lần 200 triệu đồng vào ngày 2/12/2021 tại phòng làm việc.
Tuy nhiên, căn cứ lời khai của ông Tô Anh Dũng, bà Mơ, lời khai của Công ty An Bình, dữ liệu điện tử, sao kê tài khoản và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án xác định, bà Hương đã 11 lần nhận hơn 13 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự trình bày: Quy trình tiếp nhận hồ sơ liên quan đến các chuyến bay combo được gửi đến Cục Lãnh sự, văn phòng đưa lên và ghi phân công cho Phòng bảo hộ công dân rồi gửi lên lãnh đạo Cục xem.
Khi đó, Phòng bảo hộ công dân sẽ tập hợp các yêu cầu của doanh nghiệp lập thành danh sách tổng hợp. Trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp do Tổ 5 Bộ đã thống nhất trước đó, Phòng bảo hộ công dân sẽ lựa chọn doanh nghiệp đủ tiêu chí, tạm gọi là danh sách đề xuất rồi đưa lên cho Phó cục trưởng phụ trách.
Lúc đó, bị cáo phân công cho ông Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) để xem và điều chỉnh rồi đưa lên cho bị cáo để báo cáo Thứ trưởng Tô Anh Dũng.
Theo bà Lan, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cấp phép chuyến bay, bao gồm địa bàn đông công dân bị mắc kẹt được ưu tiên, các địa phương phải có văn bản tiếp nhận, không dồn quá nhiều 1 thời điểm vào 1 địa phương, người đưa về phải là công dân Việt Nam có nhu cầu về nước đang kẹt ở nước ngoài, doanh nghiệp phải đảm bảo việc thực hiện trọn gói cho công dân.
Giai đoạn điều tra, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự không thừa nhận số tiền hối lộ như cáo trạng. Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Hương Lan thừa nhận việc cầm tiền hối lộ từ 8 doanh nghiệp gồm các công ty An Bình, ATA, Nhật Minh, MasterLife, Bluesky, đại diện Lữ Hành Việt, đại diện Thuận An với số tiền như cáo buộc.
Bà Hương Lan trình bày, việc nhận tiền này là nguyên nhân để các doanh nghiệp lợi dụng tăng giá chuyến bay, làm mất uy tín của Nhà nước. Bị cáo gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước và cho biết, gia đình bị cáo đã nộp 900 triệu đồng cho CQĐT để khắc phục hậu quả.