“Sáng hôm nay (23.11) người nhà đã đưa cháu lại xét nghiệm máu, tình trạng sức khỏe cháu đã ổn định bớt sưng và đau”, ông Khái cho hay.
Trước đó, vào khoảng 19h30 ngày 22.11, bé N.T.Đ (2 tuổi, ngụ xã Hàm Ninh) được người nhà phát hiện có dấu hiệu bị rắn cắn ở chân. Khoảng 20h30 Phòng Khám Đa Khoa S.O.S Phú Quốc đã tiếp nhận cháu trong tình trạng đau nhức và sưng nhiều ở vùng vết cắn. Các bác sĩ trực đã nhận dạng được vết thương do rắn lục đuôi đỏ cắn và tiến hành sơ cứu, tiêm huyết thanh, dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Theo dõi đến khoảng 23h thấy dấu hiệu ổn định nên bác sĩ cho về theo dõi tiếp.
Phòng khám cũng nhắc người nhà quay lại sớm nhất vào ngày hôm sau để xét nghiệm máu kiểm tra lại. Ông Khái cũng lưu ý các bậc phụ huynh khi trẻ nhỏ bị rắn cắn không thể diễn tả được màu sắc của rắn vẫn phải hết sức bình tĩnh đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất có huyết thanh.
“Đối với các trường hợp không thể diễn tả được loại rắn, côn trùng tấn công sẽ được chăm sóc bởi đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng đã có kinh nghiệm xử lý nhiều ca rắn cắn cũng như được đào tạo cập nhật hàng năm, hội ý từ xa với Trại rắn Đồng Tâm và Trung tâm Chống độc”, ông Khái cho biết thêm.Ông Khái cũng khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ nên cẩn trọng dọn dẹp bụi rậm, hoặc cắt tỉa cỏ, cây xung quanh nhà. Khi trẻ bị rắn cắn, cần bình tĩnh sơ cứu đúng cách, không làm trẻ hoảng sợ. Tuyệt đối không bóp, nặn hoặc bôi thuốc vào vết cắn và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.