Từ thế kỷ 16 đến 19, những tên cướp biển khét tiếng nhất thế giới đã "chiếm lĩnh" nhiều vùng biển và tích lũy được khối tài sản khổng lồ. Bên cạnh đó, các câu chuyện bí ẩn xoay quanh các vụ cướp biển cùng những kho báu chưa được khai quật càng khiến nhiều người tò mò. Dưới đây là những vụ cướp biển ly kỳ nhất trong lịch sử.
Bài 1: Những tên cướp biển khét tiếng nhất trong lịch sử thế giới
Bài 2: Giải mã bí ẩn về 'Vua cướp biển' biến mất cùng kho báu khổng lồ
Bài 3: Ba kho báu của cướp biển được săn lùng nhiều nhất
Chỉ riêng trong nửa đầu năm nay, Trung tâm báo cáo về cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế (IMB) đã nhận được 60 báo cáo về cướp biển và cướp có vũ trang, 85 thành viên thủy thủ đoàn đã bị bắt cóc.
Cướp biển ngày nay có điểm gì khác?
IMB định nghĩa, cướp biển ngày nay là hành vi lên tàu để trộm cắp hoặc phạm bất kỳ tội nào khác, với mục đích hoặc khả năng dùng vũ lực để thực hiện hành vi đó.
Mặt khác, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) định nghĩa cướp biển là hành vi tấn công xảy ra trên biển hoặc ở những khu vực nằm ngoài phạm vi quyền hạn của luật pháp bất kỳ quốc gia nào. Không giống như IMB, IMO nêu rõ nơi cuộc tấn công diễn ra để được coi là hành vi cướp biển.
Theo 9News, cướp biển trong thế kỷ 21, hay cướp biển hiện đại, thường tấn công tàu chở hàng bằng xuồng tốc độ cao. Chúng thường đánh cắp hàng hóa được vận chuyển trên tàu chở hàng hoặc cố gắng chiếm tàu và đòi tiền chuộc. Một số nhóm cũng bắt thủy thủ đoàn làm con tin để đòi tiền chuộc.
Do 80% lượng hàng hóa thương mại được vận tải bằng đường biển nên cướp biển hiện đại có nhiều mục tiêu và kiếm được bộn tiền từ các phi vụ. Năm 2020, IMO ước tính, cướp biển gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 25 tỷ USD/năm.
Năm 2024, các vụ cướp biển vẫn diễn ra dù có xu hướng giảm dần. Năm 2023, IMB cho biết, có 120 vụ cướp trên biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Con số này thấp hơn nhiều so với 298 vụ xảy ra trong năm 2013.
Cướp biển có còn tồn tại ở vùng Caribbean không?
Ngày nay, cướp biển vẫn hoành hành ở vùng biển Caribbean, mặc dù ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao của nạn cướp biển trong khu vực.
Cướp biển lần đầu tiên xuất hiện ở vùng Caribbean vào những năm 1500 và thời đại hoàng kim của những tên hải tặc là từ năm 1650 đến những năm 1730. Chúng thành lập các cảng biển cướp biển thịnh vượng như Port Royal ở Jamaica, Tortuga ở Haiti và Nassau ở Bahamas.
Vào những năm 1830, hải quân Tây Âu và Bắc Mỹ bắt đầu trấn áp nạn cướp biển vùng Caribbean, truy nã và truy tố những kẻ liên quan. Ngày nay, nạn cướp biển ở vùng Caribbean xảy ra phổ biến nhất là ở vùng biển ngoài khơi Venezuela, Trinidad, Guyana và Suriname, nơi người dân địa phương chuyển sang làm cướp biển do xung đột kinh tế hoặc để đáp trả các cuộc chiến giành địa bàn đánh cá.
Hiện nay, cướp biển hoạt động mạnh nhất ở đâu?
Trong thế kỷ 21, phần lớn các cuộc tấn công của cướp biển xảy ra ở châu Á - Thái Bình Dương hoặc xung quanh châu Phi.
Dữ liệu từ Tạp chí Nhân văn mở và Phòng Thương mại quốc tế cho thấy, từ năm 1993 đến năm 2024, gần 47% các cuộc tấn công của cướp biển diễn ra ở Đông Á và Thái Bình Dương, hơn 21% xảy ra ở châu Phi cận Sahara, tiếp theo là hơn 10% ở châu Mỹ Latinh và Caribbe, 8,5% ở Trung Đông và Bắc Phi.
Một số khu vực có tỷ lệ cướp biển cao là Vịnh Guinea, Vịnh Aden, Biển Ảrập, Eo biển Malacca, Biển Sulu và Biển Celebes, Ấn Độ Dương và Hồ Falcon.
Dù nạn cướp biển có vẻ giảm song cướp biển thời hiện đại vẫn gây ra mối đe dọa đối với những người đi biển vì tình trạng bạo lực dường như gia tăng.
Theo IMB, chỉ trong nửa năm đầu nay, có 85 thủy thủ bị bắt cóc, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cướp biển Somalia vẫn hoành hành mạnh trong khi Bangladesh và Indonesia báo cáo số vụ cướp biển cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2024.
Những vụ cướp biển chấn động
Vụ cướp tàu chở hàng Maersk Alabama năm 2009, được mô tả trong bộ phim Captain Phillips năm 2013, được cho là vụ tấn công gây chấn động nhất của cướp biển trong thế kỷ 21.
Con tàu của Mỹ đang trên đường đến Mombasa, Kenya vào ngày 8/4/2013 thì bị 4 tên cướp biển tấn công, chúng đã đụng độ với thủy thủ đoàn rồi chạy trốn trên một chiếc xuồng cứu sinh cùng với thuyền trưởng của tàu, Richard Phillips. Lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ được triển khai để giải cứu thuyền trưởng Philips. Kết quả là 3 tên cướp bị hạ, tên thứ 4 là Abduwali Muse bị bắt và bị truy tố ở Mỹ.
Năm 2001, cướp biển đã tấn công tàu chở hàng Inabukwa của Indonesia. Con tàu lúc đó đang vận chuyển thỏi thiếc và hạt tiêu trị giá 2 triệu USD. Năm 2005 và 2009, ở ngoài khơi bờ biển Somalia lần lượt xảy ra hai vụ tấn công nhằm vào tàu Seaborne Spirit và MSC Melody.