Mưa cũng như nắng, cứ tan chợ, vợ chồng bà Lệ (64 tuổi) lại cùng nhau đi ra nền nhà cũ, ngồi trên sàn gạch bông vỡ nát đã mấp mé mực nước sông Măng Thít, ở thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Lâu lâu, họ ngoái cổ về hướng có tiếng ngói rơi loảng xoảng, tiếng mảng tường, ụ đất đổ sầm xuống lòng sông để lại mặt nước những đám bọt ì xèo.
Ngôi nhà chìm nghỉm đã 5 tháng, nhưng vợ chồng ông Nguyên và bà Lệ chưa chấp nhận sự thật.
"Phòng trọ chật, đứng còn phải tránh nhau, cũng chẳng biết đi đâu nên ra đây ngồi. Hồi đầu cứ ra đến đây là tôi khóc. Vừa nhớ, vừa tiếc! Gần 70 tuổi còn mất nhà, phải đi ở trọ khổ lắm. Ra đây ngồi, có đồ gì nổi lên thì lội xuống lượm", khóe mắt người đàn ông 67 tuổi đỏ hoe, khi nhắc về ngôi nhà bị sạt lở ở miền Tây.
Mùng 7 tháng Chạp năm rồi (29/12/2022), bà Lệ đang nằm nghỉ sau buổi chợ chiều, ông Nguyên quét mạng nhện, sửa sang lại nhà chuẩn bị đón Tết, bỗng nghe rắc một tiếng rồi cả nhà rung chuyển.
"Tôi chỉ kịp kéo bà ấy chạy qua khỏi cửa thì cả ngôi nhà đổ sập xuống sông, không kịp lấy được thứ gì", ông kể với vẻ hoang mang như chuyện tức thì.
Ra khỏi nhà, ông Nguyên thấy từng mảng đất đang trôi ra giữa dòng nên lớn tiếng hô hoán để hàng xóm bỏ chạy. Chỉ một lúc, hơn 80m đường dân sinh cùng nhà ông Nguyên đã chìm nghỉm. 13 căn nhà khác cũng hư hại, đổ sập một phần, không đủ an toàn để tiếp tục sử dụng. 48 người chỉ phút chốc mất chỗ an cư.
Đoạn bờ sông chỉ còn cảnh hoang tàn. Sau biến cố, chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi hộ dân bị sạt lở nhà, có nhà trong vùng nguy hiểm 1 triệu đồng mỗi tháng để đi ở trọ nơi khác.
"Còn may là lở ban ngày, chứ lở ban đêm thì không biết thế nào. Nhà tôi 6 người, nhiều khi tôi cứ nghĩ thôi còn người còn của. Người Việt có thói quen tự an ủi bằng việc tìm điều may giữa vô vàn điều xui rủi", bà Lệ tự nói với mình.
Đang thẫn thờ nhớ lại câu chuyện của 5 tháng trước, vợ chồng bà Lệ nghe tiếng ai đó nói vọng từ phía sau: "Nhà ông Minh vừa sụt, chính quyền vừa đi đo đấy. Ông bà cứ ngồi đấy thì sông nó nuốt luôn ông bà".
Ra là chị Nhi, một hàng xóm cùng cảnh với bà Lệ, mới ở phòng trọ quay về để dọn đồ đạc. Bị nhắc, vợ chồng họ cũng đứng dậy về xóm trọ.
Được hỗ trợ 1 triệu đồng, ông bà phải phụ thêm hơn 1 triệu mới đủ thuê phòng trọ "cho cả nhà đứng". Muốn ở rộng hơn chút nhưng nhà chẳng có tiền. Là hộ khó khăn, cả nhà sống nhờ 2 nồi bắp luộc "lời lãi chẳng có bao nhiêu" mà bà Lệ và con gái bán ở chợ thị trấn.
Phòng trọ cách nhà cũ chừng 500m, nắng thì ngột ngạt, mưa thì ngập. Phòng đủ rộng để trải 2 tấm nệm, nhưng ban ngày 1 tấm phải dựng lên lấy chỗ ngồi ăn cơm.
Ông Nguyên đã móc sẵn một loạt võng ngang chéo khắp phòng, để khi ngập vừa có chỗ xếp đồ, vừa có nơi để ngủ.
Vốn kiếm chẳng đủ ăn, giờ còn phải bớt ra một khoản đóng tiền trọ, cuộc sống càng trở nên khốn khó. Cháu gái 5 tuổi của bà Lệ đáng ra đang đi học, nhưng nhà nuôi không nổi nên đành cho nghỉ.
Hai nhà hàng xóm của bà Lệ cũng bị sạt lở đến nửa mái hiên, một nhà đã dọn đồ đi ở trọ. Nhà còn lại, cha con ông Toàn chuyển đi một thời gian nhưng mấy bữa nay đã thấy trở về. Vì đường đi và phần thềm nhà đã sạt xuống sông, cha con ông Toàn phải đục tường thông qua nhà hàng xóm mới có lối vào.
"Ba muốn về, vì ở trọ bất tiện. Sập đến cửa rồi đấy, nhưng bình thường hà, ở riết quen chứ sao giờ. Mình gan thì mình ở chứ chính quyền đâu có cho. Ba về, nên mình cũng về ở với ba", con gái ông Toàn nói.
Nhà ông Minh (60 tuổi) nằm ở cuối dãy, cách nhà bà Lệ 5 căn, may mắn "hà bá không ngoạm" trúng. Chỉ còn vợ chồng ông ở lại trông ngôi nhà gần như trống rỗng. Con cháu, đồ đạc đều đã dọn đi nơi khác.
Ông Minh kể, 2 năm trước, khi khoảng đất trước nhà đột ngột trôi xuống sông, ông liền dọn gần hết đồ đạc đưa đi gửi. Rồi tháng 12/2022, khi một loạt nhà hàng xóm đổ sập, ông nhất quyết "đuổi con cháu khỏi nhà, bắt đi ở trọ".
"Bọn nó trọ cách nhà 3km, gần thì đắt quá không thuê được. Mình già rồi, chứ bọn nó còn trẻ, nhỡ nhàng… 10 bữa gần đây mặt sân đã lún cỡ 5 phân rồi đấy. Tường nhà cũng nghiêng, nẻ toác, chính quyền có đến ghi nhận, hỗ trợ rồi", ông Minh kể.
Thường ngày, vợ chạy chợ, còn việc ông Mình là đi quanh nhà, ngó tường, ngắm nền xem có chỗ nào nứt, nơi nào lún. Cũng chỉ kiểm tra để biết chứ chẳng thế làm gì hơn. Đôi khi ông Minh tặc lưỡi: "Sạt lở là chuyện cả đồng bằng chứ phải riêng chỗ nào".
Đoạn sạt lở bờ sông Măng Thít nằm ngay ngã ba nơi nước xoáy, từ nhà ông Minh nhìn ra xa khoảng 500m thấy tàu lớn đi trên sông Hậu. Vợ chồng ông Minh cũng như mọi gia đình hàng xóm mong bờ kè đang xây dựng sớm hoàn thành.
Từ khu vực sạt lở bờ sông Măng Thít, ngược sông Hậu hơn 60km, ngã ba rạch Cái Sắn (Mĩ Thạnh, Long Xuyên, An Giang) mấy năm gần đây cũng thường sạt lở.
Đầu tháng 6, trên đường cặp bờ rạch Cái Sắn, thuộc khóm Thới Hòa, phường Mĩ Thạnh xuất hiện vết nứt dài 35m, rộng từ 1-20cm. 7 căn nhà bị nghiêng ra lòng rạch.
Ở những ngôi nhà bị nghiêng, cán bộ địa phương cho đóng đinh trên sàn và lề đường, buộc sợi dây với độ chùng nhất định. Khi sợi dây bị kéo căng và đứt… chủ nhà phải rời đi.
"Ơ con bé này, đừng đụng vô sợi dây, nó đứt là bà cháu phải dọn đồ đi đấy", bà Lê (46 tuổi) cất giọng mắng đứa cháu ngoại đang mon men đến gần sợi dây làm dấu. Bị mắng, đứa trẻ cũng giật mình.
Sợi dây không thể giữ căn nhà khỏi sập. Bà Lê cũng chẳng tin căn nhà không sập, bà chỉ muốn bám víu ở đây thêm ngày nào hay ngày đó. Bà chẳng biết đi đâu.
Mấy năm gần đây, nhà bà bị trôi ra lòng sông chừng 1m, mỗi lần khe hở giữa nhà và bậc thềm lọt bàn chân thì bà lại lấy xi măng trám vào. "Mới mấy bữa nhưng lại trôi ra chừng 10 phân rồi đấy. Tôi nói không quá, vài bữa nữa chú đến đảm bảo nhà tôi không còn", bà Lê nói và bảo "không sợ, ở riết quen".
Nhà bà Phú (65 tuổi) bị nghiêng lệch nặng nhất. "Người ta còn không thèm buộc dây làm dấu luôn là chú biết rồi" - bà than.
Dẫn chúng tôi vào nhà xem cho biết cảnh, bà Phú dặn đi từ từ, cẩn thận không dốc trượt rớt xuống sông. Căn nhà nghiêng khiến đầu giường cao hơn cuối giường chừng 40cm.
"Đi trong nhà là phải khom lưng, đi từ từ như leo dốc. Đêm nằm cứ một chốc lại bị tuột, một chốc lại bị tuột. Đi ngủ nhưng đâu dám khép cửa, để có gì còn vọt lẹ. Sợ dữ lắm chứ không phải không sợ, lúc nào cũng hồi hộp, nhưng đi đâu được", bà Phú nói.
Không có việc, hàng ngày bà Phú mang ghế ra ngồi trước hiên, trông nhàn hạ. Nhưng bà ngồi đó vì không dám ở trong nhà… Bà sợ nhà sập.
Ông Đức (58 tuổi) nghe có người đến hỏi chuyện liền bảo: "Dãy nhà ở đây nó tuột hoài. Năm ngoái dãy đằng kia đổ xuống sông rồi. Dãy nhà này, mùa mưa năm nay sóng tháng 7 đập vô cái có khi đi liền".
Trừ lúc ngủ ban đêm, cứ sáng ngày là bà Phú, bà Lê, ông Đức cũng như những hàng xóm khác lại ra ngồi ngoài hiên nhà, hoặc tập trung ở sân nhà nào đó. Câu chuyện của họ chỉ quanh quẩn chủ đề: Khi nào thì nhà sập, bao giờ thì được hỗ trợ di dời…
Sống bất an, họ chẳng làm được gì vì câu hỏi "bao giờ nhà sập" choán gần hết tâm trí. Một tiếng cót két cũng khiến cả xóm giật mình.
Người dân ở đây bảo, chuyện nhà nghiêng đã diễn ra từ lâu, nhưng không bao giờ nghiêm trọng như bây giờ. Năm nào nước nổi, nhà nghiêng, họ mua một hai triệu đồng tiền cây về chống lại, chỗ nào nghiêng thì gia cố, lại ở được vài năm. Nhưng gần đây, họ bảo "nghiêng quá, nguy hiểm quá".
Theo những người dân ở đây, sau khi ghi nhận hiện trạng, cán bộ địa phương thông tin sẽ phải di dời, chính quyền sẽ hỗ trợ mỗi hộ vài chục triệu đồng. Khu tái định cư chưa biết ở đâu, nhưng nền mới nghe nói có giá 250 triệu đồng, người dân kể họ sẽ được hỗ trợ trả góp nhiều năm.
Cả xóm đều nghèo, họ tính ở đây, giúp đỡ, bám víu vào nhau để sống. Dù dự đoán chỉ trong mùa mưa năm nay nhà sẽ sập, nhưng cả xóm chưa ai chuẩn bị gì.
Bà Lê bảo những người như bà chỉ rời đi khi nhà sập hoặc bị đuổi. Nếu không bị đuổi, họ chấp nhận ở lại, mỗi năm họ mua vài triệu đồng tiền cây để gia cố. Nhà sập tự chịu.
7 căn nhà bị nghiêng, 7 gia đình sống trong bất an. Ai cũng sợ, ai cũng muốn được an toàn. Họ muốn đi vì sợ, nhưng họ cũng muốn ở lại vì sợ không quen ở nơi mới.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện ĐBSCL có trên 780 khu vực sạt lở với tổng chiều dài gần 1.000km. Chỉ riêng 5 tỉnh thành An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, thống kê sơ bộ có trên 20.000 hộ dân đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở nhiều đoạn bờ sông, bờ biển.