Ngày 2/1, Công an tỉnh Lai Châu cho biết nhờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an xã Bản Bo (huyện Tam Đường) đã giúp người cựu chiến binh Trần Văn Dũng (quê ở xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, Hải Dương) gặp lại ân nhân cứu sống mình cách đây 35 năm.
Cuộc hội ngộ "kỳ diệu"
Trước đó, tháng 8/2023, ông Dũng đón xe khách lên Tam Đường, Lai Châu tìm ân nhân tên Chăn, đã cứu sống mình vào năm 1987, khi ông đang làm nhiệm vụ tại xã Bản Bo. Tuy nhiên, sau 2 ngày lang thang ở khu vực xã Bản Bo, Nà Tăm không có kết quả, người cựu binh thất vọng tìm đón xe khách trở về nhà.
Đang trên đường đi, thấy có cán bộ công an, ông Dũng hỏi chuyện đặt vấn đề hỗ trợ. Biết người tiếp chuyện mình là Đại úy Lê Đình Lương (Trưởng Công an xã Bản Bo), ông Dũng rất mừng, bộc bạch câu chuyện cũ và hy vọng công an xã giúp tìm.
Cảm động trước nghĩa tình của người cựu chiến binh, Đại úy Lương kê cuốn sổ tay lên yên xe máy chép lại câu chuyện, ghi số điện thoại liên lạc rồi động viên ông Dũng cứ về quê, khi có kết quả công an xã sẽ báo tin.
Ngay trong buổi giao ban hôm sau, Công an xã Bản Bo đã đưa nội dung tìm người "đặc biệt" này vào công việc chung. Trực tiếp Đại úy Lương cùng Đại úy Bách, Phó công an xã, tích cực khai thác thông tin từ hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư xã đang quản lý, cũng như trao đổi với các xã giáp ranh, tra tìm những người có đặc điểm tương tự.
Kết quả, Công an xã Bản Bo đã tìm được một người tên Tao Văn Chăn (SN 1966, ở bản Phiêng Pẳng). Đại úy Lương sau đó đã đến gặp ông Chăn thăm hỏi và xác nhận hồi trẻ, ông từng trực tiếp cứu một anh bộ đội cùng tuổi bị lũ cuốn.
Đại úy Lương sau đó đã gọi điện cho ông Dũng để ông nói chuyện với ông Chăn. Hai người nhận ra nhau vui mừng trò truyện hồi lâu rồi hẹn ngày tái ngộ.
Ngày 28/12/2023, ông Dũng đã đón xe đến nhà ông Chăn. Tại đây, Công an xã Bản Bo đã chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm thật chặt của hai người đàn ông dành cho nhau mà tưởng chừng trong mơ mới thực hiện được.
Sau khi lặng đi hồi lâu, sau đó ông Dũng chia sẻ rất khâm phục sự tận tụy của các cán bộ công an.
Theo Công an tỉnh Lai Châu, việc Công an xã Bản Bo giúp người cựu chiến binh hơn 3 thập kỷ trăn trở vì một lời hứa, vì nghĩa tình mong gặp lại ân nhân cứu mạng đã thêm khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao từ công cuộc số hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác công an cũng như sự kỳ diệu của Đề án 06 của Chính phủ đã mang lại cho đời sống người dân.
Chứng kiến những giọt nước mắt xúc động và vui sướng của ông Dũng, ông Chăn trong cuộc hội ngộ này, những người chiến sĩ công an ở cơ sở cảm thấy sự vất vả được bù đắp, sau chuỗi ngày lăn lộn với chiến dịch thu thập dữ liệu cấp CCCD, định danh điện tử trong 3 năm qua.
Hơn 2 thập kỷ đi tìm ân nhân
Trước đó, tháng 8/1985, khi mới 19 tuổi, Trần Văn Dũng lên đường nhập ngũ, được biên chế vào D28, E46, Sư đoàn 326 đóng quân tại xã Bản Bo, huyện Phong Thổ (nay thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).
Tháng 10/1987, trong lúc đi làm nhiệm vụ qua suối, thanh niên 19 tuổi không may bị nước lũ chảy xiết cuốn trôi. Trong lúc "thập tử nhất sinh", một người đã vớt được ông Dũng và cấp cứu kịp thời.
Khi tỉnh lại, ông Dũng có hỏi người dân và được biết ân nhân đã cứu mạng mình tên là Chăn, cùng tuổi, nhà ở bản gần suối của xã Bản Bo.
Năm 1988, ông Dũng được xuất ngũ trở về địa phương. Trước khi rời Lai Châu, ông gặp lại ân nhân để tạm biệt và hẹn sẽ quay trở lại để cảm tạ, nhưng sau đó do cuộc sống mưu sinh cũng như điều kiện kinh tế, ông chưa có dịp đến thăm ông Chăn.
Khi cuộc sống gia đình tạm ổn, từ năm 2000, ông Dũng đã nhiều lần dò hỏi địa chỉ ân nhân nhưng không có kết quả. Năm 2017, sau khi tra cứu về tuyến xe khách, ông Dũng đã một mình đón xe lên Lai Châu.
Do đã 35 năm trôi qua, địa hình xã, bản thay đổi, ông mất cả một tuần tìm kiếm cũng không thu được kết quả. Tiếp đó, đến giữa năm 2022, ông Dũng lại lên Lai Châu lần 2 dò hỏi nhưng cũng không thành công.
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 06 về phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06).
Đây là Đề án quan trọng, là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là để phục vụ 5 nhóm tiện ích:
1. Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến
2. Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội
3. Phục vụ công dân số
4. Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư
5. Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp