Ngồi lặng lẽ một mình trên chiếc chuyên cơ TU-134 suốt chặng bay TPHCM - Hà Nội, Johnathan Hạnh Nguyễn chìm sâu trong dòng suy nghĩ đầy hoang mang, mâu thuẫn. Hình ảnh từng mái nhà tôn xơ xác, nhấp nhô bên đường băng Tân Sơn Nhất; hàng nghìn đứa trẻ phải chết vì thiếu thuốc… cứ quanh quẩn trong tâm trí viên thanh tra tài chính mẫn cán của Boeing Subcontractor, cho tận tới khi ông ngập ngừng đứng trước phòng làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ông có thực sự tin vào định mệnh?
- Đến bây giờ, khi đã ở tuổi 73, đôi khi tôi vẫn tự hỏi mình câu đó. Nếu chuyến trở về Tổ quốc Tết năm 1984 đó không xảy ra, nếu tôi không phải là "người được chọn", cuộc đời sẽ xoay vần ra sao? Nhưng dù có thế nào, chắc chắn đời tôi phải gắn liền với vận mệnh của đất nước.
Động lực nào đã thôi thúc, để ông lựa chọn làm một "Johnathan Hạnh Nguyễn trở về" thay vì yên vị với cuộc đời an toàn, hưởng lương cao ở Mỹ và Philippines?
- Đó là một hành trình rất dài. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, tôi vẫn miệt mài học và đi làm ở công ty Mỹ. Lương cao, vợ con sống an nhàn sung túc, tôi chưa nghĩ tới một ngày được về lại quê hương. Với cha mẹ, các em còn ở lại Việt Nam, mọi liên lạc chỉ trông ngóng từng lá thư mà hầu như cả tháng trời mới tới tay.
Vào đúng dịp Tết ta năm 1984, đột nhiên có 1 cuộc gọi lạ.
- Anh Hạnh Nguyễn có muốn về thăm gia đình không?
- Thưa có, nhưng có gì không anh?, tôi hỏi lại.
- Tôi ở Văn phòng đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ở nhà muốn mời anh về.
- Nếu được phép... Về có sao không anh?
- Chúng tôi đảm bảo an toàn cho anh.
Gửi lại con nhỏ cho người thân bên Philippines, gia đình tôi gồm 4 người đi theo thị thực rời, đáp chặng bay Seatle - Manila - Bangkok - TPHCM. Thời điểm đó, Air France độc quyền chặng bay Bangkok - TPHCM, phải xin phép bay từng chuyến một. Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, tất cả chúng tôi về nhà của cha mẹ ở đường Phạm Ngũ Lão.
Cả nhà sung sướng, nước mắt lưng tròng. Nhưng về rồi, tụi nhỏ lại dính ngay sốt xuất huyết vì muỗi quá; cũng may sống được là nhờ chà chanh.
Nhìn cảnh đất nước gian khó khi đó, tôi không tài nào ngủ được.
Cuộc đời ta, nếu chỉ nghĩ cho riêng mình thì rất đơn giản. Nhưng nghĩ thế thì còn đâu sự thiêng liêng của Tổ quốc. Rốt cuộc, ai ai cũng chỉ có một Đất mẹ, một quê hương mà thôi. Tôi quyết phải thay đổi, phải làm gì đó cho Việt Nam, phải làm gì đó để cứu những đứa trẻ đang vật vã vì thiếu thuốc như hai đứa con mình...
Đâu là "con đường" đưa ông trở lại Việt Nam lần thứ hai?
- Ngay khi tụi nhỏ dứt sốt xuất huyết, tôi lập tức đưa gia đình trở lại Philippines. Một anh bên Sở Ngoại vụ TPHCM tới gặp tôi và nói: "Thôi, anh cố gắng đưa các cháu về rồi quay lại".
Tôi thu xếp việc bên Mỹ và Philippines rồi quay lại Việt Nam một mình. Có nhiều người lo lắng, ngăn cản. Thậm chí, người nhà còn chuẩn bị nếu như tôi không trở về, sẽ có người liên hệ với phía Đại sứ quán Mỹ và Chính phủ Philippines.
Anh phải chấp nhận thực tế lúc đó có rất nhiều nỗi sợ, bối cảnh hoàn toàn không cởi mở, tự do và được thuận lợi như bây giờ.
Nhưng trái với hình dung, "ở nhà" đã thu xếp riêng mình tôi đi chuyến chuyên cơ TU-134 từ TPHCM ra Hà Nội. Tôi hỏi: "Đi gặp ai?", họ nói gặp bác Phạm Văn Đồng. "Tôi sẽ làm gì ở đó?". "Anh ra gặp rồi sẽ biết", họ trả lời như vậy.
Một chiếc Volga đợi sẵn, đưa thẳng về khách sạn Dân Chủ. Đây là khách sạn đặc biệt bậc nhất tại Hà Nội khi đó, vốn dành cho tiếp đãi các đoàn chuyên gia cao cấp Liên Xô.
Đến chiều "họ" đưa tôi qua gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ - PV) Phạm Văn Đồng.
Vị lãnh đạo vốn nổi tiếng nghiêm khắc này nắm tay tôi rất chặt và nói: "Việt Nam hiện giờ gặp nhiều khó khăn, bác cần con giúp đất nước mở đường bay". "Nhưng con chỉ là thanh tra tài chính Boeing, chuyên môn của con là tài chính", tôi nói.
Bác nói: "Danh sách Việt Kiều trên thế giới bác đã rà soát, chỉ một mình con đủ khả năng làm việc này. Con cố gắng, phải tìm cách để máy bay Việt Nam đáp được xuống sân bay ở Philippines. Bác chỉ mong con làm việc đó, việc khác, để Chính phủ làm".
Trọng trách quá nặng, quá thách thức. Tôi hứa với Thủ tướng sẽ cố gắng.
Tôi được biết khi đó phía Philippines đã nhiều lần từ chối đề nghị mở đường bay của Việt Nam. Lý do nào để ông tự tin nhận nhiệm vụ đó?
- Tình thế trong nước khi đó rất khó khăn. Nếu việc thành công, đó sẽ là đường bay quốc tế chính thức đầu tiên ra các nước tư bản, cũng là hoạt động giao thương đầu tiên của Việt Nam với các nước nằm ngoài hệ thống XHCN trong những năm tháng dài bị bao vây, cấm vận.
Philippines là quốc gia đồng minh thân cận với Mỹ, hồ sơ xin cấp phép đường bay qua đường ngoại giao gần như đã khép lại vì phía họ không hồi âm. Tình hình Philippines lúc đó cũng phức tạp, việc tranh thủ có được chữ ký của Tổng thống Marcos là rất quan trọng và cấp bách.
Bản thân tôi cũng nhiều lo lắng. Việc mở được đường bay hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Tổng thống Marcos. Lúc này, Philippines đang áp dụng chế độ thiết quân luật. Tổng thống Marcos từng nói không có lý do gì để chấp nhận mở đường bay và lệnh không được trình lên nữa.
Nhờ mối quan hệ từ phía gia đình nhà vợ đầu của tôi (bà Cristina Serrano), các nút thắt dần được gỡ, mở. Một số người bạn của tôi trong chính giới Philippines cũng muốn giúp đỡ.
Tôi gặp bà Leita, trợ lý Tổng thống, là em vợ Tổng thống Marcos. Tôi nói: Bây giờ bà làm ơn giúp tôi. Lúc nào thấy Tổng thống vui vẻ thì báo liền cho tôi. Tôi sẽ tự mình vào xin. Bà Leita đáp: "Vì mong muốn của Johnathan, tôi sẽ giúp".
Trong lúc chờ đợi tin báo của bà Leita, tôi đến gặp quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Pacificio Castro tiếp nhận bộ hồ sơ hoàn chỉnh về việc xin phép mở đường bay. Đến ngày 4/9/1985, có một cuộc điện thoại gọi đến nhà. "Bà Leita nói: "Johnathan qua ngay đi vì thấy Tổng thống chiều nay rất vui".
Tôi lập tức tới đón ông Trần Tiến Vinh, Đại biện Đại sứ quán Việt Nam, chạy thẳng vào Phủ Tổng thống. Thấy tôi ngồi trước cầm lái, cảnh vệ khoát tay cho vào.
Vào trong, tôi nài nỉ bà Leita và cận vệ thân cận của ông Marcos cùng vào phòng riêng Tổng thống nhưng không ai dám.
Tôi như trăn trối với mọi người, nếu chẳng may tôi bị Tổng thống ra lệnh bắt thì ra nói giùm với ông Trần Tiến Vinh, đang chờ đợi ở phòng lễ tân Phủ Tổng thống và nói bà Cristina - vợ tôi - báo cho Đại sứ quán Việt Nam cùng Đại sứ quán Mỹ làm công hàm gửi Tổng thống. Nói xong, tôi ôm hồ sơ bước vào.
Phòng làm việc tối thui. Mồ hôi túa như tắm nhưng lúc này, tôi xác định có bắt nhốt gì cũng chịu. Tổng thống Marcos xem văn bản, đăm chiêu chốc lát rồi ký bút phê, đẩy tờ giấy qua cho tôi, không nhìn lên dù chỉ một lần.
Nhìn thấy chữ chấp thuận, tôi mừng muốn sụm đầu gối, chân nhấc lên không nổi. Từ bàn Tổng thống ra tới cửa có một đoạn ngắn mà cảm giác như ngàn cây số. Bước ra ngoài, tôi mừng quá chạy một mạch ra khoe anh Vinh trong khi bà Leita đang liên tục hét lên từ phía sau "Johnathan, Johnathan".
Kỳ thực, đó mới là văn bản Tổng thống duyệt bút phê, phải đưa lại để Văn phòng Phủ Tổng thống ra văn bản chính thức.
Cầm tờ giấy trên tay, tôi lao tới ôm chầm lấy anh Vinh khi đó đang đứng bần thần. Anh Vinh nói: "Hạnh ơi, em là anh hùng của dân tộc". Tôi nhớ mãi khoảnh khắc đó.
Khoảng 9h sáng 9/9/1985, ông Phan Tương, Tổng Giám đốc Cụm cảng hàng không Miền Nam và các thành viên phi hành đoàn đã hạ cánh xuống sân bay Manila.
Nhìn hai lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới bên cửa máy bay tại phi trường, tôi đã bật khóc trước các quan khách đang có mặt. Đó là giây phút hạnh phúc, tự hào nhất của đời tôi.
Hành trình trở về Việt Nam của ông bắt đầu sau lời đề nghị về thăm nhà và cuộc gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nếu không có cuộc gọi và lời mời ấy, liệu rằng khát vọng và con đường làm giàu trên quê hương của Johnathan Hạnh Nguyễn có thay đổi?
- Chắc chắn sẽ rất khác.
Ngày đó, tôi làm Thanh tra tài chính cho Boeing với mức thu nhập cao, cuộc sống đủ đầy, có xe cộ, nhà cửa, gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Mọi chuyện cứ yên bình trôi qua như vậy, giống như nhiều Việt kiều xa quê thành đạt khác.
Có một điều chắc chắn, dù con đường có thể khác đi nhưng tình cảm, khát vọng dành cho đất nước chắc chắn sẽ vẫn không đổi, tôi vẫn luôn đợi ngày Việt Nam mở cửa và phát triển.
Cũng phải nói thêm, những chuyến bay đầu tiên giữa Việt Nam - Philippines đều là các chuyến bay nhân đạo, chỉ mang theo quà biếu chứ không vận chuyển hành khách, không có hàng hóa thương mại. Thời gian sau, tôi dựa trên nhu cầu của Bộ Y tế và nhu cầu khan hiếm thuốc cứu chữa các bệnh nhân của Việt Nam để xin phép chuyển về Việt Nam những thùng quà thuốc tây nhân đạo có các loại thuốc kháng sinh, bình truyền dịch, và các loại thuốc cấp thiết trị bệnh khác…
Một chiếc Boeing từ phía Philippines gỡ hết ghế mang theo được 32 tấn hàng, họ tính phí 32.000USD cho mỗi chặng khứ hồi. Trong 3 năm đầu (1985-1988), mỗi chuyến bay của chúng ta chỉ có đủ mười mấy tấn hàng mang về nước, nhưng công ty của tôi vẫn phải trả đủ số tiền trên.
Đến khi số tiền lỗ lên tới hơn 5 triệu USD, tôi từng có ý định đóng cửa. "Ở nhà" điện sang, động viên tôi phải kiên nhẫn giữ đường bay và tiếp tục cố gắng.
Mọi chuyện cứ thế diễn ra đến năm 1988, tôi đã thu xếp với các bên để Hiệp định hàng không ra đời, các chuyến bay chở khách và hàng hóa từ Việt Nam có thể kết nối với các nước trên thế giới mà không còn bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận từ Mỹ. Tôi đã hoàn thành sứ mệnh mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao phó.
Trở thành một trong những Việt kiều đầu tiên về Việt Nam kinh doanh, ông hẳn đã đi một hành trình dài để vượt qua nhiều sự nghi ngờ?
- Năm 1985, tôi là một trong những Việt kiều sớm trở về đầu tư tại quê hương. Thời buổi Việt Nam bắt đầu chuyển mình từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, khó khăn thách thức trăm bề.
Đất nước đang bị Mỹ và nhiều nước cấm vận, nền kinh tế lạm phát phi mã.
Chỉ riêng việc xin giấy phép đầu tư và kinh doanh đã phải đi qua một quy trình rườm rà và phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục hành chính. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho những người làm kinh tế như tôi hầu như chưa có gì nhiều.
Đau đầu nhất khi đó là sự thiếu thông tin, các quy định pháp luật và quy trình thực hiện chưa minh bạch lúc bấy giờ đã gây khó khăn trong việc hiểu và tuân thủ của các nhà đầu tư . Ví dụ như việc xin giấy phép đầu tư xây dựng khách sạn ở Hà Nội và các dự án đầu tư khác ở khắp các tỉnh thành, mỗi nơi thủ tục đầu tư áp dụng một kiểu.
Tưởng chừng như tôi sẽ bỏ cuộc vì các bạn bè quốc tế cùng góp vốn với tôi đã nản chí, nhưng cuối cùng, tôi cũng xây được khách sạn Nha Trang Lodge là khách sạn cao nhất miền Trung lúc bấy giờ, rồi nhà máy sản xuất dây khóa kéo cùng hàng loạt nhà máy khác với tổng vốn đầu tư hàng chục triệu USD.
Một khi đã xác nhận gom góp toàn bộ tài sản, vốn liếng về nước kinh doanh, tôi đã kiên nhẫn ráng vượt qua các rào cản và khó khăn để khai phá thị trường, đầu tư vào những ngành mà nhu cầu của đất nước cần, cũng có lúc thua lỗ tưởng chừng như không thể trụ vững.
Nếu như tôi gom góp tiền bạc lúc bây giờ để mua nhà, bất động sản đầu tư tích trữ thì bây giờ chắc chắn tôi đã là người giàu nhất Việt Nam. Nhưng tôi không làm vậy. Tôi có niềm tin rằng, tôi đã và đang làm những việc song hành với sự phát triển của đất nước, đầu tư vào lĩnh vực có ích cho đất nước và tạo công ăn việc làm cho người dân, nên phải vượt lên trên tất cả để có được kết quả khả quan cho đến ngày hôm nay.
Vậy chỗ dựa lớn nhất của ông trên chặng đường kinh doanh là gì?
- Dựa đá, đá sẽ đổ, dựa người, người sẽ chạy, chỉ có bản thân mình cùng lý trí sáng suốt tuân thủ pháp luật mới là chỗ dựa vững chắc nhất.
Đã hơn 38 năm kể từ ngày về nước, đến giờ, Tập đoàn IPPG của gia đình tôi đã đóng góp cả nghìn tỷ mỗi năm tiền thuế vào ngân sách Nhà nước. Tôi có thể ngẩng cao đầu tự hào rằng: Tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cho phép.
Chỗ dựa lớn nhất của tôi, đó là niềm tin, là sự chính trực tuân thủ pháp luật, nếu tôi làm sai, thì dù có quen biết đến đâu cũng không ai cứu được tôi hết. Tôi coi đây là nguyên tắc sống còn trong kinh doanh của mình, dù lợi nhuận có thể ít đi.
Tôi có thể là người bắt đầu kinh doanh sớm nhất ở Việt Nam trong giai đoạn đổi mới, nhưng không phải là người giàu nhất vì lựa chọn này.
Nhưng đổi lại, tôi luôn ngủ yên mỗi tối và tự tin về uy tín của mình trên thương trường cũng như đối với các đối tác, khách hàng, các bộ, ban ngành và Chính phủ Việt Nam.
Để gây dựng được tên tuổi và sự thành công như hiện tại, thất bại nào đáng nhớ nhất trong sựnghiệp kinh doanh của ông?
- Định nghĩa về sự thất bại của mỗi người khác nhau. Tôi chưa từng trải qua thất bại trong kinh doanh. Ngay cả thua lỗ khổng lồ trong quãng thời gian đầu mở lại đường bay, khi nhìn lại, tôi cũng không cho đó là thất bại, mà chỉ là chi phí bỏ ra để mang lại thành công.
Vậy đâu là quyết định đúng đắn nhất của ông?
- Đó là quyết định kiên định làm một doanh nhân tử tế. Bạn có thể là một doanh nhân thành công nhưng nếu không tử tế, không có tâm và tuân thủ đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật thì sự thành công sẽ chỉ trong một giai đoạn và không bền vững.
Và thứ nữa, đó là định hướng đầu tư lâu dài "không đầu cơ" chạy theo lợi nhuận trước mắt, làm ăn kinh doanh minh bạch, tuân thủ luật pháp. Ngay khi trở về nước, tôi đã vạch ra lộ trình cho quãng thời gian 10 năm, 20 năm, 30 năm sau.
Trong 10 năm đầu, tôi tập trung xây dựng tổ chức bộ máy, tạo việc làm. Điều đầu tiên tôi bắt tay làm khi trở về nước là đầu tư vào khách sạn. Có khách sạn thì mới thu hút được khách du lịch.
Cùng với đó, tôi mở nhà máy sản xuất song mây, nhà máy sản xuất dây khóa kéo xuất khẩu Nha Trang để người lao động tại nơi tôi sinh ra có công việc.
Giai đoạn 10 năm tiếp theo, tôi tập trung đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ sân bay.
Giai đoạn 10 năm lần thứ ba, tôi nghĩ tới, Việt Nam cần bắt kịp xu hướng của thế giới. Bất kỳ quốc gia phát triển nào đều có sự hiện diện của hàng hiệu, các thương hiệu lớn. Tôi tìm cách hợp tác với các hãng thời trang nổi tiếng của thế giới để phân phối trong nước.
Khi du khách tới một nước mà không thấy sự xuất hiện của các thương hiệu lớn, rất khó để đánh giá đó là một thị trường có tiềm năng.
Hiện tại là giai đoạn 10 năm thứ tư, lộ trình và kế hoạch của ông là gì?
- Tôi bắt đầu sự nghiệp tại Việt Nam bằng việc phá rào mở đường bay và muốn đi tới đích cuối cùng là thu hẹp khoảng cách phát triển của nước ta với thế giới. Khát khao của tôi cũng giống nhiều người, là Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Tôi có nói chuyện với nhiều tỷ phú Mỹ về câu chuyện đó. Chúng tôi đều tin rằng, Việt Nam thậm chí có thể thực hiện được mục tiêu thành nước phát triển sớm hơn 5 năm như mục tiêu đã đề ra là năm 2045.
Để đạt được mục tiêu đó, đất nước cần nguồn lực lớn tương xứng. Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước còn hạn chế, thu hút dòng vốn nước ngoài chảy về là nhiệm vụ tối quan trọng. Một Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Việt Nam sẽ là lời giải cho bài toán này.
Trong 45 dự án tôi cùng các cộng sự nghiên cứu và trình Chính phủ, trung tâm tài chính quốc tế, khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, công viên giải trí Disneyland sẽ dàn trải theo chiều dài đất nước. Trung tâm tài chính sẽ là đầu tàu, kéo theo các dự án còn lại, tạo cú hích và góp phần làm cho nền kinh tế của cả nước đi lên.
Nếu việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế được thông qua, các nhà đầu tư lớn của Mỹ đã cam kết sẽ rót 10 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó 5 tỷ USD để xây dựng khu Trung tâm tài chính kết hợp giải trí tại Thủ Thiêm (TPHCM).
Và một khi nhà đầu tư đã vào TPHCM, thì chắc chắn họ sẽ không bỏ qua Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Nhiều người đặt câu hỏi, nhân sự ở đâu mà đáp ứng yêu cầu của Trung tâm tài chính quốc tế. Tôi xin đáp rằng, khi đã bắt tay với những tập đoàn lớn, thì họ đã có kế hoạch đào tạo nhân sự cấp cao cho Việt Nam, đầu tư và đào tạo trọn gói chìa khóa trao tay, việc đào tạo sẽ thực hiện song hành trong 2 năm xây dựng hạ tầng, và sau đó Việt Nam sẽ có đội ngũ hàng nghìn nhân sự chất lượng cao để có thể bắt tay vào vận hành một trung tâm tài chính quốc tế chuyên nghiệp tại Việt Nam
Dù những dự án tâm huyết đó vẫn đang nằm chờ thủ tục nhiều năm nay. Nhưng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, sẽ có ngày được thực hiện, mang về cho Việt Nam hàng tỷ USD mỗi năm, góp phần vào sự hưng thịnh quốc gia.
Tôi vẫn giữ nguyên tâm niệm từ ngày quay về, mình còn làm được gì cho đất nước thì phải cố hết sức để làm.
"Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc". Đây là câu nói tâm đắc nhất và là kim chỉ nam của tôi cả trong công việc lẫn cuộc sống.
Tôi rất tự hào, vì đã được tham gia vào quá trình đổi mới của đất nước từ rất sớm và nhiều hơn hầu hết các doanh nhân Việt Nam. Từ lúc khởi đầu chỉ là một "hạt nước", tôi rất vui vì giờ mình đã trở thành một "con sóng" trên hành trình này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi đầy cảm xúc!