Bản lĩnh của Man City
Hồi tháng 2, cổ đông lớn của Man Utd, Sir Jim Ratcliffe (người sẽ nắm hoạt động bóng đá ở Old Trafford) từng nói lên thực tế: "Chúng tôi phải học hỏi rất nhiều từ Man City. Các đội bóng đều muốn vươn tới đẳng cấp của họ. Tôi luôn ngưỡng mộ họ và nghĩ cách để vươn lên trình độ như vậy".
Cựu HLV Man Utd, Sir Alex Ferguson, từng gọi Man City là "gã hàng xóm ồn ào". Nửa xanh thành Manchester là đại diện tiêu biểu trong kỷ nguyên kim tiền. Nhưng không phải đội bóng nào cũng biết dùng tiền xây dựng nên đẳng cấp như The Citizens.
Man Utd vẫn là "ông vua" trong lịch sử bóng đá Anh. Thế nhưng, ở kỷ nguyên hiện đại, rất khó để xô đổ sự thống trị của Man City. Họ đã vô địch Ngoại hạng Anh trong 5/6 mùa giải gần nhất.
Sự lớn mạnh của Man City bắt đầu từ bước chập chững, với chức vô địch "may mắn" nhờ bàn thắng ở phút cuối cùng của Sergio Aguero vào lưới QPR ở mùa giải 2012/13. Ngay từ mùa giải ấy, họ đã cho thấy bản lĩnh "ghê người" khi đã vượt lên dù từng kém Man Utd của Sir Alex Ferguson tới 8 điểm.
Trong kỷ nguyên của Pep, Man City đã xác lập vị thế thống trị và tạo thành DNA của nhà vô địch thực sự tại giải Ngoại hạng Anh. Điều đó chứng minh rõ nét qua bản lĩnh và sự ổn định tới kinh ngạc của Man "xanh". Không một tay đua nào "khét lẹt" ở chặng nước rút giống như thầy trò Pep Guardiola.
Họ từng biến Liverpool trở thành kẻ về nhì vĩ đại nhất trong lịch sử Ngoại hạng Anh với 97 điểm. Trong hai mùa giải gần đây, Arsenal đã nếm trải được cảm giác lật đổ Man City khó khăn tới nhường nào.
Ở mùa giải trước, Man City từng khiến Arsenal lộ nguyên hình "đứa trẻ". Họ từng kém đội bóng của Arteta tới 8 điểm nhưng ở thời điểm cuối, Pep Guardiola đã khiến tất cả khiếp sợ khi thắng 12 trận liên tiếp để lên ngôi vô địch sớm.
Sang mùa này, Man City cũng thắng chuỗi 8 trận liên tiếp sau hai trận hòa trước những đối thủ cạnh tranh là Liverpool và Arsenal. Trong thời gian này, Liverpool đã "sụp đổ", còn Arsenal cũng trả giá đắt sau cú sảy chân trước Aston Villa. Không thể cho rằng đây là mùa giải xuất sắc của Man City nhưng họ vẫn giữ được sự lạnh lùng và thường thấy ở chặng đua nước rút mùa giải.
Chiến lược đúng đắn và cái tầm của thầy Pep
Hãy nhìn cái cách Gvardiol ghi hai bàn trong vòng cấm của Fulham ở vòng 37 Ngoại hạng Anh, người hâm mộ mới thấy được Man City đáng sợ thế nào. Hay ở trận gặp với Tottenham đêm qua, Doku đã mang về quả phạt đền quyết định sau khi vào sân thay De Bruyne.
Bất cứ cầu thủ nào của Man City, dù chính thức hay dự bị, dù thi đấu trung vệ hay tiền đạo, đều có thể trở thành người hùng. Chính điều đó đảm bảo Man City luôn duy trì được dòng chảy ghi bàn ngay cả khi bế tắc nhất.
Nhiều CLB mơ ước ở trong tình cảnh Man City thời điểm này khi họ có lực lượng quá dày và chất lượng. Pep Guardiola cũng luôn được cấp sẵn tiền để chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Thế nhưng, đó chỉ là tiền đề. Điều quan trọng là cái tầm của Pep. Chiến lược gia người Tây Ban Nha thường mua sắm cầu thủ theo kiểu "bồi đắp". Có nghĩa rằng, ông luôn cố gắng "vá" từng lỗ hổng qua từng kỳ chuyển nhượng, chứ không mua sắm quá ồ ạt.
Đơn cử như mùa giải 2017/18, Guardiola đã mua tới 3 hậu vệ cánh là Mendy, Kyle Walker, Danilo. Năm 2019, ông mua Rodri về trở thành thủ lĩnh hàng tiền vệ. Một năm sau, Ruben Dias, Nathan Ake được mua về để bổ sung hàng thủ. Sau đó, Jack Grealish, Julian Álvarez, Erling Haaland lần lượt xuất hiện để tăng cường hàng công. Tới mùa Hè vừa qua, Josko Gvardiol, Jeremy Doku được xem là sự bổ sung chất lượng cho Man City.
Những trường hợp thất bại của Pep như Claudio Bravo, Danilo, Benjamin Mendy, Kalvin Phillips xuất hiện không nhiều. Vấn đề là HLV người Tây Ban Nha luôn biết cách "gò" các cầu thủ vào hệ thống của mình một cách nhanh nhất. Do đó, Man City ngày càng mạnh mẽ và không rời rạc như gã hàng xóm của Man Utd.
Điều quan trọng nhất, đội hình của Guardiola luôn có chỗ cho những cầu thủ như Phil Foden, Cole Palmer, Rico Lewis, Oscar Bobb tỏa sáng. Cũng giống các tân binh, những cầu thủ này thích nghi rất nhanh với hệ thống của thầy Pep.
Chính vì thế, Man City đã tạo nên dòng chảy xuyên suốt. Họ mạnh dần theo từng năm và ngày càng ổn định hơn. Liverpool và Arsenal đều xây dựng đế chế theo kiểu "bù đắp" của Man City nhưng họ chưa đủ bản lĩnh và sự ổn định để vươn tới tầm của đội bóng thành Manchester.
Điều Man City lo ngại duy nhất lúc này không phải là những đối thủ lớn mạnh. Thay vào đó, họ chỉ lo Pep không còn duy trì khát khao để giúp đội bóng ngày càng vươn xa.