Cuộc đào tẩu của lao động Việt khỏi đặc khu Tam Giác Vàng

13/08/2024 09:34

Lợi dụng sơ hở, một nạn nhân của đường dây mua bán người lao xuống sông Mê Kông, bỏ trốn khỏi đặc khu Tam Giác Vàng.

Trốn chạy dọc dòng Mê Kông

Thông qua mối quan hệ xã hội, Bình (34 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi) quen biết Vi Văn Nhập (41 tuổi, trú tại xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, Nghệ An). Nhập hứa hẹn sẽ giúp Bình sang nước ngoài làm việc, thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.

Đầu năm 2024, với sự hướng dẫn của Nhập, Bình cùng một số người khác rời quê hương đi làm ăn. Sau nhiều chặng đường di chuyển bằng ô tô và ca nô, nhóm thanh niên này được đưa vào sâu trong nội địa Myanmar. Tại đây, Bình được hướng dẫn về cách thức thực hiện các vụ lừa đảo nhắm vào người Việt Nam ở trong nước, đồng thời bị giám sát, khống chế chặt chẽ.

Sau 2 tháng làm việc, thanh niên này cùng một số người Việt Nam bỏ trốn, chạy vào rừng. Cuộc chạy trốn thất bại, cả nhóm được đưa đến đặc khu Tam Giác Vàng (Lào), bị tách ra bán cho các công ty khác nhau.

Cuộc đào tẩu của lao động Việt khỏi đặc khu Tam Giác Vàng - 1

Nhiều lao động miền núi sập bẫy "việc nhẹ, lương cao", bị lừa bán vào các công ty lừa đảo quốc tế ở đặc khu Tam Giác Vàng (Ảnh: Cao Dương).

Bình bị giam lỏng và ép buộc tiếp tục việc lừa đảo dưới sự giám sát, hăm dọa của quản lý, bảo vệ...

Do không đạt được yêu cầu của quản lý đề ra, Bình bị ép gọi điện về cho gia đình, gửi 150 triệu đồng tiền chuộc. Khi Bình cho biết không thể lo đủ số tiền trên, nhóm người này thông báo sẽ bán nạn nhân quay trở lại Myanmar.

Dù những người này không nói ra nhưng với thông tin lượm lặt, nghe ngóng được suốt 5 tháng ở đây, Bình lo sợ anh ta sẽ bị đưa đi bán nội tạng. Một kế hoạch đào tẩu khỏi tay bọn buôn người lóe ra trong đầu nam thanh niên này.

Suốt hành trình di chuyển từ Lào sang Myanmar bằng ô tô, Bình không có cơ hội để bỏ trốn. Lợi dụng lúc xe dừng ăn cơm ở quán ven đường, liếc thấy phía sau quán là dòng sông, Bình liều mình chạy thật nhanh rồi lao xuống dòng nước đục ngầu.

Bình bơi cật lực, không dám dừng lại, phía sau là tiếng hô hoán của nhóm buôn người. Khi gần đuối sức, Bình may mắn vớ được thùng xốp liền bám lấy, nương theo dòng chảy. Đến lúc cảm thấy đã an toàn, Bình bơi vào bờ, men theo con đường dọc bờ sông, di chuyển về hướng hạ nguồn sông Mê Kông.

Cuộc đào tẩu của lao động Việt khỏi đặc khu Tam Giác Vàng - 2

Vi Văn Nhập được xác định là một mắt xích trong đường dây mua bán người cung cấp cho các công ty lừa đảo quốc tế đóng tại khu vực Tam Giác Vàng (Ảnh: Cao Dương).

7 ngày ròng rã, Bình dùng mảng xốp bơi xuôi dòng sông hay men theo đường mòn ven bờ để tránh sự truy đuổi. Rất may, quá trình chạy trốn, Bình được người dân bản địa và một số người Việt Nam làm ăn, sinh sống ở Lào giúp đỡ, cho đồ ăn.

Đến Luông Pha Băng (Lào), Bình lên chiếc xe khách. Tài xế đồng ý chở Bình đến biên giới Việt Nam với điều kiện phải trả 25 triệu đồng. Bình mượn điện thoại tài xế, gọi điện về cho chị gái nhờ chuyển tiền xe. Chị gái Bình sau đó đã trình báo sự việc tới Công an huyện Quỳ Châu nhờ hỗ trợ.

Ngày 8/5, khi Bình về đến biên giới Việt - Lào, Công an huyện Quỳ Châu và gia đình có mặt, đón về nhà. Ngày hôm sau, nam thanh niên này đến cơ quan công an tố cáo sự việc.

Chặt đứt đường dây buôn người qua Tam Giác Vàng

Theo Thượng tá Hoàng Chí Hiếu, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳ Châu, hành vi bất minh của Vi Văn Nhập đã rơi vào tầm ngắm công an trước khi nạn nhân Bình có đơn tố cáo.

Công tác xác minh đã được triển khai, các trinh sát đi đến nhận định Vi Văn Nhập chỉ là một mắt xích trong đường dây đưa người sang nước ngoài trái phép. Việc bắt giữ Nhập không phải là khó, nhưng làm sao để kẻ đứng đầu đường dây phải lộ diện là điều khiến các trinh sát trăn trở.

Trên cơ sở thông tin xác minh, thu thập và đơn tố cáo của nạn nhân Bình, Công an huyện Quỳ Châu báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An xin ý kiến lập chuyên án, với quyết tâm chặt đứt đường dây mua bán người này.

Cuộc đào tẩu của lao động Việt khỏi đặc khu Tam Giác Vàng - 3

Phạm Thị Tuyết Chinh là đối tượng cầm đầu đường dây mua bán người sang đặc khu Tam Giác Vàng (Ảnh: Cao Dương).

Suốt 4 tháng trời, mọi di biến động của Vi Văn Nhập được các trinh sát theo dõi chặt chẽ. Từ đây, kẻ đứng sau đường dây cũng bắt đầu lộ diện.

Theo tài liệu trinh sát, Nhập thường xuyên liên hệ với Phạm Thị Tuyết Chinh (36 tuổi, trú xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), hiện sinh sống ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Người phụ nữ này móc nối một số chân rết ở nội địa, dụ dỗ, lôi kéo những lao động nhẹ dạ cả tin đi nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao". Thậm chí, Chinh có nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam, đích thân đi tuyển người để bán cho ông chủ các công ty lừa đảo xuyên quốc gia có trụ sở ở khu vực Tam Giác Vàng.

Kế hoạch bắt giữ Phạm Thị Tuyết Chinh được lực lượng Công an huyện Quỳ Châu vạch ra.

"Có thời điểm, nguồn tin trinh sát cho biết Chinh sẽ nhập cảnh vào Việt Nam để "ăn hàng". Ban chuyên án cử một tổ công tác vượt cả nghìn km ra "đón lõng" nhưng vốn đa nghi hoặc đánh hơi sự nguy hiểm, gần đến khu vực biên giới, chị ta liền quay lại", Thượng tá Hiếu cho hay.

Tối 7/8, thông tin Chinh sẽ nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu thuộc huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), tổ công tác Công an huyện Quỳ Châu tức tốc lên đường. Suốt gần một ngày mai phục, đến chiều tối 8/8, tổ công tác bắt giữ Chinh khi chị ta có mặt tại địa điểm theo nguồn tin. Cùng ngày, một tổ công tác khác cũng bắt giữ Vi Văn Nhập tại nhà riêng.

Bước đầu Công an huyện Quỳ Châu làm rõ, Nhập và Chinh đã lừa 2 lao động trên địa bàn bán sang các công ty lừa đảo ở khu vực Tam Giác Vàng.

Công an đang tạm giữ hình sự Phạm Thị Tuyết Chinh và Vi Văn Nhập về hành vi mua bán người. Chuyên án đang được Công an huyện Quỳ Châu điều tra mở rộng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đào tẩu của lao động Việt khỏi đặc khu Tam Giác Vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO