Chèo sup cứu người khỏi nước lũ
Từ tối 8/9, khi mưa lớn khiến mực nước liên tục dâng cao ở nhiều vùng ven sông trũng thấp của TP Thái Nguyên, chị Nguyễn Thị Việt (SN 1984) - công tác tại Bệnh Viện Trung ương Thái Nguyên - cảm thấy nóng ruột.
Nhà chị ở phường Quang Trung, nhờ địa hình cao nên may mắn không bị ngập. Tuy nhiên, ở phường Quang Vinh, nơi gia đình anh Trần Tuấn - bạn thân chị - cư trú, nguy cơ ngập sâu là rất cao. Đêm đó, lực lượng chức năng thức trắng để đắp đê, người dân cũng không ai dám chợp mắt.
Trước tình hình nguy cấp, vợ chồng chị Việt vội nhắn bạn bè chuẩn bị sẵn sup và áo phao để đề phòng dùng khi cần. Vốn sắm những món đồ này để cả nhà đi chơi cuối tuần, chị không ngờ chúng sẽ hữu ích, giúp chị cứu trợ nhiều người trong cơn lũ.
Sáng 9/9, anh Trần Tuấn nhắn chị Việt kêu cứu vì chung cư Tiến Bộ (phường Quang Vinh) nơi anh sống cùng vợ và con nhỏ 12 tháng tuổi, cả khu ngập sâu 8-9m trên diện rộng và bị cắt toàn bộ điện, nước. Gia đình anh ở tầng 3, trong khi nước lũ đã dâng lên tới tầng 2, nên cả nhà di dời để tránh nguy hiểm.
10h30, chị Việt cùng em gái và một nam đồng nghiệp đưa 3 chiếc sup (chèo ván đứng) vào đến nơi, nhanh chóng chèo vào giải cứu người gặp nạn. Sau 3 tiếng khẩn trương và không kịp ăn trưa, nhóm của chị đưa được khoảng 6 hộ dân ra ngoài an toàn.
Bên cạnh đó, những chiếc sup còn được dùng làm phương tiện vận chuyển, đưa nước và mì tôm tiếp tế cho những cư dân đang trú ngụ ở các tầng cao.
Chị Việt cho biết, ở phường Quang Vinh ngập sâu, rất nhiều người dân cầu cứu. Thế nhưng, vì thiếu thuyền và xuồng cứu hộ, công tác giải cứu gặp nhiều khó khăn.
Do đó, các gia đình có sup đều đưa ra để cứu người. Loại phương tiện này di chuyển tốt ở những nơi ngập 3-4m, nước không quá xoáy. Nhờ đó, không ít cư dân đã được đưa đến nơi trú ẩn an toàn.
"Gia đình bạn thân đã đến trú tạm ở nhà tôi. Tôi vẫn lo lắng vì đến tối, nhiều đồng nghiệp của tôi ở vùng ngập vẫn chưa ra được", chị ngậm ngùi nói.
Tối muộn 9/9, sau khi trở về từ vùng ngập, chị Việt xót xa khi nhớ lại cảnh nhiều người dân phải trèo lên nóc nhà chờ cứu hộ đến.
"Từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh ngập lụt nặng nề như vậy ở thành phố, không những mất mát tiền của mà còn thương vong về người. Thuyền cứu hộ không đủ, sup thì chỉ đi được ban ngày và nước lặng. Đội cứu hộ cũng quá tải nên số điện thoại nhiều khi không liên lạc được. Tình cảnh thật sự xót xa. Chỉ cầu mong nước không dâng nữa", chị chia sẻ.
Dành 3 phòng cho người lạ đến tránh lũ
Trong cơn lũ dữ đang tàn phá TP Thái Nguyên, nhà chị Ngọc Xuân - giáo viên trường THCS Quang Trung - ở phường Quang Trung không bị ngập. Bởi vậy, chị bàn bạc với chồng cả nhà dồn vào ngủ chung một phòng nhỏ, còn lại 3 phòng lớn dọn dẹp sạch sẽ để mời mọi người ai cần có thể đến tránh lũ.
Chị Ngọc Xuân cho biết, mỗi phòng nhà chị ở được 5-6 người, có nhà vệ sinh và điều hòa đầy đủ. Nếu số lượng đến đông hơn, mọi người không ngại có thể trải chăn, chiếu ngủ cả ở tầng một.
Chị Ngọc Xuân sẵn sàng hỗ trợ mọi người việc cơm nước, giặt đồ và chăm sóc trẻ nhỏ. Gara của gia đình cũng có thể chứa khoảng 15 xe máy.
Chuẩn bị xong, chị Ngọc Xuân nhanh chóng đăng bài lên mạng xã hội, chia sẻ địa chỉ và số điện thoại để mọi người liên lạc. Chỉ sau 30 phút, có hai người gọi tới mong muốn ở nhờ.
"Nghe máy xong, tôi để cửa chờ mọi người đến, không dám rời chiếc điện thoại. Gia đình tôi mong đón được nhiều bà con vùng ngập úng để hỗ trợ", chị nói.
Ngoài ra, chị Ngọc Xuân cũng thông tin trên nhiều hội nhóm học sinh, hỏi thăm phụ huynh nhà ngập có thể sang trú tạm. Chị cũng chia sẻ thông tin của các đoàn cứu hộ và những điểm người dân cần giúp đỡ.
Chồng chị Ngọc Xuân là bộ đội, hiện cũng tham gia công tác cứu hộ.
Xung phong đi hỗ trợ cứu nạn
Lần đầu tiên chứng kiến quê hương chịu thiệt hại nặng nề vì bão lụt, Đặng Minh Đức (SN 2002) - sinh viên Đại học Công nghiệp Thái Nguyên - không khỏi xót xa.
Nhà Đức ở xã Phúc Tân (TP Phổ Yên) không bị ngập. Khi thấy nhiều khu vực khác chìm trong biển nước, chàng trai đã đăng lên mạng xã hội dòng trạng thái mong muốn kết nối với các đoàn thiện nguyện để đi hỗ trợ cứu nạn.
"Tôi biết bơi, có 2 năm kinh nghiệm dạy bơi, có chứng chỉ tập huấn kỹ năng cứu hộ nên nghĩ sẽ giúp được mọi người", anh chia sẻ.
Sau khi đăng bài, Đức nhận được nhiều tin nhắn bày tỏ mong muốn cùng đi cứu hộ. Sốt ruột vì chưa liên hệ được với đoàn nào, 16h, chỉ kịp vơ vội chiếc áo phao và điện thoại, nam sinh cùng một người bạn ra khu vực cầu Bến Tượng.
Đến nơi, thấy lực lượng quân đội đang khẩn trương đắp đập, Đức liền xắn tay vào trợ giúp. Tới 18h, khi mọi người nghỉ tay ăn cơm, chàng trai tiếp tục di chuyển ra khu Mỏ Bạch. Tại đây ngập sâu, người dân liên tục kêu cứu nhưng không có đủ thuyền, phải chờ mang từ nơi khác đến.
"Ngồi đợi thuyền 40-50 phút, tôi rất sốt ruột. Hai anh em tôi chưa kịp ăn gì nhưng giúp người đã, tối muộn về rồi ăn sau", Đức vừa dứt lời là lúc thuyền vừa đến, nam sinh nhanh chóng tạm biệt để đi vào vùng nước ngập sâu.
Chiều 9/9, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên cho biết, trên sông Cầu, lũ lên nhanh và diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ và vận hành một số hồ chứa ở phía thượng lưu.
TP Phổ Yên, TP Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, Phú Bình... xảy ra ngập úng, nước lũ dâng cao, có nơi hơn 70cm, thời gian ngập 12-24 giờ, có nơi thời gian ngập úng lâu hơn.
Trên mạng xã hội, người dân Thái Nguyên liên tục đăng bài cầu cứu, tìm kiếm phao, xuồng cứu sinh và thuyền để giải cứu người thân đang gặp nguy hiểm. Nhiều cá nhân, tổ chức, hội nhóm đã chia sẻ thông tin liên lạc để người gặp nạn gọi điện tới thông báo vị trí, từ đó di chuyển đến ứng cứu.
Bên cạnh đó, hàng loạt bài viết mong muốn hỗ trợ từ áo phao, nước, mì tôm, suất cơm… cho người dân ở vùng ngập sâu cũng được đăng tải. Không ít người còn dọn dẹp phòng ốc, mời người lạ đến tránh lũ nếu cần. Những hành động này thể hiện tinh thần tương thân tương ái, gây xúc động mạnh giữa bão lũ.
Ảnh và video: Nhân vật cung cấp