Ngày 2/4, ông Nguyễn Quốc Huy (41 tuổi, ngụ quận 3) đã nhận thông báo từ Công ty CP Cấp nước Gia Định liên quan việc nước tiêu thụ của gia đình ông trong tháng 2 tăng bất thường với hóa đơn hơn 57 triệu đồng.
Theo ông Huy, đơn vị cấp nước yêu cầu gia đình ông phải cung cấp kết quả giám định đồng hồ nước trước ngày phát hành hóa đơn tiền nước kỳ tháng 4 để giải quyết theo quy định.
Nếu trước kỳ tháng 4 trên, ông chưa cung cấp được kết quả giám định, phía công ty yêu cầu ông phải thanh toán hóa đơn tiền nước đã được lập (tức phải thanh toán hơn 57 triệu đồng).
Chủ căn nhà cho biết đã gửi đơn đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng để vào cuộc hỗ trợ. "Tôi đang tìm hiểu đơn vị nào có chức năng để làm giám định đồng hồ. Giám định phải theo luật giám định. Nếu không giải quyết được, hai bên có thể ra tòa", ông Huy nói.
Người đàn ông cho biết gia đình muốn làm rõ 3.000m2 nước thoát đi đâu khi không sử dụng. Nếu không làm rõ vấn đề này, có khả năng trong tương lai, gia đình ông còn xảy ra tình trạng tương tự. Nếu không phải nhà ông, nhiều hộ dân khác cũng có thể là nạn nhân.
Chiều 21/3, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, ông Lê Trọng Thuần, Giám đốc kinh doanh Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), đã trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí liên quan tới vụ việc. Đại diện phía Sawaco thông tin, địa chỉ cấp nước này thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định.
"Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định áp dụng phương án tính hóa đơn nước kỳ tháng 2 vẫn bằng trung bình các kỳ trước là khoảng 20m3. Sau khi có kết quả kiểm định đồng hồ nước, chúng tôi sẽ thông tin tới khách hàng và đưa ra hướng xử lý tiếp theo", ông Thuần nói.
Trước đó, ông Nguyễn Quốc Huy tá hỏa khi nhận hóa đơn tiền nước tháng 2 hơn 57 triệu đồng.
Theo ông Huy, tháng 1 (trước Tết), nhân viên đến đo đồng hồ nước nhưng gia đình đi vắng. Phía công ty lấy mặc định lượng nước sử dụng những tháng trước đó để ra hóa đơn và tính toán lại sau.
Tháng 2, khi nhận mức phí sử dụng nước trên, ông Huy quá bất ngờ. Trung bình mỗi tháng gia đình ông sử dụng khoảng 20m3 nước với số tiền hơn 200.000 đồng. Ông nghi đồng hồ nước có vấn đề mới xảy ra chuyện như vậy.
Chủ gia đình tính toán, nếu 3.000m3 nước thất thoát trong 2 tháng, mỗi ngày gia đình ông phải dùng tầm 50m3, tức 2m3 nước/giờ. Tuy nhiên, khi dùng thiết bị đo lượng nước từ đường ống qua máy bơm cung cấp cho gia đình, ông đo được áp suất nước tối đa chỉ 1,5m3/giờ.