Những nội dung này được ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin đến cử tri và đại biểu trong Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, địa phương đã thực hiện việc . Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và huyện.
Theo ông Tuấn, quá trình sáp nhập không tránh khỏi vấn đề dôi dư công sở, nhà đất công.
"Đây là nội dung mà cử tri trong tỉnh hết sức quan tâm. Quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ không tránh khỏi chuyện dôi dư. Mặc dù chúng ta đã cố gắng nhưng số dư đang còn nhiều. Điều này cũng gây bức xúc và để lại lãng phí", ông Tuấn nói.
Thông tin đến cử tri và đại biểu tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn cho biết, việc sắp xếp các công sở dôi dư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tập trung chỉ đạo trong năm 2024.
"Đến 31/12/2024 phải cơ bản sắp xếp xong việc nhà đất dôi dư từ cơ quan cấp tỉnh đến cấp huyện, xã", Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa "chốt" thời gian thực hiện việc xử lý công sở dôi dư.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin thêm, trước ngày 31/12 năm nay, địa phương này sẽ thành lập Ban chỉ đạo để xử lý các công sở, nhà đất dôi dư.
Theo đó, việc thành lập ban chỉ đạo được phân cấp rõ ràng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
"Tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thành phố sẽ thành lập ban chỉ đạo riêng. Chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban chỉ đạo để xây dựng phương án sắp xếp hoặc đề xuất cấp trên sắp xếp các công sở dôi dư", ông Tuấn nói và cho hay đến 31/12 sẽ thành lập xong các ban chỉ đạo, các cơ quan tài chính là cơ quan thường trực.
Trước đó, như báo Dân trí đã phản ánh, giai đoạn 2019-2023, tỉnh Thanh Hóa thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính. Sau sắp xếp, toàn tỉnh có 923 công sở, nhà đất công dôi dư.
Thực trạng công sở, nhà đất dôi dư, lãng phí kéo dài nhiều năm qua nhưng địa phương vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. Trong đó, nhiều công trình, trụ sở trị giá hàng tỷ đồng do không được sử dụng trong thời gian dài, bị hư hỏng, xuống cấp, hoang phế, thậm chí có địa điểm thành nơi nuôi lợn, gây lãng phí tài sản của nhà nước.