Công Phượng về nước có phải thất bại?

MINH PHONG| 28/09/2024 12:04

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã gây chú ý khi chọn thi đấu cho một đội bóng ở giải hạng Nhất Quốc gia.

Công Phượng về nước có phải thất bại?
Công Phượng không có cơ hội ra sân khi khoác áo đội bóng Nhật Bản. Ảnh: Yokohama FC

Quyết định của Công Phượng

Tính đến hiện tại, Công Phượng đã trải qua 10 năm thi đấu chuyên nghiệp. Câu lạc bộ Bình Phước là đội bóng thứ 7 mà cầu thủ này đầu quân.

Nhưng so với Mito Hollyhock, Yokohama FC (Nhật Bản), Sint Truidense (Bỉ), Incheon United (Hàn Quốc) hay TPHCM, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Phước là câu lạc bộ bị đánh giá thấp hơn.

Thực tế, Công Phượng từng chơi ở giải hạng Nhất, nhưng đó là khi anh thi đấu ở Nhật Bản. Nên nhớ, J.League 2 xét về quy mô và vị thế thậm chí còn hơn cả V.League.

Minh chứng rõ nhất là Công Phượng chỉ ra sân đúng 5 trận ở hạng đấu này, tính cả 2 lần sang Nhật Bản chơi cho Yokohama FC và Mito Hollyhock. Trong khi đó, tại V.League, với chỉ 1 mùa thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai, số lần ra sân của tiền đạo 29 tuổi đã gấp 5 lần.

Trở lại với chuyện thi đấu cho Bình Phước ở giải hạng Nhất Quốc gia, xét ở góc độ khách quan, Công Phượng thực tế không có nhiều hơn 1 lựa chọn. Thời điểm anh chia tay Yokohama FC, V.League đã đóng cửa chuyển nhượng nội binh. Đồng nghĩa, ngay cả khi muốn hồi hương, Công Phượng cũng chỉ đủ điều kiện ra sân ở giải hạng Nhất.

Lùi 1 bước có tiến 3 bước?

Theo khách quan, việc Công Phượng trở về Việt Nam chơi bóng đã là một bước lùi trong sự nghiệp. Trong lần thứ 3 nỗ lực sang nước ngoài chơi bóng, tiền đạo sinh năm 1995 vẫn không thể khẳng định năng lực của bản thân. Đáng nói, sau khi về nước, bến đỗ của Công Phượng chỉ là giải hạng Nhất.

Dù vậy, đây lại là lựa chọn hợp lý nhất thời điểm này. Việc đến Bình Phước chơi bóng không chỉ giúp Công Phượng có một bản hợp đồng với tiền lót tay hậu hĩnh, mà còn rộng cửa được ra sân thi đấu thường xuyên.

Tại câu lạc bộ Bình Phước nói riêng và giải hạng Nhất nói chung, Công Phượng được xem là ngôi sao số 1. Huấn luyện viên Nguyễn Anh Đức hay Giám đốc điều hành Yusuke Adachi đều kì vọng vào năng lực và sức hút của chân sút 29 tuổi.

Ngoài việc tìm lại cơ hội ra sân vốn đã bị đánh mất tại Yokohama FC, Công Phượng có lý do để tin vào việc khơi thông hiệu suất săn bàn.

Nên nhớ, ở 2 lần xuất ngoại bất thành trước đó, Công Phượng đều "hồi sinh" khi trở lại Việt Nam. Năm 2017 và 2018, tiền đạo xứ Nghệ ghi tổng cộng 19 bàn ở V.League cho Hoàng Anh Gia Lai, sau khi chia tay Mito Hollyhock.

Mùa giải 2020 đến 2022, Công Phượng cũng duy trì tần suất 5-6 bàn/mùa, sau lần sang chơi cho Incheon United và Sint Truidense đầy truân chuyên.

Trong lần thứ 3 hồi hương này, Công Phượng chỉ chơi ở giải hạng Nhất. Do vậy, việc Công Phượng ghi bàn trở lại, thậm chí là trở thành "Vua phá lưới" của giải đấu cũng là điều nằm trong kỳ vọng.

Nhìn cách Đình Bắc - ngôi sao hàng đầu của hạng Nhất cách đây 2 năm đang phải gồng mình qua từng trận tại V.League, đủ để thấy sự chênh lệch đẳng cấp giữa hai hạng đấu của Việt Nam.

Trên tất cả, Công Phượng phải chứng minh năng lực của mình trong mắt huấn luyện viên Kim Sang-sik, với hy vọng trở lại đội tuyển Việt Nam. Và việc được ra sân thi đấu thường xuyên và ghi bàn đều đặn tại hạng Nhất cũng là 1 cách để anh gửi gắm thông điệp đến chiến lược gia người Hàn Quốc.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/bong-da/cong-phuong-ve-nuoc-co-phai-that-bai-1400558.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/bong-da/cong-phuong-ve-nuoc-co-phai-that-bai-1400558.ldo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Công Phượng về nước có phải thất bại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO