Công nghiệp ô tô Nga hồi sinh mạnh mẽ dù bị phương Tây cấm vận

20/06/2024 07:26

Sau khi suy thoái mạnh vì bị cấm vận từ phương Tây vào năm 2022, ngành công nghiệp ô tô tại Nga đã phục hồi vào năm 2023 nhờ những nỗ lực nội tại. Dự báo năm 2024, ô tô Nga sẽ táng trưởng đến 32%.

Khó khăn bởi làn sóng rời bỏ thị trường Nga của các "ông lớn"

Liên bang Nga từng là một trong những quốc gia sản xuất ô tô nhiều nhất châu Âu và thế giới. Theo trang dữ liệu Startista, năm 2021, lượng ô tô sản xuất tại Nga là xấp xỉ 1,4 triệu chiếc và phần lớn phục vụ cho thị trường trong nước.

Trong đó, riêng công ty AvtoVaz (sở hữu thương hiệu xe Lada) xuất xưởng khoảng 1 triệu xe mỗi năm. Nga cũng là thị trường ô tô lớn khi tiêu thụ khoảng 1,51 triệu xe ô tô mới trong năm 2021.

Lada Russia.jpeg
Lượng sản xuất ô tô mới tại Nga từng đạt 1,4 triệu chiếc trong năm 2022. (Ảnh: LADA)

Tuy vậy, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, hầu hết các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đã ngừng xuất khẩu xe và linh kiện đến nước này.

Một số hãng lớn có nhà máy trong nước đã đình chỉ sản xuất vô thời hạn. Đi cùng với đó là những lệnh cấm vận khác từ phương Tây, khiến cả ngành công nghiệp sản xuất lẫn thị trường ô tô Nga bị "bóp nghẹt".

Các thương hiệu ô tô lớn như Mercedes-Benz, Volkswagen, BMW, Toyota, Nissan, General Motors, Audi, Skoda và nhiều hãng khác đã lần lượt rời khỏi thị trường Nga vào năm 2022 mà không hẹn ngày trở lại.

Theo Startista, ba hãng xe là Volkswagen, Renault Group và Toyota Motor nằm trong số 10 công ty nước ngoài có doanh thu cao nhất ở Nga vào năm 2021.

Đặc biệt, hãng xe Renault của Pháp sở hữu tới 68% cổ phần của công ty AvtoVaz đã phải bán toàn bộ tài sản của mình cho một viện nghiên cứu với giá tượng trưng là 1 rúp Nga (khoảng 300 VNĐ) cùng điều khoản Renault được mua lại cổ phần trong vòng 6 năm.

Việc các "ông lớn" xe hơi rời khỏi Nga trong thời gian ngắn khiến hàng chục nghìn lao động bị ảnh hưởng. Theo thống kê trong năm 2022, có gần 60 nghìn nhân viên của các công ty ô tô trong nước mất việc. Trong đó, riêng nhân viên của Renault ước tính đã lên tới 45.000 người.

Các lệnh trừng phạt từ phương Tây còn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô Nga. Một số nhà sản xuất ô tô của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản không chỉ rút lui mà việc cung ứng linh kiện, phụ tùng của các nhà cung cấp đến nước Nga cũng bị đình chỉ vô thời hạn. Điều này khiến toàn bộ ngành sản xuất ô tô của Nga gần như bị tê liệt.

Kết quả là vào năm 2022, ngành ô tô Liên bang Nga suy giảm sâu đến 67% về lượng sản xuất và gần 60% về doanh số bán hàng so với năm 2021. Đây là số liệu tệ nhất trong nhiều năm, thậm chí kém xa năm 2020 - thời gian cao điểm của dịch Covid-19 khiến tất cả đại lý phải đóng cửa trong thời gian dài.

Nỗ lực hồi sinh mạnh mẽ

Sau khi ngành công nghiệp ô tô "xuống đáy" vào năm 2022, Chính phủ Nga cũng như các nhà sản xuất ô tô nội địa đã bắt đầu có những giải pháp mạnh mẽ để vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi ngành công nghiệp quan trọng này.

Tháng 6/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho Bộ Công Thương Nga xây dựng chiến lược mới để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, trong đó phải cân nhắc đến "tính thực tế hiện tại" đó là sự tự chủ. Có nghĩa là Nga sẽ phải tạo ra một ngành công nghiệp độc lập với nước ngoài và người Nga được khuyến khích sử dụng ô tô sản xuất trong nước.

“Điều đặc biệt quan trọng là phải hình thành các phương pháp tiếp cận chiến lược đối với sự phát triển của ngành công nghiệp, để tạo ra một chương trình dài hạn về thay đổi công nghệ và sản xuất, dựa trên nhu cầu của người dân về ô tô chất lượng cao và giá cả phải chăng" - Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh trên Svpressa.

Cũng vào tháng 6/2022, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nga AvtoVAZ đã khởi động lại dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy ở thành phố St. Petersburg, nơi trước đây thuộc về nhà sản xuất ô tô Nissan của Nhật Bản. Đồng thời, hãng nâng cao công suất sản xuất của mình và tìm kiếm các đối tác cung cấp chuỗi giá trị mới.

Nhiều mẫu xe "huyền thoại" từ thời Xô Viết nhưng dừng sản xuất từ lâu đã được hồi sinh trong giai đoạn này, một phần nhờ vào sự hợp tác sâu rộng chưa từng có với các hãng xe Trung Quốc.

Đơn cử như dòng ô tô cổ điển thời Liên Xô - Moskvich ra mắt mẫu SUV Moskvich 3 vào tháng 11/2022 với kiểu dáng đẹp và các bộ phận động cơ nhiều chi tiết từ JAC Motors của Trung Quốc.

Có thể nói, Moskvich 3 giống như một chiếc JAC Sehol X4 được lắp ráp tại Moscow bằng cách sử dụng các linh kiện từ đối tác Trung Quốc.

moskvich 3 2 b573.jpeg
Dòng xe huyền thoại Moskvich được hồi sinh sau 20 năm với chiếc Moskvich 3 vào cuối năm 2022. (Ảnh: JAC)

Hay Volga - thương hiệu thuộc GAZ (Gorky Automobile Plant) dừng sản xuất từ năm 2010 cũng đã trở lại vào đầu năm 2024 với 3 mẫu xe mới. Đó là C40 sedan, K30 và K40 SUV. Cả ba sử dụng động cơ JL473ZQ7 dung tích 1.5L của hãng Changan Trung Quốc.

Dữ liệu từ cơ quan phân tích Autostat của Nga cho biết, năm 2023, sản lượng xe xuất xưởng đạt 720.000 chiếc, tăng 16% so với 2022. Doanh số bán xe mới năm 2023 đạt 1,06 triệu chiếc, tăng đến 69% so với cùng kỳ 2022, nhưng vẫn kém khá xa so với kết quả 1,51 triệu xe hồi 2021, trước khi xung đột Ukraine nổ ra. Lada vẫn là thương hiệu bán chạy nhất với thị phần chiếm hơn 30%.

Autostat dự báo doanh số năm 2024 của thị trường ô tô Nga sẽ tăng 18-32% so với năm 2023, lên mức 1,25-1,4 triệu chiếc.

Đồng thời, các hãng xe và nhà sản xuất linh phụ kiện của Trung Quốc sẽ vẫn giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Nga.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp ô tô Nga hồi sinh mạnh mẽ dù bị phương Tây cấm vận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO