Công nghệ số là con đường ngắn nhất để đến tương lai

15/07/2023 10:48

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, mọi người đang rất hào hứng, quan tâm đến công nghệ số và công nghệ số sẽ là con đường ngắn nhất để đến tương lai.

Công nghệ số sẽ là con đường ngắn nhất để đến tương lai

Chiều ngày 14/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Bộ TT&TT về tình hình phát triển của ngành TT&TT.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa được phân công phụ trách lĩnh vực TT&TT, ngày 12/7 vừa qua ông cũng đã được bổ sung làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số thay Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định, TT&TT là lĩnh vực hấp dẫn, phù hợp xu thế và đang đồng hành trong tất cả mọi mặt, len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Bộ TT&TT có 2 chữ S, một là “Số” - Công nghệ số, chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số; hai là “Sách”, nói rộng ra là báo chí và xuất bản.

Theo Phó Thủ tướng, công nghệ số sẽ là con đường ngắn nhất để đến tương lai, đầu tư hạ tầng số chắc không đáng kể nếu so với làm đường cao tốc và hạ tầng ảo hoàn toàn không hề kém mà thậm chí trong xu thế, nó còn rất đáng quan tâm.

“Hơn lúc nào hết, mọi người đang rất hào hứng, quan tâm đến công nghệ số. Mọi ngõ ngách cuộc sống đều ứng dụng công nghệ. Mọi người cũng đang chờ đợi và chào đón những thay đổi trong lĩnh vực này mà cái hot nhất, hấp dẫn nhất là trí tuệ nhân tạo, cả mặt thuận và chưa thuận, cả sự lo lắng và hào hứng”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá ngành TT&TT thời gian qua đã làm được rất nhiều việc. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành TT&TT đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng các chỉ số của ngành TT&TT đều vượt trên mức trung bình của thống kê thế giới, Bộ TT&TT thời gian qua đã làm được rất nhiều việc.

“Nếu tóm gọn một câu, mỗi ngày một tốt hơn, mỗi ngày một kinh nghiệm hơn, giải pháp tích cực và hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ.

Tại buổi làm việc, các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Huy Dũng đã báo cáo với Phó Thủ tướng về tình hình phát triển ngành TT&TT, các vấn đề đấu tranh trên không gian mạng; những thách thức và lời giải của Việt Nam trong xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long báo cáo về tình hình phát triển ngành TT&TT thời gian qua. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành TT&TT là 12,4%, gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành là 3.893.595 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách toàn ngành là 98.982 tỷ đồng.

Tổng số lao động toàn ngành là trên 1,5 triệu người. Tổng số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp toàn ngành là gần 85.000 đơn vị, gồm khoảng hơn 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số…

Cùng với đó, thời gian qua công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ TT&TT đã và đang nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi, bổ sung và đề xuất xây dựng mới 7 dự án Luật. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng mới Luật Chính phủ số/Luật Chuyển đổi số. Bộ TT&TT cũng đã trình Chính phủ ban hành 16 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 Quyết định và ban hành 93 Thông tư thuộc thẩm quyền.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng báo cáo Phó Thủ tướng về các thách thức và lời giải cho chuyển đổi số Việt Nam. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Điểm ra các thách thức về thể chế, nhân lực, công cụ, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng báo cáo với Phó Thủ tướng về cách tiếp cận, lời giải Việt Nam với từng vấn đề này.

Đơn cử như, về thể chế, thách thức là môi trường thực có nhiều luật điều chỉnh và được xây dựng qua nhiều năm. Lời giải Việt Nam cho vấn đề này là môi trường số dùng một luật quy định giá trị pháp lý của các thành tố cơ bản và các luật đã có có thể áp dụng được ngay, có hiệu lực ngay. Lời giải Việt Nam còn là khung thể chế cho phép thử nghiệm cái mới có kiểm soát, trong một không gian, thời gian có giới hạn.

Việc khó, việc đặc biệt cần có cách tiếp cận khác

Trong khuôn khổ buổi làm việc, lãnh đạo của 5 doanh nghiệp lớn gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC cũng đã thẳng thắn nêu ra một số thách thức và có những đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng.

Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng, hiện nay việc triển khai giải pháp chuyển đổi số ở các địa phương đang có sự lúng túng về nguồn vốn, là đấu thầu, mua dự án hay làm dịch vụ: “Chúng tôi mong muốn Chính phủ thống nhất đó là dịch vụ hay đầu tư để các tỉnh đồng bộ. Đây là điều cần thiết phải được thể chế cụ thể hóa ra, từ những chiến lược mang tầm quốc gia như kinh tế số, xã hội số, chính phủ số cho đến các lĩnh vực cụ thể”.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng đề xuất mở rộng không gian phát triển mới cho doanh nghiệp. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Bên cạnh đề xuất cần mở ra không gian phát triển mới trong bối cảnh viễn thông suy giảm, đại diện Viettel cũng kỳ vọng sẽ có được sự quan tâm, mở đường hơn nữa của nhà nước để doanh nghiệp ra nước ngoài được thuận lợi.

“Chúng tôi mong muốn có chiến lược đi ra nước ngoài, xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tự tin vươn ra thế giới bằng sự mở đường của Chính phủ”, đại diện Viettel chia sẻ.

Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính cũng cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp đã biết đi ra thị trường nước ngoài. Chúng ta cần đưa năng lực Việt Nam ra thị trường quốc tế, làm cho ngành CNTT Việt Nam ngày một mạnh hơn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc FPT Telecom Hoàng Việt Anh nhận định, thời gian qua, khi thị trường CNTT và viễn thông trong nước gặp khó khăn, thị trường CNTT và viễn thông ở nước ngoài rất tiềm năng với các doanh nghiệp Việt. Vì thế, FPT mong Chính phủ và Bộ TT&TT tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài.

Trong trao đổi với Bộ TT&TT, cùng với việc chỉ ra một số tồn tại, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc phải làm còn rất nhiều. Cần phải cụ thể hóa, thể chế hóa, vượt qua các rào cản quy định. Cần có sự ưu tiên nghiên cứu những công nghệ cao, đột phá. Cần mở đường cho doanh nghiệp vươn ra nước ngoài, cần có sự đặt hàng, đồng thời phát triển không gian mới.

Về cách làm, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tích cực thống kê, làm quyết liệt, từng bước sửa các thể chế, quy định chồng chéo.

“Giai đoạn trước mắt, chúng ta phải hết sức nhẫn nại, làm từng việc từ nhỏ đến lớn, bằng các đề án cụ thể, gỡ từng cái, từ đó tạo sự cảm hứng”, Phó Thủ tướng nói.

Bày tỏ sự đồng tình với quan điểm việc khó, việc đặc biệt phải có cách tiếp cận khác, Phó Thủ tướng mong Bộ TT&TT luôn “sẵn sàng để đón nhận cái mới, vượt qua thử thách. Chúng tôi sẵn lòng chia sẻ, đồng hành”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, toàn ngành TT&TT luôn coi thách thức mới là động lực mới để tiếp tục phát triển. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trong phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, 5 năm qua, ngành TT&TT, Bộ TT&TT đã có nhiều đổi mới, có những thành tích nhất định, nhưng những thách thức mới không vì thế mà ít đi, thậm chí nhiều hơn.

Khẳng định toàn ngành TT&TT luôn coi thách thức mới là động lực mới để tiếp tục phát triển, người đứng đầu ngành TT&TT cũng mong Phó Thủ tướng sẽ giao nhiều việc lớn, việc khó của Chính phủ, của Đất nước cho ngành, cho Bộ để ngành TT&TT phát triển.

"Các doanh nghiệp, các đơn vị của ngành sẽ cố gắng nhiều hơn, kêu khó ít đi", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • Đừng 'thả' con bơi trong thế giới công nghệ số
    Thời đại công nghệ số, ngày càng nhiều cha mẹ giao cho con các phương tiện hiện đại: điện thoại, ipad, máy tính… Ngoài những lợi ích tích cực, phục vụ cho việc liên lạc, tìm kiếm thông tin đáp ứng việc học tập, các thiết bị công nghệ số cũng đang dẫn dắt trẻ vào mê cung mạng xã hội với nhiều thông tin thiếu kiểm soát.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ số là con đường ngắn nhất để đến tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO