Đã ba ngày từ khi nhận thông báo điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, em Lê Minh Châu (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) nhốt mình trong phòng, không nói chuyện với ai. Suốt những năm cấp 2, Minh Châu đều được đánh giá học tốt các môn và đăng ký nguyện vọng vào THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) gần nhà.
Thay vì lựa chọn 3 nguyện vọng, Minh Châu lại chỉ đăng ký duy nhất vào một trường với tự tin sẽ đỗ. Nữ sinh thi được 9 điểm Toán, 8 điểm Văn và tiếng Anh, tổng điểm được 42,25 vừa bằng điểm chuẩn năm ngoái. Nhiều người nhận xét đây là mức điểm cao và tin rằng nữ sinh đã chắc suất vào ngôi trường mong muốn.
Nhưng khi có thông báo điểm chuẩn, Minh Châu bất ngờ, nước mắt trào ra vì năm nay trường THPT Lê Quý Đôn lấy 42,5 điểm chuẩn. Trước đó Minh Châu cũng thử sức thi THPT chuyên Sư phạm Hà Nội nhưng không trúng tuyển.
Chị Hoàng Thị Lan - mẹ Minh Châu tâm sự: "Có lẽ việc không đỗ vào THPT chuyên Sư phạm đã khiến con bị tâm lý dẫn đến làm bài không tốt như mong đợi trong kỳ thi vào 10. Con đặt mục tiêu 9 điểm tiếng Anh nhưng chỉ được 8. Cho đến tận bây giờ con vẫn chưa chấp nhận sự thật bản thân đã trượt công lập".
Chứng kiến con học ngày học đêm để giành vé vào lớp 10 giờ lại chứng kiến cảnh con buồn bã, tự nhốt mình trong phòng trách móc bản thân là người kém cỏi, chị Lan là người xót xa hơn ai hết.
"Nhiều lần tôi ngồi trước cửa phòng tâm sự với con rằng kết quả không phải lúc nào cũng như ta mong đợi, con không đỗ không có nghĩa con kém cỏi. Học trường tư cũng không sao, miễn là sau này con chăm chỉ cố gắng", chị Lan nhiều lần khuyên nhủ nhưng chỉ nhận lại được câu "con xin lỗi vì đã thi trượt" vọng ra từ căn phòng nhỏ.
Chị Lan chia sẻ, Minh Châu buồn như vậy một phần vì tiếc nuối điểm số còn một phần do thương bố mẹ suốt thời gian qua đầu tư nhiều tiền để học thêm, nếu sắp tới học trường tư thục, bố mẹ có lẽ sẽ vất vả hơn.
"Con học giỏi bố mẹ nào cũng muốn nhưng gia đình chúng tôi mong con mạnh khoẻ, sống vui hơn. Sau này con còn nhiều cuộc thi khác để khẳng định bản thân", chị Lan nói và cho biết sẽ luôn ở bên, động viên Minh Châu vượt qua cú sốc này.
Cũng chung nỗi buồn với Minh Châu, Đặng Tiến Dũng (Thanh Xuân, Hà Nội) lập tức thoát hết các nhóm lớp, nhóm chat với bạn bè ngày sau khi biết kết quả.
"Em ám ảnh mỗi khi các bạn gửi điểm số vào nhóm khoe đã đỗ trường này, trường kia và sợ mỗi khi mình bị nhắc tên hỏi về kết quả", Dũng nói trước khi thi vào 10 đã hẹn với nhóm bạn thân cùng nhau đỗ vào trường THPT Chu Văn An. Nhưng đến ngày có kết quả, các bạn trong nhóm đỗ hết, chỉ có mình Dũng trượt khiến nam sinh thấy thất vọng về bản thân.
Dũng cho hay, trước ngày quan trọng bị sốt cao nên suốt hai ngày thi làm bài không được như ý. Ngay sau kỳ thi, tự tính điểm nam sunh đã buồn vì dự đoán điểm số không cao. Được bố mẹ động viên, Dũng đã chuẩn bị tâm lý từ sớm nhưng đến ngày báo điểm, các hội nhóm hoạt động liên tục với các tin nhắn bạn bè chúc mừng nhau khiến nam sinh mệt mỏi.
"Bạn thân tổ chức buổi ăn mừng trúng tuyển nhưng em không có mặt mũi và tâm trạng nào tham gia. Em có cảm giác mình như kẻ thua cuộc, đến đó sẽ bị các bạn cười chê", Dũng nói và cho biết cũng hạn chế xem ti vi và lên mạng xã hội.
Điều khiến Dũng lo lắng nhất là sợ mọi người nghĩ rằng bản thân không cố gắng. Suốt năm học lớp 9, Dũng chưa từng nghỉ buổi học thêm nào, học ở lớp chưa đủ, về nhà ôn luyện đến 1-2h sáng.
"Tại sao các bạn làm được còn mình thì không?" là câu hỏi Dũng tự dằn vặt mình những ngày qua. Nam sinh tiếc nuối: "Giá như hôm đó sức khoẻ tốt hơn, em tự tin mình sẽ đỗ".
Trong suốt những năm dạy học, cô Trần Thảo Linh, giáo viên Ngữ văn ở Hà Nội chứng kiến nhiều hoàn cảnh tương tự.
"Sau cuộc thi nào cũng có những niềm vui hân hoan nhưng đâu đó cũng có những nỗi buồn tủi thất vọng của phụ huynh và học sinh khi không đạt quả tốt như kỳ vọng", cô Linh nói. Học sinh ngày nay phải chịu khá nhiều áp lực, vừa là áp lực tâm sinh lý lứa tuổi, áp lực học hành, thi cử, áp lực phải bằng với các bạn đồng trang lứa. Một số em lại phải gánh trên vai những mong muốn, ước mơ của bố mẹ.
Cô Linh cho rằng, không vào được trường cấp 3 mong muốn không có nghĩa là cánh cửa tương lai sẽ hoàn toàn đóng lại. Năm nay các em mới 14-15 tuổi, tương lai phía trước còn rất dài, sẽ còn nhiều cuộc thi chờ các em chinh phục.
"Tôi rất hiểu và chia sẻ với các em nhưng thay vì buồn bã, khép mình hãy mạnh dạn đối diện, hãy dành thời gian này tìm hiểu ngôi trường phù hợp với bản thân. Rất nhiều ngôi trường tư thục chất lượng đang chờ đón các em. Ngôi trường chỉ là một phần trong quá trình học tập, không quyết định 100% thành công của học sinh", cô Linh chia sẻ.
Lỗ Tấn đã từng nói, "kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Qua câu nói ấy, cô Linh mong các bạn học sinh có thể tự bước đi trên con đường mà mình tạo ra dù có khó khăn, ghập ghềnh nhưng đích đến thành công không phải chỉ có một lối đi duy nhất.
Theo cô Linh, đây là giai đoạn con cái rất cần sự động viên của bố mẹ. "Hãy làm bạn và tạo động lực cho con có niềm tin vào tương lai", cô Linh khuyên các bậc phụ huynh không nên đặt nặng áp lực thi cử, hãy cố gắng thấu hiểu mọi cố gắng của con.