Con 9 năm học sinh xuất sắc vẫn trượt lớp 10, mẹ chật vật xoay hướng

Hoàng Hồng| 05/07/2023 08:10

Có khoảng 33.000 đứa trẻ 15 tuổi ở Hà Nội trượt lớp 10 công lập năm nay. Nhiều bậc cha mẹ bối rối vì không có phương án dự phòng trước đó.

Phụ huynh "sốc" khi con điểm cao vẫn trượt lớp 10

Đã 3 ngày trôi qua kể từ khi biết điểm chuẩn vào lớp 10 công lập đã đăng ký nguyện vọng 1 (NV1), không khí gia đình chị T.T.L.N vẫn nặng nề. Con gái chị chưa chấp nhận được việc thi trượt ngôi trường chỉ thuộc tốp 2 của Hà Nội, dù 9 năm là học sinh xuất sắc, điểm trung bình môn 4 năm cấp 2 chưa bao giờ dưới 9 phẩy.

Chị N. tâm sự: "Nhìn con gái đau đớn, tôi không cầm được nước mắt. Tự trách mình đã chủ quan, không tìm hiểu nhiều về cuộc thi khắc nghiệt này".

Con gái chị N có học lực tốt, chủ động, tự tin trong việc học, không đi học thêm ở trung tâm ngoài giờ học tăng cường tại trường. Ngôi trường con chị chọn có mức điểm chuẩn đầu vào trung bình chưa đến 8 điểm một môn trong 5 năm liên tục. Do đó, khi con gái đăng ký NV1 vào đây, chị N. yên tâm đây là sự lựa chọn dưới sức của con.

Tuy nhiên kết quả con chị thiếu 1 điểm ở NV1 và 0,25 điểm ở NV2, không có cơ hội vào học công lập.

Tháng 5, theo tư vấn của nhiều phụ huynh cùng lớp, chị N. đã đặt cọc giữ chỗ ở một trường dân lập làm phương án dự phòng cho con. Song, trong thâm tâm, chị chưa từng nghĩ phải dùng đến phương án này. Hiện tại, chị N. vẫn đang bối rối, chưa biết nên cho con học ở đâu.

Con 9 năm học sinh xuất sắc vẫn trượt lớp 10, mẹ chật vật xoay hướng - 1

Học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2023 (Ảnh: Hải Nguyễn).

Chị N.T.T.A cũng trong tâm trạng giống chị T.T.L.N. Con trai chị đạt 42,5 điểm, trượt NV1 vào Trường THPT Việt Đức lẫn NV2 Trường THPT Trần Phú. "Việc con trượt cả NV2 là điều tôi chưa từng nghĩ đến", chị T.A tâm sự.

Điểm của con chị T.A hiện tại đạt điều kiện xét tuyển NV3 Trường THPT Trần Nhân Tông và trúng tuyển Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh. Trường Lương Thế Vinh có danh tiếng, song chị T.A băn khoăn khi trường cách nhà hơn 10km, phải đi xe buýt từ 6h sáng, học bán trú cả ngày và học cả thứ bảy.

Vấn đề tài chính cũng là yếu tố khiến chị trì hoãn nộp hồ sơ, cân nhắc nên cho con học trường công tốp dưới hay trường dân lập tốp đầu.

Chị N.T.T.A và chị T.T.L.N nằm trong nhóm những phụ huynh chưa sẵn sàng về tâm lý khi con không đỗ đúng nguyện vọng. Ngược lại, rất nhiều gia đình không có cơ hội cho con học bất kỳ ngôi trường công lập nào, cũng không đủ điều kiện tài chính để con học trường tư.

Cùng con vượt qua thất bại đầu đời

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến cáo về tình trạng nhiều phụ huynh xem việc đỗ nguyện vọng 1 mới là đỗ, đỗ nguyện vọng 2, 3 là trượt. Khi gia đình càng đặt nhiều kỳ vọng, những đứa trẻ càng xem việc không trúng tuyển là một thất bại to lớn và sẽ trải qua rất nhiều cảm xúc tiêu cực.

"Các em sẽ thất vọng, buồn bã, tự ti và thấy mình không xứng đáng. Nhiều em cảm thấy chán nản, buồn bã, mất động lực và bắt đầu buông thả bản thân. Những em khác lại tràn ngập cảm giác tức giận, xấu hổ nên có những hành vi bạo lực hướng vào chính bản thân như một cách tự trừng phạt.

Tất cả những tâm trạng này đều có thể dẫn đến những hệ quả tiêu cực, làm giảm các cơ hội thành công của cá nhân cho tương lai", ông Nam cho hay.

Chuyên gia tâm lý khuyên phụ huynh hãy giúp con không trầm trọng hóa vấn đề trượt trường công lập, đồng thời cùng nhau tìm kiếm các phương án thay thế phù hợp như một ngôi trường tư thục hoặc một trường nghề phù hợp với năng lực và thiên hướng của con.

Việc tạm thời không sử dụng mạng xã hội cũng là cần thiết để tránh cảm xúc tiêu cực xuất phát từ sự so sánh bản thân với những kỷ lục gia sưu tập thành công trên mạng.

Nhân cơ hội này, cha mẹ cũng nên trao đổi với con về những bài học của cuộc sống. Giúp con hiểu rằng để sống hạnh phúc cũng có nhiều thứ cần quên đi, trong đó hàng đầu là những sai lầm trong quá khứ, những lo lắng về việc người khác sẽ nghĩ gì về mình, bởi đó là những thứ chúng ta không thể kiểm soát được.

Con 9 năm học sinh xuất sắc vẫn trượt lớp 10, mẹ chật vật xoay hướng - 2

Hình ảnh phụ huynh đưa con đi thi lớp 10 ngày 10/6 tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân)

Ông Trần Thành Nam cũng lưu ý cha mẹ cần chú tâm hơn để sớm nhận ra những dấu hiệu nguy cơ con đang mất cân bằng tâm lý và có thể có những hành vi thiếu suy nghĩ trong thời gian này.

Đó là việc thay đổi tâm trạng nhanh, mất năng lượng, cảm giác trống rỗng, vô giá trị, mất đi hứng thú với các hoạt động sở thích, ngủ trằn trọc hoặc ngủ quá nhiều, năng lực ghi nhớ, tập trung chú ý giảm, cáu gắt quá mức.

Điều quan trọng là không để con nản lòng, hào hứng khám phá các cơ hội học tập khác, thậm chí các phương pháp học tập khác để tiếp tục hành trình học tập suốt đời.

"Có thể trong tương lai không xa, xu hướng homeschooling (học tại nhà) với các khóa học mini trực tuyến được thiết kế riêng cho từng học sinh sẽ trở nên thịnh hành với những học sinh không có cơ hội vào trường công khi chúng ta đang sống trong bối cảnh chuyển đổi số và trường học bây giờ đã không còn bị giới hạn trong 4 bức tường nữa", ông Nam nhấn mạnh.

Năm 2023, gần 105.000 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi lớp 10 công lập tại Hà Nội. Với tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 72.000, có 33.000 học sinh không có cơ hội học trường công.

29 trường giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của Hà Nội tuyển hơn 10.000 chỉ tiêu, giải quyết được gần 1/3 số học sinh trượt lớp 10 công lập. Khoảng 23.000 học sinh phải học trường tư thục.

95 trường THPT tư thục trên địa bàn Hà Nội tuyển khoảng 27.000 chỉ tiêu.

Như vậy, Hà Nội đảm bảo thực hiện chủ trương 100% học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở, đủ điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường học.

Tuy nhiên, chưa có thống kê cụ thể về việc có bao nhiêu học sinh nằm trong số 23.000 sĩ tử nói trên không có điều kiện tài chính để học trường THPT tư thục.

Đồng thời, chưa có thống kê đánh giá về chất lượng đầu ra tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên bao gồm chất lượng tay nghề của học sinh sau tốt nghiệp, giá trị của bằng cấp trên thị trường lao động, tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi ra trường... để đảm bảo rằng những học sinh trượt lớp 10 công vẫn có một hướng đi khác an toàn và vững chắc ở tuổi 15 để chuẩn bị vào đời.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Con 9 năm học sinh xuất sắc vẫn trượt lớp 10, mẹ chật vật xoay hướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO