Chị Kim Nguyên (ngụ TPHCM) đã dành ra 3 ngày trong kỳ nghỉ lễ của mình để đi du lịch Đà Lạt.
Trước khi đi, chị Nguyên đọc được thông tin cầu gỗ săn mây bị đóng cửa không cho du khách vào tham quan chụp ảnh khiến chị khá ngỡ ngàng. Tuy vậy, không ít "cò" du lịch cho biết sẽ đưa chị vào tận cầu gỗ với chi phí "khá chát".
Ông A.N., chủ trang mạng xã hội T.L.S.M cho biết, để vào được cầu gỗ, khách cần mua combo bao gồm" dịch vụ hướng dẫn vào cầu gỗ săn mây, chụp bộ ảnh kèm photoshop với giá là 2,5 triệu đồng. Vì quá mê địa điểm này, chị Nguyên đã chuyển khoản 60% chi phí là 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày đi thì A.N. đột ngột "bốc hơi".
"Mình gọi điện cả đêm không được và nhắn tin anh ta cũng không trả lời. Trong tin nhắn cuối cùng, mình nói hay là sáng mai mình tự vô đó tự chụp, anh liên hệ người dẫn vào thì ảnh đồng ý.
A.N nói mình 5 giờ sáng đến Cầu Đất. Tuy nhiên, Đà Lạt thì mưa cả đêm dai dẳng nên mình cũng không dám đi mấy chục cây số lên đấy vì sợ anh không giữ lời hứa. Cuối cùng, anh ta quỵt luôn tiền cọc của mình và khóa tài khoản cá nhân", chị Nguyên bức xúc.
Theo chia sẻ của Nguyên, chị cũng là người cẩn thận khi tìm hiểu kĩ trang cá nhân của người mà mình đặt cọc tiền. A.N thường xuyên đăng tải hình ảnh homestay, villa đẹp và chia sẻ nhiều thông tin về khách hàng ở Đà Lạt. Chị Nguyên cho biết: "Bình thường, mình toàn dựng chân máy tự chụp, đây là lần đầu tiên mua combo giá rẻ để chụp hình mà bị lừa".
Bên cạnh tour trọn gói, nhiều du khách có xu hướng du lịch tự túc, tìm các combo khuyến mãi bao gồm vé máy bay, khách sạn, các dịch vụ đi kèm… cho hành trình của mình. Phổ biến nhất là combo vé máy bay kèm khách sạn, được bán với giá "mềm" hơn so với đặt lẻ từng dịch vụ.
Cụ thể, combo 3 ngày 2 đêm tại Đà Nẵng, Côn Đảo, Đà Lạt… được đưa ra mức giá 3-4 triệu đồng, tùy thời điểm. Đồng thời, những dịch vụ được chia tách cũng được du khách lựa chọn, thể hiện qua combo điểm vui chơi, hướng dẫn viên theo ngày…
Thông thường, khách du lịch tự túc có thói quen "săn" combo thông qua hội, nhóm yêu du lịch. Chính vì thế, giao dịch này thường không được thông qua công ty hay hệ thống.
Mới đây, chủ một villa tại Đà Lạt đã khá bất ngờ khi cơ sở của mình lại được đăng tải hình ảnh bởi người đàn ông lạ mặt. Người này đã vô tư mời gọi khách đặt chỗ nghỉ, chia sẻ nhận xét khách hàng… như chủ villa. Thậm chí, một số khách đã bị lừa chuyển cọc khi tin vào bài đăng của người này, trên một hội nhóm du lịch.
Anh Duy Nguyên, hiện đang quản lý "hệ sinh thái" các hội nhóm yêu du lịch như Ghiền Đà Lạt, Việt Nam Ơi, Ghiền Đà Nẵng… cho biết, tình trạng này xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là sau dịch Covid-19.
"Nhiều homestay, khách sạn không trụ nổi và phải sang lại cho người mới. Tuy nhiên họ vẫn giữ trang Facebook cũ để nhận booking và lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc nếu các bạn ngây thơ chuyển khoản", anh nói.
Vào mùa lễ hội, việc tìm phòng khách sạn, combo du lịch khá khó khăn, vì thế, hành vi lừa đảo diễn ra tràn lan. Giao dịch này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu khách hàng không kiểm tra cẩn thận. Thậm chí, một số khách đã chưng hửng khi đến khách sạn đã đóng cửa, dù đã thanh toán tiền.
Theo anh Nguyên, trước khi đặt dịch vụ thông qua các hội, nhóm khách hàng cần kiểm tra kĩ thông tin của đối phương, hoặc ít nhất, phải tham khảo lời giới thiệu của người sử dụng trước. Đồng thời, khách hàng cần gọi điện trực tiếp đến nơi mình đặt cọc để kiểm tra tình trạng đặt phòng, vé máy bay…