5 cầu thủ thuộc biên chế câu lạc bộ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là Đinh Thanh Trung, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Trung Học, Nguyễn Văn Trường, Dương Quang Tuấn bị bắt giữ sau khi có hành vi tổ chức, sử dụng trái phép chất ma tuý vào ngày 4.5 vừa qua.
Câu chuyện các cầu thủ chuyên nghiệp sử dụng chất cấm khiến giới chuyên môn và truyền thông đặt ra tính cấp thiết về việc cần kiểm tra doping tại V.League.
Sau trận đấu ở vòng 17 V.League, huấn luyện viên Văn Sỹ Sơn của Quảng Nam nhấn mạnh với giới truyền thông: "Tôi nghĩ Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ban tổ chức giải cần làm ngay để ngăn ngừa tình trạng cầu thủ sử dụng chất cấm. Nếu đưa ra quy chế rõ ràng, khi kiểm tra, phát hiện, ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm.
Bóng đá là nghề kiếm ra nhiều tiền. Nếu chơi tốt, trở thành ngôi sao, các cầu thủ được tôn sùng, tôn trọng rất lớn. Do đó, họ phải ý thức, tự giác với nghề của mình. Họ phải giữ mình trước mọi cám dỗ, những cuộc chơi độc hại.
Các cầu thủ cần hoàn thiện chính mình, trước tiên phải là con ngoan của bố mẹ, là chồng tốt với vợ và là người cha gương mẫu, trách nhiệm với con cái".
Ông Sơn nói thêm: "Kiểm tra doping là giải pháp tốt nhất vì lãnh đạo các đội bóng, ban huấn luyện không phải lúc nào cũng kè kè theo sát cầu thủ để điểm danh được. Thế nên, nếu có những biện pháp cứng rắn, chắc chắn cầu thủ sẽ sợ, môi trường sẽ khác vì đa phần cầu thủ Việt Nam là cầu thủ tốt, đi lên từ nghèo khó".
Theo tìm hiểu, tính từ V.League 2008 đến 2017, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) phối hợp cùng Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã thành lập tổ công tác triển khai các cuộc kiểm tra sức khoẻ, trong đó có hạng mục xét nghiệm, kiểm tra doping cho cầu thủ trước thời điểm thi đấu.
Theo đó, một số cầu thủ được lựa chọn ngẫu nhiên lấy mẫu xét nghiệm nước tiểu. Từ đó sẽ xác định được việc cầu thủ có dùng chất cấm, bao gồm trong đó là các chất gây nghiện hay không.
Ở mỗi đội bóng, tối thiểu 2 cầu thủ được lựa chọn theo hình thức bốc thăm xét nghiệm. Có nghĩa, nếu V.League có 14 đội và mỗi mùa giải có 2 lần kiểm tra ở đầu lượt đi và lượt về thì sẽ có khoảng 50 mẫu thử trong một mùa giải để thực hiện kiểm tra.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng Y học thể thao VFF, trong suốt thời gian từ năm 2008 đến 2017, không có trường hợp nào tại V.League dương tính với các chất gây nghiện.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra doping cho cầu thủ V.League bị gián đoạn từ năm 2018 cho đến nay, do những thay đổi về công tác tổ chức và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Phải đến năm nay, tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2024 - 2025, nội dung này đã được Ban lãnh đạo VFF, ban tổ chức giải đấu đưa ra và Phòng Y học thể thao của VFF cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục triển khai các công tác kiểm tra.
Thực tế, có 2 vấn đề sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm tra doping các cầu thủ tại V.League. Đó là chi phí và thời điểm xét nghiệm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phú, nếu làm đúng như quy trình kiểm tra doping như SEA Games, ASIAD, vòng loại World Cup..., chi phí cho 1 mẫu xét nghiệm sẽ rơi vào khoảng 6-8 triệu đồng. Con số này cao từ 3-4 lần nếu đối chiếu với quy trình xét nghiệm cơ bản liên quan đến một vài chất cấm từng thực hiện trước đó.
Còn về thời điểm xét nghiệm, việc kiểm tra cầu thủ cần phải thực hiện tại bất cứ thời điểm nào, bao gồm cả thời gian thi đấu hoặc không thi đấu (là điều cần thiết) và phải được tăng cường ở mật độ nhiều hơn.
Tức là một cầu thủ được đăng kí thi đấu tại một giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thuộc hệ thống quản lý của VFF thì VFF có quyền triệu tập để kiểm tra vào bất cứ lúc nào. Điều đó mới đảm bảo tính chính xác về việc có hay không sử dụng doping, chất cấm hay ma túy của cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam.Tất nhiên, bên cạnh việc siết chặt công tác kiểm tra doping tại V.League, bản thân các cầu thủ cũng cần ý thức về nghề nghiệp. Nói không với chất cấm là cách để họ có thể đi đường dài và bền vững với thể thao vua.