Cơ hội trao đổi sâu, tìm giải pháp mới cho an ninh lương thực ở tiểu vùng sông Mekong

Đức Khải| 19/03/2024 15:22

Đối thoại lần này là cơ hội để trao đổi sâu, tìm ra những giải pháp mới cho vấn đề rất quan trọng và cấp bách hiện nay, đó là nguy cơ mất an ninh lương thực ở khu vực Tiểu vùng Mekong... Đó là thông điệp ông Brian Eyler - chuyên gia hàng đầu về Mekong của Trung tâm Stimson trong trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam tại Đối thoại "Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Trung tâm Stimson tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, từ 18 -19/3.

Cùng trao đổi để tìm ra giải pháp mới cho vấn đề an ninh lương thực ở Tiểu vùng Mekong
Tiến sỹ Brian Eyler phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại chính sách kênh 1,5 về chủ đề "Nông nghiệp, Ngư nghiệp và An ninh lương thực" do Học viện Ngoại giao và Trung tâm Stimson (Mỹ) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 18/3. (Ảnh: Đức Khải)

Đây là lần đầu tiên Trung tâm Stimson tổ chức đối thoại về chủ đề an ninh lương thực tại Việt Nam, vậy ông mong muốn có được điều gì từ cuộc Đối thoại này?

Chúng tôi rất vui mừng được cùng làm việc với Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cuộc Đối thoại chính sách kênh 1.5 về lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và an ninh lương thực tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Stimson đã thực hiện 7 cuộc đối thoại về các chủ đề khác nhau tại các quốc gia Tiểu vùng Mekong trong khuôn khổ Đối tác Mekong - Mỹ. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có mặt tại Việt Nam. Thật tuyệt vời khi được cùng Học viện Ngoại giao và các bên liên quan tổ chức đối thoại về một chủ đề cực kỳ quan trọng với nhiều vấn đề cấp bách đang nổi lên tại Tiểu vùng Mekong, đó là phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp bền vững và an ninh lương thực ở khu vực này.

Bởi thế, Đối thoại tại Việt Nam lần này quy tụ các đại biểu đến từ nhiều tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các viện nghiên cứu và các nhà nghiên cứu độc lập để trao đổi về các vấn đề nóng, tìm ra giải pháp để giải quyết các thách thức cấp bách trong khu vực liên quan đến chủ đề rất cấp thiết nói trên.

Cùng trao đổi sâu để tìm ra giải pháp mới cho vấn đề an ninh lương thực ở Tiểu vùng Mekong
Tiến sỹ Brian Eyler (trái) và Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao trao đổi trước khi khai mạc Đối thoại. (Ảnh: Đức Khải)

An ninh lương thực bao gồm rất nhiều thứ, từ ngũ cốc, gạo, thực phẩm, hải sản…và cả những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như các tác động khác từ phía con người trọng trong này lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp đang diễn ra tại tiểu vùng Mekong.

Từ góc độ rộng lớn khu vực, tầm nhìn quy mô quốc gia cho đến cộng đồng người dân địa phương, kỳ vọng của chúng tôi khi tổ chức Đối thoại lần này là tìm ra các giải pháp mới cho các vấn đề chúng ta đề cập ở trên. Các giải pháp mới xuất hiện từ ý kiến đóng góp tại Đối thoại lần này có thể áp dụng ở Việt Nam, nhưng cũng có thể được áp dụng ở Thái Lan hoặc Campuchia... và ngược lại, những điều người dân Campuchia hay một quốc gia Mekong khác đang làm cũng có thể áp dụng được ở Việt Nam.

Ông có khuyến nghị chính sách nào trong việc bảo đảm an ninh lương thực nói riêng cho Việt Nam cũng như về vấn đề này nói chung ở khu vực Tiểu vùng Mekong?

Theo chúng tôi, điều quan trọng nhất là cần lắng nghe các bên liên quan ở địa phương và người dân địa phương chứ không chỉ từ cộng đồng, chính phủ hay các tổ chức phi chính phủ để hiểu rõ nhu cầu của họ trước khi áp dụng các giải pháp.

Về giả pháp, một giải pháp mà tôi nghĩ rất hứa hẹn đến từ Việt Nam đó là chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và các giải pháp thực thi của Chính phủ, cụ thể là Nghị quyết số 120 của Chính phủ Việt nam thể hiện cam kết về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai quyết liệt Nghị quyết này của Chính phủ có thể bảo tồn và cứu được đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Cùng trao đổi sâu để tìm ra giải pháp mới cho vấn đề an ninh lương thực ở Tiểu vùng Mekong
Tiến sỹ Brian Eyler (ngoài cùng bên trái) và các đại biểu trong phiên thảo luận "Thích ứng và đổi mới: Áp dụng công nghệ mới trong dự báo và phân tích nguồn nước, cây trồng".

Một giải pháp thông minh khác, theo tôi đó là dựa vào thiên nhiên, tự nhiên để lũ lụt, giá trị tích cực và lợi ích mà lũ lụt mang lại khi chúng ta thúc đẩy lũ lụt xảy ra như một cách để cứu đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy nhanh phát triển nông nghiệp có giá trị cao bằng cách chuyển đổi từ sản xuất quá nhiều gạo ở đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao hơn, từ đó mang lại nhiều thu nhập hơn cho nông dân Việt Nam. Theo tôi, đó chính là những giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Ông Brian Eyler là Chủ nhiệm Chương trình Năng lượng, Nước và Bền vững khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Stimson và là nhà đồng chủ trì tổ chức Đối thoại lần này tại Việt Nam. Ông là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về các vấn đề xuyên biên giới ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong và về hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Ông cũng là Chủ tịch Nhóm làm việc về di sản chiến tranh của Trung tâm Stimson.

Ông Brian Eyler có hơn 15 năm sống và làm việc tại Trung Quốc và có các nghiên cứu sâu rộng với các bên liên quan ở khu vực sông Mekong. Ông được đánh giá rộng rãi là người có tiếng nói hàng đầu về các vấn đề an ninh môi trường, năng lượng và nguồn nước ở khu vực Mekong và đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế uy tín về môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Cuốn sách đầu tiên của ông có tên “Những ngày cuối cùng của con sông Mekong hùng vỹ” được xuất bản bởi Zed Books vào năm 2019.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội trao đổi sâu, tìm giải pháp mới cho an ninh lương thực ở tiểu vùng sông Mekong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO