Cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm?

14/09/2024 08:44

VN-Index liên tục lình xình quanh mốc 1.250 điểm với thanh khoản giảm mạnh nhưng vẫn có cơ hội cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu từ nay tới cuối năm

Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 13-9, thị trường tiếp tục gây thất vọng cho nhà đầu tư khi thanh khoản gần như biến mất, cả 3 sàn nhưng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 12.000 tỉ đồng. VN-Index mất gần 5 điểm, về sát mốc 1.250 điểm, giá cổ phiếu biến động rất hẹp. Nhiều nhà đầu tư đến nay vẫn chưa hết lỗ sau đợt lao dốc hồi tháng 7, tháng 8-2024.

Giao dịch "buồn ngủ"

Cùng ngày, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow "Cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm?", rất nhiều nhà đầu tư gửi câu hỏi bày tỏ băn khoăn, vì sao kinh tế vĩ mô trong nước ngày càng tích cực, tỉ giá hạ nhiệt nhanh, lộ trình nâng hạng chứng khoán rõ ràng hơn; ở ngoài nước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp sửa hạ lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu thì vừa mới hạ lãi suất nhưng vì sao chứng khoán Việt vẫn cứ ì ạch?

Các chuyên gia nhận định việc khối ngoại liên tục bán ròng đã gây tiêu cực tới tâm lý các nhà đầu tư cá nhân Ảnh: TẤN THẠNH
Các chuyên gia nhận định việc khối ngoại liên tục bán ròng đã gây tiêu cực tới tâm lý các nhà đầu tư cá nhân .Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Phan Thành Nghiệp, Giám đốc khách hàng cao cấp chi nhánh Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DNSE, nhận định nền tảng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đã khác trước, nhà đầu tư hiện nay không chỉ quan tâm tới yếu tố cơ bản của doanh nghiệp (DN) niêm yết mà còn theo dõi thị trường chứng khoán quốc tế, yếu tố địa chính trị, chính sách tiền tệ của các quốc gia… Do đó, việc 2 đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ, Trung Quốc đối mặt nguy cơ suy thoái khiến họ lo ngại.

Với thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa được số đông nhà đầu tư "ưa thích" đã không còn rẻ và không còn nhiều dư địa tăng trưởng. "Ngay nhóm ngành ngân hàng (NH) chi phối điểm số của thị trường nhưng đang có tài sản lớn nhất là bất động sản vẫn loay hoay ở vùng đáy; đồng thời áp lực nợ xấu cũng không nhỏ. Dòng tiền èo uột, thiếu nhóm ngành dẫn dắt nên thị trường khó mà sôi động được" - ông Nghiệp nói.

Ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc chi nhánh 2, Hội sở, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS), nói vui thị trường hiện tại đang chưa tìm được "long mạch" thật sự, tức chưa có nhóm ngành cổ phiếu nào đủ sức dẫn dắt dòng tiền. Đặc biệt, thị trường thiếu những yếu tố tích cực để tạo cú hích về tâm lý cho các nhà đầu tư, trái lại nỗi lo về suy thoái kinh tế quốc tế và sức ép từ khối ngoại bán ròng vẫn đang thường trực. Thống kê từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 66.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán, một con số "khủng" từ trước đến nay.

Theo các chuyên gia, việc FED sắp giảm lãi suất lần đầu tiên tại cuộc họp chính sách vào giữa tháng 9, với mức giảm tối thiểu 0,25 điểm %; thông tin liên quan tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài về việc không cần ký quỹ vẫn có thể mua cổ phiếu là những yếu tố tích cực nhưng khối ngoại liên tục bán ròng vẫn gây tác động tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân.

Bao giờ khối ngoại mua ròng?

TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, phân tích từ giai đoạn sau COVID-19 đến nay, khối ngoại bắt đầu bán ròng và tần suất mạnh dần trong thời gian qua. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng không hẳn do kinh tế vĩ mô xấu, thực tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam vẫn rất lớn, mà do thị trường chứng khoán thiếu vắng những "câu chuyện" đủ hấp dẫn. Thống kê từ năm 2019 đến nay, bình quân VN-Index chỉ tăng khoảng 20%, trong khi nhiều thị trường chứng khoán thế giới như Mỹ liên tục lập đỉnh lịch sử. "Thị trường Mỹ có rất nhiều câu chuyện liên quan chuyển đổi số, chip bán dẫn, công nghệ, trí tuệ nhân tạo… nhiều cổ phiếu tăng vọt nhờ thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư. Với thị trường Việt Nam, khối ngoại bán ròng mạnh nhưng tỉ trọng giao dịch không quá lớn. Nhà đầu tư cá nhân hiện cũng không còn nhìn dòng tiền của khối ngoại để mua bán cổ phiếu như trước nên không phải quá lo ngại" - TS Nguyễn Anh Vũ nói.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong những phiên vừa qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng cổ phiếu nhưng tốc độ và giá trị tuyệt đối đã giảm. Trong 3 phiên gần nhất, khối ngoại giảm lượng bán ròng còn khoảng 260 tỉ đồng, thay vì cả ngàn tỉ đồng như những phiên trước đó. Việc FED giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9 được kỳ vọng sẽ góp phần đảo chiều xu hướng dòng tiền trên thế giới dịch chuyển từ Mỹ về các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng Phòng Cao cấp, Trung tâm phân tích, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phân tích thực tế những ngày qua, khi thời điểm FED giảm lãi suất cận kề, dòng vốn ngoại đã bắt đầu trở lại Đông Nam Á. Khối ngoại đã mua ròng ở thị trường chứng khoán Philippines, Thái Lan… Với thị trường Việt Nam, dù khối ngoại vẫn bán ròng nhưng quy mô giảm rất nhiều.

Trong ngắn hạn, tác động của thiên tai từ cơn bão số 3, lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc… có thể khiến nhà đầu tư lo ngại nhưng ngược lại cũng đang có rất nhiều thông tin tích cực sắp tới như kết quả kinh doanh quý III dự báo khả quan và lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi rõ ràng hơn. "Dự kiến tăng trưởng của DN niêm yết có thể đạt 2 con số dựa trên mức nền thấp của năm ngoái. Khi có thông tin kết quả kinh doanh hiện thực hóa bằng tăng trưởng lợi nhuận, cùng với điểm số VN-Index ở hiện tại, định giá thị trường P/E rẻ hơn… sẽ thúc đẩy dòng tiền chảy vào" - ông Quốc Hưng kỳ vọng.

Cổ phiếu không quá rẻ nhưng hợp lý

Theo các chuyên gia, hiện nhiều thị trường mới nổi và cận biên đều đang rất kỳ vọng điểm đảo chiều về chính sách tiền tệ của FED. Và thực chất, điểm đảo chiều đang đến rất gần trong tháng 9, và bằng chứng là dòng vốn gián tiếp đã lan tỏa vào thị trường Đông Nam Á. Ông Phan Thành Nghiệp nói rằng đang có những yếu tố tích cực của thị trường Việt Nam nhờ tăng trưởng EPS (lãi trên mỗi cổ phiếu) ổn định, định giá P/E không quá rẻ nhưng là thời điểm hợp lý để dòng vốn lớn đổ bộ vào. Khi lộ trình nâng hạng rõ ràng hơn, sẽ là điểm sáng để hút dòng vốn ngoại trở lại thị trường.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
  • Đà Nẵng mưa trắng trời, đường phố mênh mông nước
    Mưa lớn kéo dài trong sáng nay 18/9 khiến nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng bị ngập, phương tiện chết máy hàng loạt, giao thông gặp khó trong giờ cao điểm.
  • Tản mạn về Sài Gòn
    Ai cũng nói “Thời tiết Sài Gòn mưa nắng thất thường” đỏng đảnh như một cô gái mới lớn, khó chiều. Nhưng ít ai biết rằng đó là 1 nét đặc trưng riêng của Sài Gòn mà không phải ở đâu cũng có được. Có rất nhiều kiểu mưa ở Sài Gòn như mưa vội, mưa bất chợt và mưa mang theo nhiều cảm xúc… Chiều Sài Gòn dưới những cơn mưa bất chợt, bỗng thấy lòng mình miên man nhiều nỗi niềm, một cảm giác bình yên nhè nhẹ lan toả trong trái tim.
  • Nem nắm đặc sản trứ danh đất thành Nam
    Nam Định, vùng đất thành Nam xưa có nhiều món ăn nức tiếng vẫn còn tới ngày nay. Ngoài đặc sản phở bò, vùng đất ở phía Nam đồng bằng sông Hồng còn có một món ăn dân dã làm từ thịt heo ngon khó cưỡng, đó là nem nắm.
  • Giới chuyên gia 'mổ xẻ' nguyên nhân khiến máy nhắn tin phát nổ hàng loạt tại Liban
    Đã có 9 người đã thiệt mạng và khoảng 2.750 người bị thương khi máy nhắn tin phát nổ hàng loạt trên khắp Liban. Diễn biến này khiến nhiều người băn khoăn rằng bằng cách nào, một thiết bị liên lạc được coi là lỗi thời ở nhiều nơi trên thế giới lại có thể trở thành vũ khí nguy hiểm chết người?
  • Nhu cầu về khí đốt của Việt Nam dự kiến tăng trung bình 12% mỗi năm
    Theo các chuyên gia của Wood Mackenzie, sự chuyển dịch sang sử dụng LNG không chỉ giúp duy trì sự ổn định cho hệ thống điện quốc gia mà còn đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO