Cô giáo người Tày 16 năm trèo đèo lội suối duy trì lớp học ở nơi 7 không

08/11/2024 08:45

Hơn 16 năm bám bản gieo chữ, cô giáo Long Thị Duyên (SN 1986) luôn nuôi dưỡng tình yêu trẻ với mong muốn đem con chữ đến với vùng cao.

Lớn lên trên mảnh đất Pác Nặm (Bắc Kạn), cô Long Thị Duyên phần nào thấu hiểu những khó khăn người đồng bào nơi đây đã và đang trải qua. Cuộc sống vùng cao thiếu thốn nên các bậc làm cha, làm mẹ dành nhiều thời gian trên nương rẫy hơn việc chăm sóc con cái, "đám trẻ cứ thế lớn lên như cây cỏ". Tuổi thơ của cô cũng không ngoại lệ, bố mẹ đi làm xa, phải tự lập, do vậy từ nhỏ cô luôn ấp ủ trở thành giáo viên mầm non để yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc các em nhỏ.

Những năm học phổ thông, cô kiên trì mục tiêu vào đại học, rồi làm giáo viên để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ. Cô Duyên thi đỗ ngành sư phạm Mầm non, trường Đại học Sư phạm Hải Phòng (nay là Đại học Hải Phòng).

Cô giáo người Tày 16 năm trèo đèo lội suối duy trì lớp học ở nơi 7 không - 1

Lớp học 7 không

Được đến giảng đường đại học với cô Duyên là một kỳ tích. Vượt quãng đường hơn 300km từ bản làng đến trường đại học, nữ sinh dân tộc Tày khi ấy không ngừng nỗ lực, chăm chỉ học tập và rèn luyện. Năm 2007 cô xuất sắc tốt nghiệp đại học.

Cầm trên tay tấm bằng cử nhân sư phạm, cô Duyên chọn xin về gần nhà dạy hợp đồng tại trường Mầm non Bộc Bô.

"Tôi được phân công về dạy ở điểm trường Khẩu Vai, cách trường chính và trung tâm xã chừng 7 km. Ngày ấy, đường vào điểm trường toàn đất đỏ, đi lại khó khăn, nhiều đoạn dốc cao chỉ có thể đi bộ. Từ trung tâm xã đi vào điểm trường mất khoảng 1-2 tiếng", cô Duyên nhớ lại.

Dù sinh ra ở vùng cao, nhưng đến khi trở thành giáo viên, đến tận nơi dạy học, cô Duyên thấm hết những cơ cực của đồng bào nơi đây, cả bản chỉ thấp thoáng vài ngôi nhà gỗ, phụ thuộc hoàn toàn vào ruộng nương. "Những ngày đầu vào điểm trường, lớp được dựng tạm bằng tre, ngày mưa thì dột ước hết sách vở, ngày lạnh thì cô trò co ro ôm nhau sưởi ấm bên bếp lửa giữa lớp, gió rít bốn bề", cô Duyên nói.

Ngày ấy, các cô giáo thường đùa nhau đây là điểm trường 7 không: không phòng học kiên cố, không thiết bị học tập, không bảng phấn, không điện, không nước, không sóng điện thoại, không thể giao tiếp với học sinh, phụ huynh. Học trò 100% là dân tộc Mông, Dao, các em đến lớp không biết tiếng Kinh, cô trò chỉ có giao tiếp bằng cử chỉ, diễn tả hành động, quá trình dạy học càng gian nan.

"Dạy tiếng phổ thông cho trẻ người dân tộc rất khó, đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn và phát âm chuẩn. Khi phát âm, trẻ thường bị pha lẫn tiếng mẹ đẻ, dẫn đến bị ngọng, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì sửa, nhắc lại nhiều lần, diễn tả bằng khẩu hình chậm để các em quan sát và phát âm theo", cô Duyên chia sẻ.

Để học trò làm quen với Tiếng Việt tốt hơn, cô Duyên chuẩn bị nhiều tranh ảnh, đồ dùng bắt mắt có chú thích chữ cái gây thích thú. Cô cũng nghĩ ra nhiều trò có tính tương tác cao để học trò vừa học vừa chơi, tiếp thu bài giảng nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Cô Duyên nhớ nhất những ngày dạy trẻ các bài ca dao, đồng dao, bài hát..., nhìn các trò bi bô đồng thanh đọc theo, cô càng tin lựa chọn trở thành giáo viên là đúng.

Hàng ngày, sau giờ học trên lớp, cô Duyên phải dành thời gian đến nhà phụ huynh để vận động cho con đến lớp đầy đủ, không bỏ học. Thậm chí phải cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với nhiều gia đình, họ mới tin tưởng, cho con đến lớp.

Cuộc sống bám bản gieo con chứ cứ thế trôi, đến nay cũng hơn 16 năm cô Duyên gắn bó với mảnh đất núi rừng này.

Cô giáo người Tày 16 năm trèo đèo lội suối duy trì lớp học ở nơi 7 không - 2

Mong cho học sinh có bữa no

Đi qua ngần ấy năm thăng trầm, cô Duyên chia sẻ, để làm tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định.

Từ những ngày bắt đầu theo nghề, cô Duyên luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cô luôn giản dị trong ăn mặc, tóc buộc cao để dễ dàng chăm sóc những học trò nhỏ từ việc học đến từng bữa ăn giấc ngủ. Chỉ những ngày trường có sự kiện quan trọng, cô giáo người Tày mới 'ăn diện' áo dài và xoã tóc.

Cô nói, vì điểm trường còn nghèo nên muốn tích góp đồng lương để thỉnh thoảng mua thêm kẹo bánh, đồ chơi cho các em nhỏ.

Cô giáo người Tày 16 năm trèo đèo lội suối duy trì lớp học ở nơi 7 không - 3

Là giáo viên mầm non, cô Duyên luôn xác định rõ vai trò "giáo viên như mẹ hiền". Mỗi khi nhìn học trò bị suy dinh dưỡng, cô đau đáu tìm cách cải thiện. "Tôi nhớ mãi những ngày đích thân đến nhà từng em để động viên phụ huynh cho con ăn ngủ tại lớp. Thời gian đầu chưa được hưởng ứng tích cực nhưng theo thời gian, việc học bán trú dần trở thành điều quen thuộc. Nhờ đó tình trạng suy dinh dưỡng giảm đáng kể", cô Duyên mừng rỡ khi sự kiên trì của mình được đền đáp bằng sự mạnh khoẻ của các học trò.

Mong muốn lớn nhất của cô Duyên là góp sức tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh, tất cả trẻ em tới trường đều được ăn no, mặc ấm và an toàn. "Các con đã đến trường, dù hoàn cảnh thế nào cũng được chăm sóc như nhau, không bạn nào được ưu ái hơn và cũng không bạn nào bị bỏ lại phía sau", cô giáo nói.

Nhờ sự bền bỉ với nghề và tình yêu học trò sâu sắc, giờ đây cô Duyên trở thành người mẹ thứ hai, không thể thiếu, tại điểm trường Mầm non Bộc Bố, huyện Pác Nặm.

Nhiều năm liên tiếp cô Duyên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 3, danh hiệu Lao động tiên tiến. Cô cũng nhận nhiều giấy khen do tỉnh, thành phố trao tặng vì có thành tích thi đua, dạy học xuất sắc cùng nhiều sáng kiến hay cho ngành giáo dục.

Năm học này là năm thứ 17 công tác trong ngành giáo dục, cô giáo người Tày vẫn luôn tâm niệm được làm nghề mỗi ngày, được học trò yêu quý, được phụ huynh và đồng nghiệp tôn trọng là món quà, động lực quý giá nhất.

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/co-giao-nguoi-tay-16-nam-treo-deo-loi-suoi-duy-tri-lop-hoc-o-noi-7-khong-ar903624.html
Copy Link
https://vtc.vn/co-giao-nguoi-tay-16-nam-treo-deo-loi-suoi-duy-tri-lop-hoc-o-noi-7-khong-ar903624.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Cô giáo người Tày 16 năm trèo đèo lội suối duy trì lớp học ở nơi 7 không
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO